TPS muốn chào bán 2,000 tỷ đồng trái phiếu và tăng vốn gấp đôi 

TPS muốn chào bán 2,000 tỷ đồng trái phiếu và tăng vốn gấp đôi 

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) sẽ trình cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch phát hành 2,000 tỷ đồng trái phiếu; chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ…

Nhằm đảm bảo nhu cầu vốn, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành/chào bán trái phiếu năm 2023 với tổng giá trị mệnh giá phát hành dự kiến 2,000 tỷ đồng, kỳ hạn 05 năm.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có bảo đảm. Lãi suất và kỳ tính lãi của trái phiếu sẽ được HĐQT quyết định phù hợp với nhu cầu vốn và tình hình tài chính của Công ty tại từng thời điểm.

Đối tượng phát hành là các tổ chức kinh tế, định chế tài chính, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư chứng khoán cá nhân/tổ chức có nhu cầu đầu tư trái phiếu. Thời gian thực hiện cụ thể của từng đợt phát hành sẽ được HĐQT quyết định, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, TPS cũng công bố tờ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành/chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4,000 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn của Công ty để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán và/hoặc các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh hợp pháp khác, thực hiện các hoạt động đầu tư và/hoặc cơ cấu nợ của Công ty.

Dự kiến, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 200 triệu cp thông qua hai phương án.

Phương án thứ nhất, phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với một trong hai tỷ lệ thực hiện quyền, gồm 100 triệu cp (tỷ lệ 2:1) hoặc 200 triệu cp (tỷ lệ 1:1). Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng/cp.

Lưu ý, cổ đông hiện hữu chỉ được thực hiện duy nhất 1 lần chuyển nhượng quyền mua (người nhận chuyển nhượng quyền mua từ cổ đông hiện hữu không được chuyển nhượng cho người khác). Còn số cổ phiếu phát hành/chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Phương án thứ hai, chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến tối đa 200 triệu cp, giá không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt cháo bán.

Ngoài ra, TPS cũng thông báo bầu bổ sung Thành viên HĐQT thay cho ông Trần Sơn Hải và Thành viên Ban Kiểm soát thay cho bà Trần Thanh Hương, cùng có đơn từ nhiệm từ ngày 16/03/2023.

Kế hoạch lãi sau thuế 2023 đạt 184 tỷ đồng

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 2,831 tỷ đồng và lãi sau thuế 184 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 4% và 36% so với thực hiện năm 2022.

Trong đó, TPS sẽ tập trung đa dạng hóa doanh thu với ba trụ chính là dịch vụ ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán và tự doanh. Đồng thời, mở rộng hoạt động kinh doanh, cung cấp thêm cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới để qua đó tăng nguồn thu cho Công ty. 

Kết quả kinh doanh các năm và kế hoạch 2023 của TPS
(Đvt: Tỷ đồng)

Nhìn lại tình kinh doanh năm 2022, TPS đánh giá hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù mảng này từng mang lại doanh thu ấn tượng trong năm 2021. Nguyên nhân do thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm trầm lắng, xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo lắng của nhà đầu tư sau khi xảy ra một số vụ việc vi phạm liên quan đến trái phiếu.

Ở các mảng kinh doanh khác, mức độ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam hiện khá gay gắt. Trong đó, hoạt động môi giới chứng khoán của Công ty dù đã được đẩy mạnh, đầu tư hơn nhiều các năm trước, nhưng với những diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2022, Công ty chưa thể phát triển như kỳ vọng và bắt kịp các công ty chứng khoán lớn khác về quy mô hoạt động môi giới chứng khoán và cho vay giao dịch ký quỹ.

Đặc biệt, do tình hình tài chính và TTCK không thuận lợi trong năm 2022, kế hoạch tăng vốn điều lệ của Công ty từ 2,000 tỷ đồng lên 4,000 tỷ đồng đã được tạm hoãn.

Dù vậy, TPS vẫn ghi nhận doanh thu 2022 kỷ lục gần 2,733 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện năm 2021 và vượt 38% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, do hoạt động tự doanh lỗ 303 tỷ đồng cùng với chi phí tăng khiến lãi sau thuế giảm gần 36%, xuống còn gần 136 tỷ đồng, và chỉ thực hiện được 34% kế hoạch lợi nhuận năm là 400 tỷ đồng.

Với kết quả trên, HĐQT dự kiến trình cổ đông thông qua việc không phân phối lợi nhuận giữ lại năm 2022 gần 290 tỷ đồng, thay vào đó, dùng toàn bộ số tiền cho kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TPS dự kiến tổ chức vào ngày 19/04 tại Tầng 4, Tòa nhà Doji, số 81-83-85 Hàm Nghi, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM.

Thế Mạnh

FILI