Tổng thư ký VBMA: "Phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn"

Tổng thư ký VBMA: "Phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn"

Hai tháng đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ ghi nhận 1 đợt phát hành riêng lẻ và 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2,000 tỷ đồng trong tháng 2. Giá trị phát hành giảm gần 93% so với cùng kỳ.

Ngày 05/03, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/03/2023. Đây là nghị định được kỳ vọng cởi trói cho những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua. Tại toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" tổ chức sáng 17/03, câu hỏi liệu Nghị định 08 có giúp tăng lượng phát hành mới năm 2023 đã được đặt ra.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) khẳng định, việc phát hành mới TPDN trong thời gian tới sẽ còn rất khó khăn.

Thứ nhất là tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường đang rất yếu, bởi nhiều lý do đến từ các biến động quốc tế và trong nước, bên cạnh bối cảnh vi phạm pháp lý của một số doanh nghiệp. Từ đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp khó ở phía cầu.

Thứ hai là nguồn cung từ tổ chức phát hành. Nhu cầu phát hành là có nhưng với tình hình hiện tại thì năng lực và chất lượng của tổ chức phát hành bị hạn chế. Phát hành hướng tới nhà đầu tư cá nhân tiếp tục khó, đòi hỏi doanh nghiệp cần thời gian thích nghi và phải nâng tầm lên.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Theo ông Quỳnh, để cải thiện tình hình thì phải tới từ hai đầu cung - cầu. Ở đầu cung nếu muốn phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và chứng minh phương án sử dụng vốn hiệu quả hơn. Ở phía phía cầu thì nhà đầu tư phải lấy lại niềm tin.

Hiện tại, cả tâm lý nhà đầu tư và lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều yếu. Theo đó, sắp tới nhu cầu phát hành vẫn có nhưng khả năng phát hành sẽ khó khăn hơn.

Thực tế, tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh cả về chất và lượng trong các tháng đầu năm 2023. Theo thống kê của VBMA, không có đợt phát nào trong tháng 1/. Sang tháng 2, chỉ có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2,000 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước, có 8 đợt phát hành TPDN ra công chúng với tổng giá trị đạt 5,509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22,185 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành trong hai tháng đầu năm nay theo đó giảm tới gần 93% so với cùng kỳ.

Nói về Nghị định 08, ông Quỳnh đánh giá Nghị định đang đưa ra hai nhóm giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nhóm thứ nhất là giúp tái cơ cấu nợ TPDN khi cho doanh nghiệp hoán đổi nợ trái phiếu sang loại hình tài sản khác như bất động sản, cổ phiếu... Trong thực tiễn thị trường, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện theo Bộ luật Dân sự. Nghị định 08 tạo khung pháp lý cho vấn đề này.

Hai là có thể đàm phán với nhà đầu tư để đàm phán kéo dài, giãn nợ tối đa hai năm. Tinh thần chung của hai nội dung giúp doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, thông qua kỳ hạn trả nợ. Còn lại là kéo dài thời gian một số quy định Nghị định 153, tạm hoãn một số quy định Nghị định 65.

Nhờ đó, Nghị định 08 trước mắt tháo gỡ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, có thời gian nâng tầm theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn, không phải thay đổi để doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn.

Ông Quỳnh kết luận, doanh nghiệp cần phải nâng tầm để chuyên nghiệp hơn, đáp ứng các chuẩn mới. Trong ngắn hạn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, có cơ hội phục hồi hoạt động nếu đàm phán được; còn lại vẫn phải huy động qua hình thức khác ngoài TPDN.

Chí Kiên

FILI