Sữa nào “ngon” nhất?

Sữa nào “ngon” nhất?

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của các doanh nghiệp sữa niêm yết không còn phản ánh mức độ thị phần sữa tại Việt Nam.

Ông lớn đầu ngành chững lại, nhóm theo sau bứt phá

Là công ty sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm hơn 60%, nhưng kết quả kinh doanh của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) đang có phần chậm hơn so với các đối thủ.

Kết quả kinh doanh của VNM trong 5 năm

Năm 2022, Vinamilk đạt doanh thu thuần 59,956 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2021. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng 4%, lên hơn 36,059 tỷ đồng, khiến biên lãi gộp co lại từ 43.1% còn 39.9%. Lợi nhuận ròng qua đó giảm 19%, về mức 8,578 tỷ đồng. Có nhiều lý do khiến lợi nhuận VNM suy giảm, trong đó có thể kể đến ảnh hưởng khách quan do dịch bệnh hay do giá nguyên vật liệu tăng (VNM không chuyển phần này sang cho người mua) hoặc do chi phí logistics neo cao…

Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường sữa Việt Nam khó có thể duy trì mức tăng trưởng tốt như giai đoạn trước, trong khi Vinamilk hiện đang là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, nên việc duy trì tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Cộng với việc cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài sau các hiệp định EVFTA, AANZFTA cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần của Vinamilk. Do vậy, chiến lược có thể giúp Vinamilk duy trì tăng trưởng trong thời gian tới sẽ nhờ việc tăng cường hoạt động M&A để mở rộng thị phần; cao cấp hóa sản phẩm, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đặc biệt là thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Kết quả kinh doanh của MCM trong 5 năm

Cùng với chiến lược phát triển thị trường nước ngoài của Vinamilk, công ty con - CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, UPCoM: MCM) được xem là mắt xích quan trọng dựa vào những nền tảng khí hậu và khu vực giúp Vinamilk hoàn thiện bức tranh sản phẩm sữa Organic trong trung và dài hạn.

Sở hữu vùng nuôi bò sữa lớn của cả nước tại cao nguyên tỉnh Sơn La, chủ thương hiệu sữa Mộc Châu đã mang về kết quả đáng khích lệ cho công ty mẹ với biên lãi gộp cải thiện tích cực trong năm qua. Theo đó, Mộc Châu Milk đã tạo ra 3,133 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 32.5%, tăng so với mức 30.7% của năm 2021 do giá vốn tăng chậm hơn doanh thu thuần. Lợi nhuận ròng đạt 347 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước.

Theo báo cáo từ CTCK DSC, thị phần của Mộc Châu Milk chỉ mới dừng lại khoảng 3% hồi năm 2021 và thị trường chủ yếu của nhà sản xuất sữa này mới chỉ dừng lại ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là vùng nông thôn. Thị trường sữa khu vực miền Trung và miền Nam vẫn còn nhiều dư địa khi MCM có thể phân phối thêm tại hệ thống Vinamilk trong tương lai. Cùng với kinh nghiệm hoạt động ở 2 thị trường trên, Vinamilk sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của MCM trong các năm tới.

Kết quả kinh doanh của IDP trong 5 năm

Từ đỉnh lợi nhuận năm 2021, chủ 3 thương hiệu sữa Ba Vì, Lif và Kun là CTCP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) đang đuối sức trong việc duy trì đà tăng trưởng “thần tốc” đã từng đạt được. Mặc dù doanh thu thuần năm 2022 tăng 26% so với năm trước, đạt 6,086 tỷ đồng, nhưng giá vốn còn tăng cao hơn với mức tăng 36%, khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 43.2% còn 38.8%. Lợi nhuận ròng cũng vì vậy giảm nhẹ 2%, còn 810 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của HNM trong 5 năm

Những tưởng chủ thương hiệu sữa IZZI - CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) đã bị “xóa sổ” trên bản đồ ngành sữa Việt Nam sau sự cố melamine năm 2008 và những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả khiến doanh nghiệp phải “ngụp lặn” trong khủng hoảng và thua lỗ, thế nhưng hiện tại Hanoimilk đã “vực dậy” với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, ông lớn sản xuất sữa miền Bắc đạt 484 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 78% so với năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn tăng vượt doanh thu dẫn đến biên lãi gộp đi lùi từ 28.7% (năm 2021) còn 21.7% (năm 2022). Dù vậy, lợi nhuận ròng của HNM vẫn gấp 2.2 lần năm trước, lên 37 tỷ đồng.

Tình hình vay nợ

Trong bối cảnh môi trường lãi suất tăng cao để kìm chế lạm phát, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ bị tác động tiêu cực khi phải chịu áp lực trả lãi cao hơn do lãi suất gia tăng.

Xét về tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2022, tài sản của Hanoimilk phần lớn được tài trợ bằng nợ vay ngắn hạn hơn 195 tỷ đồng, vượt qua vốn chủ sở hữu. Mặt khác, lượng tiền mặt của Hanoimilk chỉ ở mức hơn 3 tỷ đồng, điều này sẽ gây áp lực lớn lên khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Năm 2022, Hanoimilk phải chi hơn 12 tỷ đồng để trả lãi vay, còn năm 2021 là gần 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, cơ cấu tài chính an toàn của CTCP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) được đánh giá là khá an toàn với đòn bẩy tài chính ở mức 20.65%. Mặt khác, IDP có số dư tiền (tiền mặt và tiền gửi Ngân hàng có thời gian đáo hạn không quá 3 tháng) tại ngày 31/12/2022 là hơn 84 tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn hơn 1,208 tỷ đồng.

Còn Vinamilk cũng cho thấy khả năng tự chủ được đồng vốn rất cao với tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức thấp 10.18%. Riêng Mộc Châu Milk không sử dụng đòn bẩy tài chính khi không còn ghi nhận 77 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn như hồi đầu năm.

Theo VNDirect, Vinamilk đang vay ngắn hạn, chủ yếu bằng đồng USD tại ngân hàng với lãi suất thả nổi, chiếm 98% tổng nợ vay ngắn hạn. Do đó, chuyên gia cho rằng chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể trong giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, VNM vẫn đang duy trì sức khỏe tài chính lành mạnh với vị thế tiền mặt cao (gần 2,300 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền) và đòn bẩy tài chính ở mức giúp công ty giảm rủi ro do tăng lãi suất và biến động tỷ giá.

Từ bức tranh kinh doanh cũng như tình hình vay nợ của các doanh nghiệp kể trên có thể cho thấy rằng, nhà sản xuất nào tiết giảm được chi phí sẽ là người chiến thắng trong “sân chơi” ngành sữa vốn không còn nhiều dư địa tăng trưởng cao như trước.

Khang Di

FILI