Để kinh tế đêm không “ngủ”!

Để kinh tế đêm không “ngủ”!

Những năm 1999 -2000, khi hầu hết các vũ trường, quán bar phải đóng cửa trước 24h thì thi thoảng, đi ngang qua một ngã ba, ngã tư khu trung tâm, bên ngoài cửa đóng then cài nhưng nếu dừng lại, tắt máy, xuống đường sẽ cảm nhận được độ rung của âm thanh đang “eco” cả mặt đất xung quanh. Và bằng cách tạo dựng “lòng tin” với cánh bảo vệ, bạn sẽ lọt vào thế giới của ánh sáng, âm thanh cuồng nộ, hưng phấn.

Giờ thì, bên cạnh những vũ trường “khủng”, xu hướng những bar club sang trọng, thanh lịch, quy mô cũng nhỏ gọn đang được ưa chuộng. Một trong những điều hấp dẫn là chúng thường lọt thỏm trong các chung cư cũ, khách phải đi qua mấy cầu thang tối, mò mẫm theo hành lang chật hẹp để bước vào một không gian huyền ảo của âm nhạc, ánh sáng và thực đơn không thể tinh tế hơn.

Nhiều người sau những xuất xem phim cuối ngày, tức rời rạp cũng đã quá 1 giờ sáng thì ngồi một góc phố hay quầy bar, như một thú vui thời thượng và “chất” nhất có thể.

Và cứ thế, Sài Gòn luôn là thành phố không bao giờ ngủ. Tầm 2-3 giờ sáng, người trẻ vẫn vắt vẻo ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, “zô zô” ở phố Tây Bùi Viện, hay đổ về Cấm Chỉ - Hải Triều ăn tô phở Bắc nóng hổi. Tất nhiên, những lounge của khách sạn 5 sao vẫn mở cửa đón khách, có nơi last order (lượt gọi cuối cùng trong ngày để đặt thức ăn, đồ uống) trước 22h, có nơi phục vụ 24/24…

Có thể nói, với Sài Gòn - TP.HCM nói chung, tâm điểm quận 1 nói riêng thì không phải đợi đến khi có Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam (ký ngày 27/7/2020) thì mới kích hoạt một hình thức kinh tế đặc thù “ban đêm”; mà như một tập tính bản địa, thành phố này dường như không ngủ. Người dân, du khách vẫn luôn có một suy nghĩ, sở thích, thói quen là đổ về trung tâm, tức vùng lõi ở quận 1 để ngắm thành phố, hòa vào nhịp sống về đêm. Đáp ứng nhu cầu ấy, nguồn cung ngày càng nở rộ; và trở thành là một trong những nguồn thu chủ lực cho địa phương.

Năm 2021, chỉ riêng trên địa bàn quận 1 có khoảng hơn 1,300 cơ sở đăng ký kinh doanh các sản phẩm - dịch vụ - hoạt động lõi của kinh tế đêm, trong đó dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 93%, còn lại là các cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ giải trí. Về mật độ, quận đạt khoảng hơn 170 cơ sở kinh doanh sản phẩm - dịch vụ lõi của kinh tế đêm trên 1km2. Tổng doanh thu từ các hoạt động lõi là khoảng 8,114.7 tỷ đồng, trong đó khoảng 86% là đến từ dịch vụ ăn uống.

Đó cũng là lý do để chính quyền TP.HCM chọn quận 1 làm thí điểm vận hành kinh tế đêm mà hai ngày 25-26/3 vừa qua, Giải chạy đêm District 1 Midnight Run là bước khởi động tích cực. Ban tổ chức đã chọn thời gian xuất phát từ 23h30, khi đã vắng người, không gian là các cung đường đi qua những điểm di tích tiêu biểu của quận và thành phố; như một lời giới thiệu sống động, cụ thể nhất. Hơn 4,000 người tham gia một giải thể thao cộng đồng, hơn thế là cơ hội quảng bá cho vùng lõi trung tâm thành phố, cũng là lõi của kinh tế đêm.

Vấn đề được đặt ra là, làm sao để mãi lực “ăn chơi” không chỉ là tập quán cố hữu nên ít nhiều còn diễn ra ở mức độ tự phát; mà cần có một quy hoạch tổng thể, bài bản và kích hoạt nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Là một “tập hợp con” của nền kinh tế, song với tính đặc thù “ban đêm” nên việc tổ chức các hình thức khai thác, vận hành luôn cần đảm bảo các phương án ứng phó với những rủi ro, hệ lụy xã hội. Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, một trong “những việc cần làm ngay” đó là phải xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá cơ sở vật chất, năng lực vận hành và dịch vụ khách hàng. Bộ công cụ này sẽ giúp chính quyền quận - thành phố đánh giá được năng lực hoạt động của các cơ sở kinh doanh ban đêm, từ đó cấp phép cho các doanh nghiệp kéo dài thời gian hoạt động nếu đáp ứng các tiêu chí.

Tất nhiên, để tiến hành các bước đi nói trên, rất cần có một “nhạc trưởng” chuyên trách về kinh tế đêm nhằm xây dựng và thúc đẩy chiến lược, cũng như các đề án và chương trình cụ thể, tạo cầu nối liên kết và điều hòa mối quan hệ của các chủ thể khác nhau - bao gồm chính quyền, doanh nghiệp, người hưởng thụ, người lao động trong kinh tế đêm… - cùng tham gia vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách phát triển kinh tế đêm trên địa bàn.

Đó là chưa kể việc quy hoạch, bố trí, khai thác các không gian công cộng, tuyến giao thông (kết hợp với các hình thức giao thông, du lịch đường sông) và tiếp thị - tiêu dùng các sản phẩm bản địa ở mọi lĩnh vực, nhất là con người - vừa là người phục vụ vừa là người thụ hưởng - để tạo nên một dòng chảy kinh tế đêm không “ngủ”, kết nối, lưu thông với… kinh tế ban ngày! 

Quốc Học

FILI