Chứng khoán Mỹ và châu Âu ngập sắc xanh, Dow Jones tăng hơn 350 điểm

Chứng khoán Mỹ và châu Âu ngập sắc xanh, Dow Jones tăng hơn 350 điểm

Chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng mạnh sau khi UBS thâu tóm Credit Suisse với sự hỗ trợ từ Chính phủ Thuỵ Sỹ. Đây cũng là nỗ lực mới nhất của các Chính phủ trên toàn thế giới trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng lây lan.

Tính tới lúc 22h50 ngày 20/03 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 368 điểm (tương đương 1.15%), S&P 500 tiến 0.85%, còn Nasdaq Composite cộng 0.07%.

Trên thị trường châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều tăng hơn 1%, với Stoxx 600 cộng 1.3%, FTSE MIB tăng 1.85%, còn CAC tiến 1.66%.

Cổ phiếu của các ngân hàng địa phương cũng khởi sắc trong ngày 20/03, lấy lại một phần mất mát trong tuần trước khi nhóm ngân hàng này bị buộc phải củng cố cơ sở tiền gửi sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank. Phố Wall kỳ vọng sẽ cần có thêm động thái để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, giới chức Mỹ đã đảm bảo thanh toán cho toàn bộ người gửi tiền vào SVB, đồng thời cung cấp thêm vốn cho các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF tăng 3.6% sau khi tụt dốc 14% trong tuần trước. PacWest, First Citizens và BankUnited dẫn dắt đà tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu First Republic giảm tiếp 17.5%, dù đã lao dốc hơn 71% trong tuần trước.

"Tôi nghĩ con lắc đang dao động quá xa về một hướng", CEO KKM Financial Jeff Kilburg cho hay. "Tuần trước, có sự trừng phạt và hàng loạt cảm xúc khác nhau (hơi quá trớn), bán có và mua cũng có. Người người hồi tưởng lại những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đó là nỗi sợ, dù Silicon Valley Bank không phải là Lehman Brothers", Kilburg nói.

UBS thâu tóm Credit Suisse

UBS đã tiến tới thỏa thuận mua lại Credit Suisse, trong đó các cơ quan điều hành Thụy Sỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai bên tiến tới thỏa thuận để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Theo thỏa thuận, tất cả cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được cổ phiếu UBS theo tỷ lệ 1 cp UBS đổi 22.48 cp Credit Suisse. Với tỷ lệ hoán đổi này, tổng giá trị cổ phiếu tại Credit Suisse ở mức 3 tỷ Francs (tương đương 3.25 tỷ USD).

Là một phần của thỏa thuận, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ cam kết cho vay tới 100 tỷ Francs (108 tỷ USD) để hỗ trợ thương vụ thâu tóm. Đồng thời, Chính phủ Thụy Sỹ cũng cam kết sẽ bù đắp các khoản lỗ tới 9 tỷ Francs từ một số tài sản nhất định "nhằm giảm thiểu rủi ro cho UBS", theo tuyên bố từ Chính phủ Thụy Sỹ.

"Thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse là giải pháp đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sỹ trong tình huống đặc biệt này", trích từ tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ.

Việc UBS thâu tóm Credit Suisse cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ "sẽ mang lại sự ổn định cho các khách hàng của ngân hàng này, cũng như thị trường tài chính nói chung", Marlene Amstad, Chủ tịch của cơ quan giám sát Finma, cho biết tại cuộc họp báo.

Fed và các NHTW khác hỗ trợ thanh khoản USD

 

Fed cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu chung tay xoa dịu nỗi lo về thanh khoản cho hệ thống tài chính bằng các thỏa thuận hoán đổi USD.

Ngày 19/03, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một loạt ngân hàng trung ương của Canada, vương quốc Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ đã công bố cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng, qua đó xoa dịu những lo lắng đang gây xáo trộn hệ thống ngân hàng toàn cầu. Họ sẽ làm điều này thông qua thỏa thuận hoán đổi USD.

Các ngân hàng trung ương nói thêm: “Để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các NHTW đã nhất trí tăng tần suất hoạt động hoán đổi USD kỳ hạn 7 ngày từ hàng tuần sang hàng ngày”.

Trong tuyên bố chung, các NHTW cho biết động thái này “đóng vai trò hỗ trợ thanh khoản cực kỳ quan trọng để xoa dịu căng thẳng trên thị trường vốn toàn cầu, từ đó giảm thiểu tác động tới nguồn cung tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp”.

Fed cho biết hoạt động hoán đổi hàng ngày sẽ bắt đầu ngay từ ngày 20/03 và sẽ tiếp tục cho tới ít nhất là cuối tháng 4.

 

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI