Chứng khoán APG đặt mục tiêu lãi 150 tỷ đồng, muốn hủy phương án phát hành 221 triệu cp

Chứng khoán APG đặt mục tiêu lãi 150 tỷ đồng, muốn hủy phương án phát hành 221 triệu cp

Với quan điểm thận trọng, HĐQT CTCP Chứng khoán APG (HOSE: APG) đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 ở mức 150 tỷ đồng. Dự kiến tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu là 5%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của APG
Nguồn: APG

Theo đó, trong tài liệu dự kiến trình ĐHĐCĐ 2023, Chứng khoán APG cho biết doanh thu mục tiêu 2023 là 280 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với thực hiện năm 2022. Dự kiến sẽ có lãi trước thuế 150 tỷ đồng, năm trước Công ty lỗ trước thuế 229 tỷ đồng.

Song song đó, Công ty sẽ không trích lập quỹ trong năm 2023 mà chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ dự kến 5%. Trong trường hợp có thay đổi kế hoạch phân phối lợi nhuận,  HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua.

Các kế hoạch đề ra dựa trên cơ sở dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ còn chịu thách thức rất lớn từ bối cảnh toàn cầu, mà cụ thể là ở hai cực của thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Thứ nhất là lộ trình tăng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thứ hai là kinh tế Trung Quốc và chính sách COVID-19.

Công ty dự báo lãi suất điều hành của Fed có thể đạt đỉnh 5%-5.1% và duy trì cho đến quý 3/2023. “Fed sẽ không tiếp tục thắt chặt tiền tệ, là tín hiệu tích cực, cơ hội cho các chính sách được nới lỏng”, ban điều hành Chứng khoán APG cho biết trong báo cáo. Còn ở phía Trung Quốc, chính sách từ nước này cũng cho thấy động thái hỗ trợ giải cứu kinh tế bằng cách cung cấp các gói hỗ trợ bất động sản, chuyển từ hạn chế cho vay bất động sản sang ưu tiên cho vay bất động sản.

Trước các áp lực đó, dự báo động lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn cao như những năm 2020-2022. Lãi suất cao trong nước cũng sẽ làm suy yếu cả đầu tư tư nhân và tiêu dùng dân cư. Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế 2023 chỉ ở mức 5.5% nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6.5%.

Về thị trường chứng khoán, Công ty cho biết VN-Index đang ở vùng giá rẻ khi P/E xuống quanh mức 10 lần. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam đây mới là lần thứ ba P/E xuống dưới mức 10 lần. Hai lần trước vào thời kỳ khủng khoảng 2010-2011 và thời điểm đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, Công ty cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ xem xét việc hủy phương án phát hành hơn 221 triệu cp ra công chúng, giá bán không thấp hơn 11,500 đồng/cp (giá trị thu về ước tính hơn 2,541 tỷ đồng), thêm vào đó Công ty cũng sẽ thay đổi kế hoạch phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021.

HĐQT Công ty cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ về việc thay đổi phương án sử dụng vốn của đợt phát hành hơn 73.1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1, giá chào bán là 10,000 đồng/cp) để tăng vốn điều lệ lên 1,463 tỷ đồng, đợt chào bán kết thúc ngày 13/01/2022. Theo phương án phát hành trình ĐHĐCĐ thường niên 2021, số tiền thu về dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh (bao gồm cho vay ký quỹ, tự doanh, đầu tư các giấy tờ có giá, bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành), nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Hiện, phương án mới chưa được công bố.

Điểm lại kết quả kinh doanh của APG trong năm 2022. Doanh thu kinh doanh là hơn 184 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới sụt đến 89% xuống còn gần 24 tỷ đồng, qua đó kéo tổng doanh thu từ các hoạt động dịch vụ xuống còn 44 tỷ đồng, giảm hơn 78% so với năm 2021. Lỗ trước thuế và sau thuế lần lượt là 229 tỷ đồng và 190 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Chứng khoán APG năm 2022
Nguồn: APG

Kha Nguyễn

FILI