“Ông lớn” bất động sản cắt giảm bao nhiêu nhân sự trong năm 2022?

“Ông lớn” bất động sản cắt giảm bao nhiêu nhân sự trong năm 2022?

Với sự trầm lắng của thị trường bất động sản 2022, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự cùng chi phí quản lý, nhân viên…

Theo thống kê từ VietstockFinance, trong 20 doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất thuộc lĩnh vực bất động sản (trên HOSE, HNX và UPCoM) tại thời điểm 31/12/2022, có 6 doanh nghiệp giảm quy mô nhân sự trong năm, 7 doanh nghiệp tăng và 1 doanh nghiệp không thay đổi số lượng nhân viên, 6 doanh nghiệp còn lại không công bố số liệu.

20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất và số nhân viên tại ngày 31/12/2022
* Doanh nghiệp không công bố số lượng nhân viên trên BCTC
Nguồn: VietstockFinance

Theo danh sách thống kê, CTCP Tập đoàn KSFinance (HNX: KSF) là doanh nghiệp cắt giảm nhân sự nhiều nhất, tới 48% so với đầu năm, còn 300 người vào ngày 31/12/2022. Việc cắt giảm lượng lớn nhân sự của KSF diễn ra trong bối cảnh doanh thu chuyển nhượng bất động sản năm qua giảm gần 6%. Bên cạnh đó, KSF cũng cho biết 2021 là năm chủ lực bàn giao các sản phẩm bất động sản của Công ty.

Xếp sau KSF là CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cùng công ty con CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) khi lần lượt cắt giảm 41% và 45% nhân sự trong năm 2022, còn 3,773 và 3,340 người.

Đối với DXG, quy mô nhân sự giảm trong bối cảnh doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản cả năm chỉ đạt 2,870 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với năm trước. Còn với công ty chuyên về môi giới bất động sản như DXS, việc giảm nhân sự đi theo xu hướng doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi giảm hơn 21%, còn 2,340 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp có mức cắt giảm nhân sự đáng kể còn lại là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) với 20%, CTCP Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) với 16% và CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) với 29%.

Ngược lại, một số doanh nghiệp bất động sản chủ động tăng số nhân viên trong năm qua, bất chấp những biến động tiêu cực của thị trường. Tiêu biểu nhất là CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) khi số lượng nhân viên tăng đến 72% so với đầu năm, ghi nhận 13,191 người.

Theo công bố gần đây, VHM cho biết hoạt động bán hàng năm 2022 hồi phục mạnh mẽ sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá trị hợp đồng ký mới trong năm (doanh số) đạt 128,200 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2021. Nhờ đó, tổng doanh số chưa bàn giao tại thời điểm 31/12/2022 đạt 107,600 tỷ đồng, tăng 105%.

Tuy không có mức tăng lớn như VHM, công ty “anh em” CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) vẫn có số nhân sự tăng đáng kể với 18%, lên 2,364 người. Năm 2022 có thể xem là sự trở lại của VRE sau khi không còn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh thu thuần và lãi ròng tăng lần lượt 19% và gấp 2 lần so với năm 2021, đạt 7,039 tỷ đồng và 2,735 tỷ đồng. Được biết, quý 2/2022, VRE đã mở mới thêm 3 trung tâm thương mại.

Các doanh nghiệp còn lại như CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) cũng ghi nhận số lượng nhân sự tăng vào thời điểm cuối năm với mức tăng lần lượt là 125%, 11%, 7% và 22%.

Việc cắt giảm nhân sự thường là động tác giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp có thực sự giảm được chi phí sau khi sa thải nhân viên?

Chi phí nhân viên và chi phí bán hàng, quản lý của 20 doanh ngiệp bất động sản trong năm 2022
Đvt: Tỷ đồng; Nguồn: VietstockFinance

Nhìn vào thống kê trên, có thể thấy việc giảm số lượng nhân sự không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chi phí nhân viên (lương nhân viên bán hàng và quản lý) sẽ giảm theo. Tiêu biểu như 3 doanh nghiệp có mức giảm nhân sự lớn nhất là KSF, DXSDXG, song chi phí nhân viên của 3 doanh nghiệp này vẫn tăng đáng kể, 55% đối với KSF và 19% với DXS lẫn DXG.

Tương tự, chi phí nhân viên của SSH, AGG lần lượt tăng lên gấp đôi và gấp rưỡi dù đã cắt giảm nhân sự.

Trong khi đó, VHM cho thấy thực tế dù số lượng nhân sự tăng 72% nhưng chi phí nhân viên của Công ty lại giảm 4%, còn 417 tỷ đồng.

Dù sao thì ít người vẫn đỡ tốn kém. Chi phí nhân viên của NVL giảm đến 68% sau khi cắt giảm nhân sự, góp phần tiết giảm tổng chi phí bán hàng và quản lý.

Làn sóng sa thải nhân viên ngành bất động sản không chỉ diễn ra ở doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ mà cả ở doanh nghiệp đầu ngành.

Việc giảm quân bắt đầu từ cuối quý 3 và chuyển biến mạnh mẽ vào quý 4/2022 trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản “ngấm đòn” sau những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường từ đầu năm.

Thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 tăng gần 39% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng chưa đầy 14% (lên 8,593 doanh nghiệp).

2022 là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm đến 50% lao động.

Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội và cuộc sống người lao động.

Hà Lễ

FILI