Tổng Giám đốc DAS: “Tham gia chứng khoán phải chấp nhận 2 gam màu xanh - đỏ”

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) là thế hệ nhà đầu tư gắn bó với thị trường chứng khoán từ những ngày còn sơ khai. Nhiều năm trong nghề đã đem lại cho ông những kỷ niệm, không ít bài học và chiêm nghiệm về thị trường chứng khoán.

Có dịp ngồi lại với vị tổng giám đốc, người viết được nghe kể những câu chuyện sống động về thị trường chứng khoán Việt Nam thuở ban đầu, thời mà cổ phiếu OTC còn “hot” hơn cổ phiếu niêm yết trên sàn; được nghe ông kể về những trăn trở, những nỗi niềm với nghề môi giới - cái nghề ông đã gắn bó suốt hơn 20 năm nay.

Những ký ức về thị trường OTC

Làm sao ông bén duyên với nghề chứng khoán?

Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi học kinh tế ra, có người quen làm ở văn phòng luật nên vào làm ở đó. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập, thấy thị trường thế giới giao dịch hàng ngày tới cả tỷ USD, đồ rằng thị trường mình có tiềm năng, tôi lấn sang làm chứng khoán.

Tôi cũng có đi học thêm văn bằng 2 luật nhưng rồi mê chứng khoán quá nên chuyển sang làm chứng khoán luôn.

 

Thị trường chứng khoán lúc đó ra sao nhỉ? Chắc hẳn phải khác lắm so với bây giờ?

Những năm đầu, thị trường chứng khoán còn rất sơ khai, cổ phiếu OTC lại phát triển mạnh. Tôi còn nhớ lúc đó cổ phiếu của Eximbank là một trong những cổ phiếu được giao dịch rất nhiều.

Thời đó, có những người không biết gì cũng làm môi giới được, nhất là môi giới OTC. Không cần biết nhiều về doanh nghiệp, cứ có thông tin đại gia mua vào là giá sẽ tăng, bán ra thì giá xuống.

Có người thậm chí đặt cọc, chưa sang tên cổ phiếu đã bán mà vẫn lãi, thành ra thị trường OTC lúc đó rất nhộn nhịp, còn thị trường niêm yết thì lại buồn tẻ. Thời kỳ đầu, chỉ có vài doanh nghiệp niêm yết nên mức độ giao dịch rất ít. OTC hay ở chỗ ngược với thị trường chính thức.

Ngày trước, cà phê Index là một trong những nơi chuyên giao dịch cổ phiếu OTC. Nhiều nhân vật có tiếng ở thị trường chứng khoán bây giờ đều tham gia giao dịch ở đây.

Những ngày đầu, ông tham gia thị trường với vai trò gì?

Lúc đầu tôi tham gia thị trường cũng với vai trò môi giới, mua mua bán bán. Thị trường thời đầu ít doanh nghiệp giao dịch nên vừa làm nghề luật vừa ra cà phê mua bán cổ phiếu. Thị trường OTC lúc đó uy tín rất cao, giao dịch không cần đặt cọc nhưng vẫn thực hiện bình thường.

Với kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, ông hẳn đã trải qua nhiều thăng trầm cùng chứng khoán. Ông đánh giá thế nào về cơn sóng chứng khoán năm 2020-2021?

Sóng thị trường mỗi thời một khác. Thời thị trường bùng nổ 2006-2007, quy mô thị trường nhỏ, tín dụng phát triển mạnh. Tổ chức nước ngoài tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán đẩy thị trường bùng nổ. Lúc bấy giờ, VN-Index lên 1,170 điểm, có những cổ phiếu lên tới 700-800 ngàn đồng/cp. Tính đầu cơ rất cao. Hầu hết dòng tiền đều đổ vào chứng khoán.

Tới 2008-2009, Nhà nước mới có quy định hạn chế dòng tiền đầu tư chứng khoán, tiền rút ra, làm thị trường trầm lắng. Kịch bản giai đoạn 2019-2021 khác nhau về vĩ mô, dòng tiền nhưng điểm chung với những lần trước là tiền rẻ.

Nghề môi giới rất chua chát

Quá trình làm ở thị trường chứng khoán, ông chủ yếu gắn bó với nghề môi giới. Ông nghĩ sao về nghề này? Người môi giới chứng khoán cần những gì?

Môi giới chứng khoán cũng thay máu nhiều. Những lúc thị trường khó khăn, nhiều môi giới phải bỏ nghề. Khi tôi mới vào nghề thì không hiểu nhiều về môi giới. Sau nhiều thăng trầm mới thấy nghề này rất khắc nghiệt. Thị trường lên thì môi giới nói gì cũng đúng, khách hàng theo nhiều; nhưng khi giảm thì khó để xử lý cho nhà đầu tư, nhất là khó lòng khuyên nhà đầu tư.

Khi tư vấn, nhà đầu tư hay nói: “Tiền của anh, anh tự biết quản”. Nhưng tới khi lỗ nặng thì họ không xử lý được. Lúc đó môi giới lại bị chửi, nhà đầu tư chê bai và tìm môi giới khác. Nếu không giữ được niềm tin với nghề thì sẽ rất chán nản.

Hơn nữa, người môi giới phải học được sự kiên nhẫn để tư vấn được cho khách hàng, khi thua lỗ thì an ủi, trấn an khách hàng. Bản thân môi giới lại không được an ủi mà phải bản lĩnh hơn, tự mình an ủi bản thân.

Ngoài kiến thức, môi giới cũng cần có kỹ năng xử lý các tình huống khó. Cái tự tôn phải đẩy xuống mức thấp, nếu không thì sẽ bỏ nghề. Những lúc thị trường đi xuống, là lúc khách hàng rất mệt mỏi, môi giới thì giảm thu nhập; nếu bị khách hàng phản ứng mà không kiềm chế được thì rất dễ có xung đột. Nghề môi giới rất chua chát.

Ông có nhớ về trải nghiệm những năm đầu làm môi giới khi thị trường còn mới mẻ?

Những năm 2000, khi thị trường mới thành lập, vẫn chưa có nhiều cổ phiếu. Lúc đó ở sàn nhập lệnh vừa vui vừa buồn. Có những lúc muốn mua không mua được, nhà đầu tư phải xếp hàng dài. Chỉ cần khớp mua được 100 cổ phiếu là được khen bàn tay vàng.

Đáng nhớ là chuyện nhà đầu tư mở tài khoản vượt quá năng lực, công ty chứng khoán thậm chí không muốn nhận thêm khách hàng vì quá tải lệnh. Đó là những năm 2005-2007. Thời điểm đó, cứ mua là thắng.

Có kỷ niệm nào đặc biệt đáng nhớ không, thưa ông?

Tôi nhớ có một khách hàng vừa may, vừa hay. Thời điểm chị này bán hết cổ phiếu để chuyển sang mua vàng thì đúng vào đỉnh của cổ phiếu và đáy của vàng. Thế là ăn hai lần.

Phải học cách chấp nhận 2 gam màu xanh - đỏ

Nhiều năm tham gia đầu tư, ông đã rút ra được bài học và chiến lược đầu tư như thế nào?

Hiểu rõ quy luật thị trường nhưng thực hiện được là chuyện khác. Bản thân tôi cũng gặp nhiều trường hợp không xử lý được, nhìn tài sản trôi dần đi.

Nhà đầu tư, môi giới cắt lỗ sai là bình thường. Đầu tiên là do không giữ kỷ luật. Rút ra kinh nghiệm, vấn đề chung của thị trường, quan trọng nhất là phải thấy được kinh tế vĩ mô thế giới đang như thế nào. Chỉ cần một biến động cũng có thể làm tình hình thay đổi. Cái chung phải ổn định thì mới tính tới câu chuyện riêng. Chung bất ổn thì tất cả đều bất ổn theo.

Trước kia tôi chỉ chăm chăm vào câu chuyện doanh nghiệp. Doanh nghiệp tốt thì nhiều nhưng thay đổi bên ngoài có thể tác động, làm ảnh hưởng nặng.

Chiến lược của tôi không tính tới ngắn hạn hay dài hạn. 3 tháng đã là dài. Tùy theo thay đổi tình hình vĩ mô, nhóm ngành mà danh mục thay đổi liên tục. Vì câu chuyện ngành nào hưởng lợi cũng là câu chuyện ngắn hạn.

Bạn bè của ông có đầu tư chứng khoán nhiều không? Ông có hay gặp họ trao đổi về chứng khoán?

Bạn bè cùng trường học xong thì làm ở ngân hàng, doanh nghiệp là chủ yếu chứ ít ai làm chứng khoán. Cũng có người đầu tư chứng khoán thì lại ít gặp. Họ mở tài khoản ở công ty khác và cũng ít chia sẻ chuyện đầu tư thế nào. Tôi nghĩ các bạn bè khác có thể đầu tư nhiều, dân kinh tế thì chắc sẽ đầu tư. Được cái lúc lời lỗ cũng không ai hỏi mình gì. Tầm tuổi này rồi thì đều tự chịu trách nhiệm, hiểu biết về lời lỗ rồi.

Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn môi giới trẻ và nhà đầu tư mới tham gia thị trường?

Sợ nhất là nhà đầu tư trẻ tham gia chứng khoán, lời lỗ rồi đổ thừa. Họ hay phó thác cho môi giới, nên môi giới quan trọng phải có tâm. Môi giới lâu năm thì ít tư vấn các mã penny vì họ đã nếm trải sự đau khổ của nhóm cổ phiếu này; trong khi môi giới trẻ thì tập trung gia tăng giao dịch, cố gắng đẩy lợi nhuận của khách hàng. Nhưng high return (lợi nhuận cao) đi kèm với high risk (rủi ro lớn). Nhà đầu tư F0 chưa hiểu nhiều, nếu vào theo thì rất rủi ro. Thường thì họ không có kiến thức về doanh nghiệp và chỉ xin tư vấn khi cổ phiếu giảm.

Trong khi môi giới trẻ chưa có nhiều thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp, rất ít thăm hỏi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

F0 ban đầu rất hoành tráng, dễ thắng rồi quên đi câu chuyện phòng ngừa rủi ro; môi giới thì quên cảnh giác nhà đầu tư. Thị trường lên thì ăn nhiều nhưng thị trường xuống thì sẽ mất hết vì ban đầu tham gia ít nhưng tăng dần quy mô mà quên quản trị rủi ro, thế nên dễ mất tiền.

Gắn bó với thị trường hơn 20 năm, ông có kỳ vọng gì với thị trường và gửi gắm các nhà đầu tư khác?

Sau 22 năm làm chứng khoán, gắn bó với nghề, tôi nghĩ mình khó đổi sang nghề khác. Tương lai tôi mong TTCK sẽ phát triển, đạt các tiêu chí nâng hạng. Bản chất TTCK chắc chắn sẽ phát triển, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam rất cao nên chứng khoán tăng theo là tất yếu. Điều quan trọng là mức độ quan tâm của Chính phủ tới chứng khoán rất lớn so với những năm gần đây vì nhận thức về thị trường vốn.

Thị trường sẽ có những thăng trầm, chúng ta nên học chấp nhận, vượt qua khó khăn. Nên tâm niệm thị trường không chỉ có màu hồng. Tham gia chứng khoán phải chấp nhận 2 gam màu xanh - đỏ để vượt qua và đồng hành cùng thị trường.

Xin cám ơn ông.

Chí Kiên

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Tin cùng chuyên mục