LMH ra sao sau nhiều lần tái cấu trúc, đổi tên?

LMH ra sao sau nhiều lần tái cấu trúc, đổi tên?

Qua nhiều lần đổi tên, thay ban lãnh đạo, chuyển hướng các mảng hoạt động nhưng kết quả kinh doanh vẫn liên tục thua lỗ. Với công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ gần đây, liệu ban lãnh đạo mới có vực CTCP Quốc tế Holding (HOSE: LMH) trở lại thời kỳ hưng thịnh trước đây?

Khởi đầu từ lĩnh vực xăng dầu, tiền thân là CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Thăng Long, thành lập ngày 24/05/2012, sau nhiều năm, LMH dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, trong đó có bất động sản.

Công ty cũng đã nhiều lần đổi tên. Cụ thể, ngày 27/10/2016, CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long đổi tên thành CTCP Quốc tế Thăng Long Việt Nam. Đến ngày 23/05/2017, Công ty một lần nữa đổi tên thành CTCP Landmark Holding. Cuối cùng là vào ngày 01/09/2021, Công ty đổi tên thành CTCP Quốc Tế Holding như hiện nay.

Thời điểm LMH thật sự gây chú ý là vào năm 2018, khi Công ty chính thức niêm yết 23.3 triệu cp lên sàn HOSE. Cùng với đó, Công ty công bố triển khai nhiều dự án có vị trí đắc địa như Manhattan Tower Hà Nội; dự án văn phòng, khách sạn Mạc Đĩnh Chi (TPHCM); một số căn biệt thự, villa tại Dự án Imperia Garden (Hà Nội) và dự án Villas An Phú (TPHCM).

Đối với dự án Manhattan Tower Hà Nội, tọa lạc tại số 21 đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân có tổng diện tích 3,948m2 và mức đầu tư trên 1,000 tỷ đồng. LMH cho biết dự án đã được khởi công xây dựng từ ngày 24/03/2018 và dự kiến bàn giao vào quý 2/2019. Tuy nhiên, đến tháng 12/2018, dự án bị dừng triển khai sau khi xây đến tầng 24. Toàn bộ nhân công, máy móc, thiết bị đều rút khỏi công trường. Đến nay, dù tên thương mại được đổi thành Thành An Tower, dự án vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh. Đến cuối tháng 09/2022, chi phí thi công tại đây là hơn 40.5 tỷ đồng.

Dự án văn phòng, khách sạn Mạc Đĩnh Chi tại số 9 Mạc Đĩnh Chi, quận 1 với diện tích 1,275m2 và tổng mức đầu tư 1,540 tỷ đồng, LMH dự kiến xin thủ tục cấp phép trong quý 4/2018 và khởi công vào quý 1/2019, tuy nhiên đến nay, thông tin dự án ít được lãnh đạo nhắc đến.

Cũng trong năm 2018, ban lãnh đạo LMH đề ra kế hoạch lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Chiến lược phát triển trong năm 2019 được LMH đề ra
Nguồn: Báo cáo thường niên 2018 của LMH

Theo đó, LMH thông báo góp vốn thành lập CTCP Landmark Parasola Power với tỷ lệ 80% để phát triển mảng năng lượng mặt trời; tham gia mua cổ phiếu và góp vốn để nắm 85% vốn CTCP Landmark Real Property; tham gia mua cổ phần để nắm 51% vốn CTCP Vsmarttek để kinh doanh mảng IoT; đầu tư nắm giữ 70% vốn Công ty TNHH Đầu tư Thương mại A.T Việt Nam, sau đó đổi tên thành CTCP Landmark Energy để kinh doanh mảng xăng, dầu.

Ngày 18/01/2019, HĐQT LMH thông qua việc thành lập CTCP Landmark Parasola Power và mua cổ phiếu CTCP Landmark Real Property. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Công ty vẫn chưa tham gia góp vốn hay mua cổ phiếu theo kế hoạch và đến ngày 22/04/2020, HĐQT lại thống nhất ngừng đầu tư 2 công ty này.

Đối với 2 đơn vị còn lại là CTCP Landmark Energy và CTCP Vsmarttek trở thành công ty con của LMH trong năm 2019 nhưng Công ty cũng đã sớm thoái vốn vào tháng 04/2020.

Chuỗi trượt dài

2019 được xem là năm đầu tiên trong chuỗi trượt dài của LMH khi Công ty báo lỗ kể từ lúc thành lập. Doanh thu 2019 hơn 1,544 tỷ đồng, chỉ bằng 1/2 năm trước, chủ yếu từ hoạt động bán hàng hóa, Công ty không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hợp đồng xây dựng, còn thu từ cho thuê bất động sản hơn 90%. Ngoài doanh thu giảm mạnh, LMH còn đối mặt với chi phí tăng. Kết quả, LMH lỗ ròng gần 24 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi gần 20 tỷ đồng. Qua đó cuối năm 2019, LMH lỗ lũy kế 15 tỷ đồng.

Trên BCTC 2019 của LMH, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do chưa nhận được thư xác nhận của một số khoản mục như: khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu về cho vay ngắn hạn, phải thu ngắn hạn, phải trả cho người bán ngắn hạn. Tổng số tiền chưa được xác nhận là gần 456 tỷ đồng.

Phía kiểm toán cũng chỉ ra rằng LMH chưa hạch toán khoản lãi phát sinh do chậm thanh toán 4.7 tỷ đồng của Công ty TNHH TM DV Nam Song Anh. Nếu hạch toán, LMH sẽ lỗ thêm khoản tương ứng.

Kiểm toán cũng lưu ý việc LMH đã cho vay hơn 136 tỷ đồng trong năm 2019 và số dư cuối năm là 31 tỷ đồng, các khoản vay này chưa có hợp đồng hoặc không có tài sản đảm bảo hay bảo lãnh từ bên thứ ba.

Hai năm sau đó là 2020 và 2021, LMH tiếp tục thua lỗ. Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trên cơ sở LMH đã không thực hiện được thủ tục tham gia chứng kiến kiểm kê hàng hóa tồn kho của Công ty. Ngoài ra, Công ty cũng chưa đánh giá trích lập dự phòng đối với hàng tồn kho tồn đọng lâu ngày với giá trị ghi sổ là gần 16 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán cũng chưa nhận được đầy đủ thư xác nhận liên quan đến các khoản mục như tiền gửi ngân hàng, công nợ trả trước người bán, phải thu cho vay, phải thu khác, phải trả người bán, nhận ký quỹ ký cược, vay nợ thuê tài chính.

Bên cạnh đó, kiểm toán cho biết vẫn chưa được cung cấp đầy đủ các hợp đồng liên quan đến giao dịch 70 quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại thôn 1, thôn 2, thôn 7, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa của LMH. Về thương vụ này, LMH đã nhận chuyển nhượng 70 QSDĐ từ ông Đới Sỹ Thiệp với tổng giá trị hơn 42 tỷ đồng và đã hoàn tất chuyển QSDĐ theo quy định. Ở diễn biến khác, LMH đã thực hiện chuyển nhượng 70 QSDĐ này cho ông Nguyễn Anh Tuấn và nhận 20.5 tỷ đồng tiền cọc. Với việc chưa nhận được đầy đủ các hợp đồng, đơn vị kiểm toán đã không thể xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến BCTC của LMH.

Kế hoạch 2018 bị bỏ dở, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến BCTC 2019, đến 2020, cổ phiếu LMH bị hủy niêm yết trên HOSE từ ngày 19/06/2020 và chuyển về giao dịch tại UPCoM.

Sau ý kiến của kiểm toán, mãi đến tháng 11/2022, HĐQT LMH mới thông qua kế hoạch chuyển nhượng 70 QSDĐ kể trên với giá trị chuyển nhượng dự kiến hơn 42 tỷ đồng.

70 QSDĐ được cấp vào ngày 01/02/2018, có vị trí từ thửa 767 đến 878 thuộc tờ bản đồ số 15, và có cùng diện tích 175m2. Bên nhận chuyển nhượng cũng như mục đích chuyển nhượng không được HĐQT LMH công bố.

“Thay máu” bộ máy lãnh đạo

Sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp, LMH đã có cuộc “thay máu” toàn bộ lãnh đạo trong năm 2021. Đầu tiên là Chủ tịch HĐQT, sau nhiều năm gắn bó với Công ty nhưng không gặt hái nhiều thành công, ông Lương Quang Vinh chính thức miễn nhiệm vào ngày 16/08/2021. Toàn bộ thành viên HĐQT của LMH đều đã được thay thế vào ngày 16/08/2021.

Ngồi vào chiếc ghế ông Vinh để lại là ông Nguyễn Xuân Thùy, một nhân vật có tiếng tại Nha Trang.

Ông Thùy sinh năm 1956, quê tại Nam Định. Ông từng có thời gian theo học tại Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Hải quân (Nay là Học viện Hải quân), sau đó học tiếp ở Học viện Chính trị quân sự rồi quay trở lại làm giảng viên của Học viện Hải quân.

Ông Nguyễn Xuân Thùy thời điểm còn là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc LMH.

Sau khi rời quân ngũ, ông Thùy chuyển hướng sang kinh doanh. Hiện, Tổng CTCP Thương mại và Du lịch Quốc tế do ông làm Chủ tịch đã phát triển số vốn lên đến gần 3,000 tỷ đồng và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, du lịch, taxi quốc tế, bất động sản, xăng dầu…

Ngoài kinh doanh, ông Thùy hiện còn là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Hội bất động sản Nha Trang và Trưởng ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa…

Trở lại với câu chuyện của LMH, chỉ trong vài tháng, vị trí Tổng Giám đốc được thay thế từ ông Trương Hoàng Vũ đến bà Bùi Thị Ngân, rồi đến bà Nguyễn Lan Hương - con gái ông Thùy, vào tháng 8/2021. Ngoài ra, bà Hương kiêm chức thành viên HĐQT LMH.

Vào ngày 31/12/2021, số cổ phiếu LMH mà ông Thùy và con gái sở hữu lần lượt đạt gần 4.5 triệu cp và 471,800 cp, tương đương 17.53% và 1.84% vốn Công ty.

Cùng với dàn lãnh đạo mới, LMH đổi tên từ CTCP Landmark Holding sang CTCP Quốc tế Holding. Ngoài ra, trụ sở của Công ty cũng được dời từ TP Thủ Đức về TP Nha Trang.

Sau chưa đầy 1 năm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT LMH, ngày 26/06/2022, ông Thùy cùng các thành viên HĐQT khác gồm ông Võ Văn Tuấn, bà Bùi Thị Ngân và ông Nguyễn Quang Hưng đã rút khỏi HĐQT. Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Đức (em trai ông Thùy) và bà Nguyễn Thị Duyên được bổ nhiệm thay thế, trong đó ông Đức đảm nhiệm chức Chủ tịch.

Quá trình thay đổi nhân sự trong bộ máy HĐQT của LMH từ năm 2021 đến nay

Dù đảm nhận chức vụ tại LMH chưa lâu, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm, chỉ vài ngày sau khi giữ chức Chủ tịch LMH, ông Nguyễn Ngọc Đức cùng gia đình đã có động thái thoái bớt vốn khỏi Công ty. Ông Đức đã bán ra 922,200 cp LMH trong tháng 7. Hiện tại, ông Đức đang trong quá trình bán 200,000 cp LMH còn lại, giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/12/2022.

Rút khỏi HĐQT LMH, ông Thùy cũng đã bán ra 1.2 triệu cp vào giữa tháng 7/2021, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11.05% xuống còn 6.37%.

Diễn biến giá cổ phiếu LMH từ khi gia đình ông Thùy chính thức tiếp quản Công ty đến nay

Kết quả kinh doanh sau 1 năm thay lãnh đạo

Sau hơn 1 năm thay dàn lãnh đạo, quy mô kinh doanh của LMH được thu gọn, không còn ghi nhận doanh thu từ bất động sản đầu tư như trước. Thay vào đó, LMH kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như thực hiện quản lý và tư vấn doanh nghiệp.

9 tháng đầu năm 2022, LMH đạt doanh thu thuần gần 6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ 2 hoạt động kể trên chiếm hơn 350 triệu đồng, phần còn lại đến từ công ty con - CTCP Quốc tế Holding, chi nhánh Nha Trang.

LMH giảm lỗ sau thuế còn hơn 1.5 tỷ đồng sau 9 tháng. Tính đến hết tháng 09/2022, công ty còn lỗ lũy kế hơn 207 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Tổng tài sản của LMH vào cuối tháng 09/2022 là 211 tỷ đồng, giảm gần 42% so với đầu năm, do giá trị khoản mục trả trước cho người bán ngắn hạn giảm từ 214 tỷ còn 91 tỷ đồng, đây là khoản giảm khoản trả trước với CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình. Vay nợ của LMH gần như đi ngang, mức xấp xỉ 24 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 17 tỷ và lợi nhuận gộp 1.5 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết sẽ chú trọng giải quyết các vấn đề tồn đọng, rủi ro tài chính từ nhiệm kỳ trước để lại, hoàn thiện pháp lý còn dang dở của một số dự án bất động sản.

Phần 2: Dự án ngàn tỷ trên “đất vàng” số 9 Mạc Đỉnh Chi của LMH đang ra sao?

Hà Lễ

FILI