Đa dạng hóa trong đầu tư có phải lúc nào cũng tốt?

Đa dạng hóa trong đầu tư có phải lúc nào cũng tốt?

Nếu đã và đang đầu tư chứng khoán, bạn có thể từng nghe rằng đa dạng hóa luôn tốt cho danh mục, vì “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Điều này về logic có vẻ hợp lý, nhưng thực tế phức tạp hơn bạn tưởng.

Trong hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư, để tìm kiếm lợi nhuận, nhà đầu tư luôn phải chấp nhận một mức độ rủi ro nào đó. Điều quan trọng là phải nhận diện được tất cả các loại rủi ro để trả mức giá phù hợp (risk premium - phần thưởng cho việc chấp nhận rủi ro), nếu không bạn sẽ rất dễ bị mua “hớ”.

Có hai loại rủi ro cơ bản trên thị trường. Một là rủi ro hệ thống - loại rủi ro tác động lên toàn bộ danh mục của cả thị trường (ví dụ như câu chuyện Fed nâng lãi suất và làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu trong năm 2022…). Hai là rủi ro phi hệ thống - loại rủi ro chỉ tác động lên một doanh nghiệp hoặc ngành do bản chất hoạt động của doanh nghiệp/ngành đó tạo ra (ngành thép có tính chu kỳ, xuất khẩu thủy sản gặp khó do chính sách của Mỹ, EU…).

Vấn đề là, nếu như không thể chấp nhận một loại rủi ro mà vẫn muốn đầu tư vào tài sản có rủi ro đó, bạn cần có công cụ để loại bỏ rủi ro đó trong danh mục hoặc cần một cơ chế để danh mục tự loại bỏ hoặc hạn chế tối đa rủi ro đã xác định. Trong trường hợp này, việc đa dạng hóa danh mục là một cơ chế như vậy.

Mục đích của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đa dạng hóa danh mục chính là để giảm thiểu rủi ro phi hệ thống. Có thể hình dung như sau: Nếu chỉ đầu tư vào một cổ phiếu hoặc một ngành, ví dụ bỏ vốn đầu tư vào HPG thời điểm 01/01/2022 thì tính tới ngày 07/12/2022 đã chịu một khoản lỗ lên tới 48%, song nếu đầu tư vào một danh mục, ví dụ VN30, thì cùng khoảng thời gian đó, bạn sẽ chỉ chịu một khoản lỗ 30%, đó chính là lợi ích của việc đa dạng hóa danh mục.

Trong trường hợp bằng lòng với khoản lỗ 30% và nghĩ rằng mình thật may mắn so với những người đã đầu tư vào ngành thép trong năm 2022 thì đa dạng hóa danh mục chính là giải pháp dành cho bạn.

Có rất nhiều chủ thể trên thị trường đầu tư theo chiến lược đa dạng hóa do bản chất mục tiêu hoạt động của họ. Hầu hết đây là các nhà đầu tư tổ chức, với số vốn đầu tư lớn, mọi động thái của họ đều được thị trường chú ý và họ mất rất nhiều thời gian để thiết lập cũng như thoát khỏi một vị thế so với nhà đầu tư nhỏ lẻ, do đó họ dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro phi hệ thống, họ buộc phải đa dạng hóa. Đây có lẽ cũng chính là lợi thế duy nhất của nhà đầu tư nhỏ lẻ so với nhà đầu tư tổ chức, gợi ý cho chúng ta về việc, đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, có nhất thiết phải đa dạng hóa hay không, có cách nào để cải thiện con số -30% kia không?

Câu trả lời là có thể, nếu tiếp cận vấn đề theo một cách khác. Suy cho cùng, việc đa dạng hóa danh mục cũng chỉ nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư thì rủi ro hệ thống hay phi hệ thống cũng đều là rủi ro và đều gây ra thiệt hại. Còn chỉ tập trung vào việc đa dạng hóa để hạn chế rủi ro phi hệ thống thì vô tình chúng ta đã coi nhẹ rủi ro hệ thống để rồi phải trả giá trong thị trường giá xuống (downtrend). Đây chính xác là những gì đã diễn ra trong năm 2022, khi phần rủi ro hệ thống quá lớn, mọi khoản đầu tư đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Dù rủi ro hệ thống là rủi ro không thể loại bỏ hoàn toàn bằng việc đa dạng hóa danh mục, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó lên từng cổ phiếu là khác nhau. Mức độ ảnh hưởng này được đại diện bởi hệ số beta, khi beta thấp có nghĩa là cổ phiếu đó ít chịu ảnh hưởng bởi thị trường chung và ngược lại. Việc của nhà đầu tư là tìm hiểu xem cổ phiếu nào ít chịu ảnh hưởng nhất bởi biến động chung của thị trường, mức định giá của cổ phiếu đó thế nào và triển vọng ngành của cổ phiếu đó ra sao. Nhà đầu tư khôn ngoan trong downtrend sẽ lựa chọn giải ngân vào một hoặc một vài cổ phiếu như vậy thay vì mua cả danh mục thị trường.

Để nói về cách lựa chọn cổ phiếu hiệu quả thay vì đa dạng hóa một cách mù quáng, một trong những nhà đầu tư huyền thoại có thể tham khảo đó là Peter Lynch - nhà đầu tư đánh bại chỉ số S&P 500 trong những năm 1980s, giúp cho tổng tài sản của quỹ đầu tư mà ông quản lý tăng từ 18 triệu USD lên 14 tỷ USD trong vòng 13 năm. Ông có câu nói nổi tiếng - “Bạn chỉ cần chọn đúng một đến hai cổ phiếu tốt cho một thập niên, không cần chọn quá nhiều”.

Triết lý đầu tư kinh điển của ông là “đừng đầu tư nếu như không hiểu rõ về cổ phiếu đó”, chỉ đầu tư vào những gì ông ta hiểu rõ, cũng giống như cách mà Warren Buffet lựa chọn cổ phiếu để đầu tư - bạn phải hiểu rõ về nó, ngành nghề mà nó hoạt động và tương lai của ngành đó (Điều này có thể lý giải tại sao gần đây Warren Buffet giải ngân vào cổ phiếu TSM - tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới tại Đài Loan cũng như vì sao thị trường chứng khoán Indonesia gần đây lại hot “rần rần” đến vậy (Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, đây là nguyên liệu quan trọng nhất định hình tương lai ngành xe điện).

Vậy, thay vì đa dạng hóa, với nguồn lực hạn chế, những nhà đầu tư nhỏ lẻ có một sự lựa chọn khôn ngoan hơn đó là chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng để đưa vào danh mục của mình và chỉ “xuống tiền” khi (i) hiểu rõ về cổ phiếu, về ngành và tương lai của ngành; (ii) kiên nhẫn chờ đợi cổ phiếu về vùng giá mục tiêu dù có phải chờ đợi cả một thập niên như Peter Lynch.

Điều này đặc biệt đúng trong thị trường downtrend bởi nếu không đủ kiên nhẫn, bạn sẽ hành động quá nhiều và khả năng mắc sai lầm sẽ tăng lên. Lúc này, cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là quay trở về cách tiếp cận đa dạng hóa danh mục.

Hà Văn Luật

FILI