9 sự kiện kinh tế nổi bật Việt Nam 2022

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều tin vui sau chiến thắng đại dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm nóng của thị trường tài chính, thị trường lao động trước bối cảnh suy thoái chung của toàn cầu.

Bất chấp bối cảnh thế giới còn đầy biến động, năm 2022, kinh tế Việt Nam được đánh giá phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ. GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8.02%, cao nhất khu vực và vượt chỉ tiêu 6 - 6.5% được giao.

Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 đạt 732 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, nhập khẩu 360.5 tỷ USD, xuất khẩu 371.5 tỷ USD, thặng dư 11 tỷ USD.

Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với 100 tỷ USD, đồng thời thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ với 93.3 tỷ USD.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 FTA (Hiệp định thương mại tự do) ở cả cấp độ song phương và nhiều bên, thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu thế giới.

Theo Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch COVID-19 gây ra trong 2 năm gần đây.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm qua cũng nóng không kém bởi sau 3 năm bùng nổ, kênh đầu tư này bắt đầu xuất hiện những vấn đề về thanh khoản, khả năng thanh toán của trái chủ, niềm tin nhà đầu tư… đặc biệt là sau khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị khởi tố do vi phạm về phát hành trái phiếu như Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan…

Sau vụ việc khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan, đã gây ra làn sóng người dân ồ ạt đến chi nhánh, trụ sở một số ngân hàng như SCB để rút tiền, gây ra tình trạng tê liệt cục bộ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước.

Nhiều người tụ tập đông đúc trước trụ sở ngân hàng, công ty chứng khoán bày tỏ bất bình liên quan đến các hợp đồng trái phiếu mua theo tư vấn của nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán.

Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng vụ việc để “tát nước theo mưa” đưa ra những bài viết sai lệch trên mạnh xã hội, kích động tâm lý gây hoang mang dư luận. Trước tình hình đó, Bộ Công an khuyến cáo tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự đều sẽ bị xử lý.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn ở SCB, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản.

SCB khẳng định Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCB. SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng theo quy định của pháp luật.

Năm 2022, thị trường chứng khoán nhiều phiên giảm điểm “sốc” cùng thanh khoản suy yếu dần. Từ mức đỉnh lịch sử kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán 1,528.57 điểm vào phiên 06/01, đến phiên 10/01, thị trường đạt mức thanh khoản hơn 41 ngàn tỷ đồng. Tháng 3 ghi nhận số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới đạt hơn 271.6 ngàn, mức kỷ lục trong lịch sử TTCK VN, đưa số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu và cán mốc 5% dân số. Tỷ lệ này đạt được sớm hơn 3 năm với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025.

Những tưởng kỳ vọng lớn sẽ còn tiến xa hơn. Tuy nhiên, hàng loạt biến động đã làm thay đổi triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán. Hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bị khởi tố tội danh thao túng, thổi giá chứng khoán như Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng...

Có thời điểm VN-Index về dưới mốc 960 điểm, sự lao dốc không phanh cả về điểm số lẫn thanh khoản vào những giai đoạn thị trường đón nhận tin tức bất lợi liên quan đến các lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng với tin đồn lãnh đạo một số tập đoàn lớn bị bắt.

Giá xăng hôm nay, giá xăng tăng, kỷ lục giá xăng, có thiếu xăng không… là những từ khóa liên tục được tìm kiếm trong năm 2022. Giá của mặt hàng thiết yếu với người dân liên tiếp lập đỉnh và đạt kỷ lục 32,870 đồng/lít. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả của hàng loạt hàng hóa, dịch vụ khác, gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam.

Tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa báo hết hoặc chỉ bán “nhỏ giọt” cho người dân xảy ra ở nhiều khu vực tại TPHCM và Hà Nội, thậm chí ở một số tỉnh thành lân cận khác. Trong tháng 10 và 11 hình ảnh dòng người xếp hàng dài từ sáng sớm, thậm chí là nửa đêm để đi đổ xăng bất chợt tạo nên cảnh tượng xưa nay hiếm.

Trước việc một số cửa hàng bán xăng dầu ngưng bán hàng cho người dân, Bộ Công Thương khẳng định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17,000 cửa hàng đang hoạt động.

Bộ Công Thương lý giải, sở dĩ có hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Cộng với tình hình bão lũ cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Ngoài “nóng” giá xăng, giá vàng SJC trong năm 2022 cũng lần đầu đạt cán mốc 74.4 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay. Giá USD cũng có thời điểm lập kỷ lục mới ở 23,960 đồng/USD (vào tháng 9).

Trong một báo cáo của Cushman & Wakefield, Việt Nam tiếp tục lọt top điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất thế giới trong năm 2022.

Vào đầu tháng 6, tờ GlobalTimes đưa tin, đại gia sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi đã giao lô sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực nhằm tăng hiệu quả giao hàng ở thị trường Đông Nam Á và giảm chi phí hậu cần.

Đầu tháng 11, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch khởi công xây dựng nhà máy 1 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam và là một phần trong chiến lược mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng của LEGO nhằm mục đích hỗ trợ sự phát triển dài hạn và xây dựng cơ sở sản xuất gần với các thị trường trọng điểm của LEGO.

Các chuyên gia nhận định việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc là sự kiện gây chấn động mới nhất khiến các công ty phải cân nhắc chuyển một phần dây chuyền sản xuất chip sang Việt Nam và Ấn Độ.

Trong đó, Samsung của Hàn Quốc, hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong đã có chuyến thăm Việt Nam để dự lễ Trung tâm R&D của Samsung lớn nhất Đông Nam Á vào trung tuần tháng 12. Với việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn.

Đến nay, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Samsung cũng đang phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và network tại Việt Nam. Thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.

Ngoài ra, Apple cũng đã làm việc với nhà cung cấp lớn nhất của mình là Foxconn của Đài Loan ngay từ tháng 5 để chuẩn bị cho việc sản xuất MacBook tại Việt Nam. Việt Nam trở thành là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc với một loạt sản phẩm chủ lực như máy tính bảng iPad, tai nghe AirPods, Apple Watch. Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm loa thông minh HomePod tại Việt Nam.

Google được cho là có dự định xây nhà máy tại Vĩnh Phúc để sản xuất điện thoại Google Pixel. Các tập đoàn điện tử của Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.

Theo chuyên gia Raphael Mok (Công ty tư vấn Fitch Solutions), Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Năm 2022, nhiều luật được Quốc hội thông qua như Luật Thanh tra 2022; Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022; Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; Luật Dầu khí 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Luật Điện ảnh 2022; Luật Thi đua, Khen thưởng 2022; Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022; Luật Cảnh sát cơ động 2022; Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022.

Ngoài ra, Chính phủ đang trình Quốc hội thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi. Đây được xác định là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Theo kế hoạch trong năm 2023, dự thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các đại biểu Quốc hội và hoàn thiện vào tháng 09/2023.

Sau đại dịch COVID-19, suy nghĩ của người lao động đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến tin thần thị trường lao động. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu trong xu thế suy thoái, nhiều bất ổn, khiến không ít doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng.

Đầu năm nay, khi Việt Nam dần mở cửa sau đại dịch, nhiều nhà máy rục rịch tuyển dụng và gọi công nhân đi làm để nhanh chóng bắt kịp các đơn hàng phục vụ cho những thị trường lớn. Sự lạc quan của người làm sản xuất lan sang người làm trong ngành dịch vụ như du lịch. Tuy nhiên, sự sôi nổi của thị trường lao động ngành sản xuất chỉ kéo dài được vài tháng, sau đó bắt đầu rơi rụng các đơn hàng, có những doanh nghiệp không còn nhận được đơn hàng nào. Hai ngành dệt may, da giày chịu cú sốc này nhanh chóng.

3 tháng cuối năm, thị trường lao động của những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chứng kiến cảnh doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp sản xuất, ngừng tăng ca, ngừng tuyển dụng khi mà đơn hàng giảm. Những ngành khác cũng bị ảnh hưởng như xây dựng, môi giới bất động sản, hàng không, du lịch…

Gần nửa triệu công nhân bị ảnh hưởng, hơn 40 ngàn người bị chấm dứt hợp đồng lao động, song song đó là cắt giảm lương, thưởng, giờ làm, thu hẹp các phúc lợi...

Sau hành trình lăn bánh trong nước, ngày 25/11, Tập đoàn Vingroup (VIC) xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên sang Mỹ, gồm 999 chiếc VF8 VinFast và cập cảng tại bang California vào ngày 21/12, nơi VinFast có 6 trung tâm bán hàng tại đây.

Chưa đầy 1 năm kể từ khi chính thức mở bán đến khi lô xe đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới, VinFast không chỉ minh chứng năng lực sản xuất thần tốc mà còn góp phần tạo nên bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định đây là sự kiện đánh dấu bước tiến lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Không chỉ đưa xe điện VinFast vào thị trường Mỹ, VinFast sẽ mở rộng sản xuất xe điện và lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ nhằm phát triển thương hiệu Việt tại thị trường quốc tế.

VinFast cũng mở rộng hợp tác với công ty sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới - Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc để phát triển sản xuất khung gầm thông minh tích hợp pin CTC.

Thu Minh

FILI

Tin cùng chuyên mục