Tài khoản lỗ 60% khi thị trường đi xuống, phải làm sao?

Tài khoản lỗ 60% khi thị trường đi xuống, phải làm sao?

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây trải qua đợt giảm sâu thậm chí có phiên dưới 900 điểm. Nhiều nhà đầu tư đã phải chịu mức lỗ không hề thấp, thậm chí có nhiều người cháy tài khoản do dùng đòn bẩy tài chính.

Trong chương trình Bí Mật Đồng Tiền, các chuyên gia đã có những lời khuyên cho một khách mời giấu tên. Người đang nắm danh mục khoảng 20 mã, đến hiện tại đã lỗ 60% khoảng 660 triệu đồng.

Về câu chuyện này, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI chia sẻ rằng thứ nhất, nhà đầu tư không nên mua quá nhiều cổ phiếu. Khi mình mua 20 cổ phiếu, để so sánh với khả năng lợi nhuận của rổ chỉ số như VN30 là tương đối khó, thường không cao hơn. Khi cầm quá nhiều cổ phiếu rồi, việc tạo ra giá trị tăng thêm khá là ít. Bên cạnh đó, ít nhất khi đầu tư cũng nên hiểu về quản trị rủi ro. Ví dụ, đề ra bản thân chỉ chấp nhận mức độ lỗ cho toàn danh mục ở 1 mức nào đó và có mức chặn lỗ cho cổ phiếu.

“Hiện tượng mua rất nhiều mã cổ phiếu như vậy thường là vì chúng ta thích có nhiều lựa chọn. Chẳng hạn như điện thoại thông minh hiện tại rất có nhiều kiểu máy hay là màu sắc khác nhau, điều đó lại khiến chúng ta đứng hình. Không những thế, chúng ta còn cảm giác hối tiếc nếu không lựa chọn một phương án nào đó. Mỗi người có lẽ nên biết cách hạn chế lựa không chỉ trong đầu tư mà cuộc sống cũng trở nên tốt hơn”.

Ngoài ra, theo anh Trần Việt Hưng - Nhà sáng lập và Giám đốc Học vụ Trung tâm 7AStar Tutoring, trong đầu tư thường có điểm tham chiếu, so sánh giá thị trường hiện tại với giá đó, cao hơn là thắng, thấp hơn là thua. Khi thắng, nhà đầu tư có xu hướng chốt lời để lấy tiền về nhanh, còn lỗ thì lại chấp nhận rủi ro chờ để có về bờ. “Chúng ta có thể mua được 1 cổ phiếu giá rẻ của năm 2020, 2021 nhưng cái chúng ta nên nhìn vào để đánh giá quyết định đầu tư, thì nên nhìn vào giá của hiện tại. Tất cả câu chuyện thắng hay thua là so với hiện tại chứ không phải so với quá khứ”.

Ông Phạm Lưu Hưng (thứ hai từ trái sang) - Kinh tế trưởng SSI và ông Trần Việt Hưng (thứ ba từ trái sang) - Nhà sáng lập và Giám đốc Học vụ Trung tâm 7AStar trong chương trình Bí mật đồng tiền

Mặt khác nhiều người hiện nay, thường sẽ chấp nhận bỏ quên tài khoản và ngồi chờ về bờ. Trong câu chuyện này, chuyên gia Phạm Lưu Hưng cho rằng chuyện quên đi này điều kiện là nhà đầu tư hiểu về cổ phiếu bản thân mua và để đó trong dài hạn. Trong trường hợp lỗ 60% như nhà đầu tư đã chia sẻ như trên, trước khi để đó và quên đi thì nên tái cấu trúc trước đã.

Theo Mr. X30 Phạm Lưu Hưng, ông ví von thị trường chứng khoán giống như môn lịch sử bởi chúng ta phải quan sát và biết nhiều hơn về quá khứ. Đôi khi những gì xảy ra trong quá khứ dù không tốt vẫn sẽ là nền tảng trong tương lai. Khi mà những nhà đầu tư đã trải qua được một năm rất khó khăn, với những khó khăn tiếp theo sau này, chúng ta sẽ xử lý tốt hơn và vượt qua dễ dàng hơn.

Ông Hưng cũng chia sẻ thêm: "Đối với tôi, năm nay tôi có thể thoát được hàng phải cảm ơn rất nhiều giai đoạn 2008-2009, thời điểm ấy tôi đã biết việc đầu tư vào một công ty từ mức giá 20,000 đồng/cp về con số 0 là như thế nào. Khi mình đã trải qua những vấn đề như thế, tương lai hoàn toàn có khả năng đương đầu với những câu chuyện này và không bị bất ngờ. Nhờ đó, sẽ có cách xử lý phù hợp, ra quyết định đúng đắn hơn".

Bên cạnh đó, khi bước chân vào con đường đầu tư tài chính, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều mong muốn có một người thầy tốt đồng hành và chỉ bảo ta đạt được thành công, như Benjamin Graham dẫn dắt Warren Buffett, góp phần giúp ông đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Tuy nhiên để tìm được một người thầy tốt, có tâm và có tầm không hề đơn giản.

Yến Chi

FILI