Các ông lớn phân bón tiếp tục thu lãi khủng

Các ông lớn phân bón tiếp tục thu lãi khủng

Kết thúc quý 3, loạt doanh nghiệp hóa chất có lợi nhuận tăng trưởng, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh phân bón.

Theo thống kê của VietstockFinance, trong 42 doanh nghiệp hóa chất đã công bố BCTC quý 3/2022, có 17 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, 2 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi; 21 doanh nghiệp giảm lãi; và 4 cái tên thua lỗ trong kỳ.

Top 10 doanh nghiệp lãi ròng lớn nhất

Giá phân tăng cao, “ông lớn” thu ngàn tỷ

Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) nằm trong số các doanh nghiệp hóa chất lãi lớn trong quý 3. Cụ thể, ông lớn ngành hóa chất này báo doanh thu quý 3 đạt trên 3.7 ngàn tỷ đồng, tăng 75%; lãi ròng hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp DGC lãi hơn ngàn tỷ đồng kể từ quý 4/2021. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 93% kế hoạch doanh thu, vượt gần 41% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2022.

DGC có quý thứ 4 liên tiếp lãi trên ngàn tỷ đồng

Theo giải thích từ DGC kết quả kinh doanh thắng lợi này, đến từ việc sản lượng sản xuất và giá bán các mặt hàng cốt lõi gia tăng, giúp đẩy mạnh doanh thu. Trong đó, doanh thu phốt pho vàng tăng 171%, các mặt hàng phân bón tăng 32%, WPA tăng 68%). Ngoài ra, hoạt động tài chính cũng cho kết quả khá tốt, với doanh thu từ lãi tiền gửi và chênh lệch tỷ giá đều bật tăng mạnh mẽ.

Một ông lớn khác trong ngành là Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) cũng có một quý thành công với doanh thu hơn 3.3 ngàn tỷ đồng, lãi ròng gần 728 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 83% và 93% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ mặt hàng sản xuất tăng 30% so với cùng kỳ. Giá phân bón tiếp tục neo cao - cụ thể phân Ure đạt 13,781 đồng/kg (tăng 32%), NPK đạt 14,045 đồng/kg (tăng 20.4%) - giúp doanh thu bán hàng tại công ty mẹ tăng mạnh. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng bật tăng mạnh nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá.

Ông lớn Đạm Cà Mau cũng có kỳ kinh doanh thành công

Lũy kế 9 tháng, DCM báo doanh thu đạt gần 11.5 ngàn tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế gấp 4 lần năm trước, lần lượt gần 3.5 ngàn tỷ đồng và gần 3.3 ngàn tỷ đồng.

Tương tự là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (HOSE: DPM) với doanh thu gần 3.9 ngàn tỷ đồng (tăng trưởng 38%) và lãi ròng gần 1 ngàn tỷ đồng (tăng 61%). Lãi ròng 9 tháng lên tới hơn 4.4 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và vượt 28% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Đây cũng là giai đoạn lãi kỷ lục của ông lớn ngành phân bón.

Theo giải thích từ DPM, đà tăng của sản lượng và giá bán phân bón đã tạo nên kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3. Biên lợi nhuận cũng cải thiện. Nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang lại 36.9 đồng lãi gộp, thì quý 3/2022 con số này lên tới 38.3 đồng.

Kỳ kinh doanh thành công của DPM

Diễn biến thị trường phân bón thuận lợi cũng thổi bùng lợi nhuận của Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB). Kết thúc quý 3, DHB đạt doanh thu hơn 1.7 ngàn tỷ đồng (tăng trưởng 44%); lãi ròng hơn 347 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp DHB báo lãi lớn sau thời gian dài thua lỗ.

Dù không chuyên mảng phân bón, một số doanh nghiệp hóa chất vẫn đạt kết quả tốt, như LIX (lãi ròng 53 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ), CSV (lãi ròng hơn 100 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ), SDN (lãi ròng 7.9 tỷ đồng, gấp 15.7 lần cùng kỳ), hay LTG (lãi ròng 64 tỷ đồng, gấp 2 cùng kỳ).

Những mảng màu ảm đạm

Nhiều doanh nghiệp báo lãi giảm mạnh sau quý 3

Vẫn có một số doanh nghiệp phân bón ghi nhận kết quả giảm sút, như CTCP DAP - VINACHEM (UPCoM: DDV) đi lùi cả về doanh thu và lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 6% (đạt 742 tỷ đồng) và 17% (đạt 57 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Mức giảm này thực chất không quá lớn, chủ yếu đến từ sụt giảm sản lượng tiêu thụ (sản lượng tiêu thụ trong quý giảm gần 39% so với cùng kỳ, còn 36.6 ngàn tấn). Dẫu vậy, giá bán bình quân tăng 52%, không gây ảnh hưởng quá nhiều đến tổng doanh thu.

DDV đi lùi về cả doanh thu lẫn lợi nhuận nhưng lũy kế vẫn tăng trưởng

Và nếu xét lũy kế 9 tháng, DDV vẫn đạt tăng trưởng doanh thu (gần 2.5 tỷ đồng, tăng 13%); lãi ròng gấp 2.2 lần cùng kỳ, đạt 350 tỷ đồng.

CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (HNX: PCE) mất phân nửa lợi nhuận vì sản lượng giảm mạnh, với mức lãi sau thuế đạt 3.8 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Lãi ròng của Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) thậm chí còn chia 4, đạt 6.1 tỷ đồng sau quý 3.

Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp cao su phải chứng kiến bức tranh kinh doanh ảm đạm trong quý 3, nhiều khả năng vì giá cao su thế giới liên tục giảm trong thời gian qua. Giá hợp đồng tương lai cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), loại hợp đồng 5 tấn, từ đỉnh 1.35 triệu yên/hợp đồng tại phiên 24/06/2022 đã giảm liên tiếp trước khi tạo đáy vào phiên 16/09 ở mức gần 1.1 triệu yên/hợp đồng, tương đương giảm hơn 20% từ đỉnh.

Châu An

FILI