Tham vọng dẫn đầu công nghệ thế giới của Trung Quốc gặp khó

Tham vọng dẫn đầu công nghệ thế giới của Trung Quốc gặp khó

Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2017 từng tuyên bố Trung Quốc sẽ ưu tiên đổi mới và sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ kỹ thuật hiện đại và công nghệ đột phá.

Kể từ bài phát biểu đó, Bắc Kinh vẫn luôn nói về các công nghệ mà họ muốn để tăng cường sức mạnh của mình, từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ 5G và chất bán dẫn.

5 năm kể từ đó, tình hình thế giới đã thay đổi rất nhiều, với một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, những thách thức đến từ đại dịch COVID-19 và sự thay đổi trong đường lối chính trị của chính Trung Quốc. Tất cả đang gây cản trở tới một số mục tiêu của Bắc Kinh.

Ngày 16/10, Trung Quốc bắt đầu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, một sự kiện được tổ chức 5 năm một lần. Cuộc họp cấp cao này dự kiến mở đường cho ông Tập tiếp tục làm người lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm thứ 3, một diễn biến chưa từng có trước đây. Ông Tập sẽ xem xét các thành tựu về khoa học và công nghệ mà Trung Quốc đã đạt được trong suốt 5 năm qua.

Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ đáng chú ý trong các lĩnh vực như 5G và du hành vũ trụ. Song, các doanh nghiệp công nghệ tư nhân giờ đây đang chùn bước trước những quy định chặt chẽ hơn của chính phủ và sự giảm tốc của nền kinh tế. Phải đợi rất lâu nữa Trung Quốc mới có thể tự cung cấp chất bán dẫn, tình hình đặc biệt khó khăn hơn khi Mỹ mới đây ban hành quy định hạn chế mới liên quan tới lĩnh vực này. Việc kiểm duyệt tại thị trường Trung Quốc đại lục cũng được siết chặt.

Chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung

Một trong những sự kiện không lường trước được và có thể đã làm chệch mục tiêu của Trung Quốc trong một số mảng công nghệ suốt 5 năm qua là chiến tranh thương mại. Cuộc chiến này được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng sau đó nhanh chóng biến thành một cuộc chiến về công nghệ.

Trong khoảng thời gian năm 2019 – 2020, chính quyền của ông Trump đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông 5G hàng đầu của Trung Quốc và là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

Washington sử dụng các lệnh trừng phạt và lệnh cấm xuất khẩu để khiến Huawei không thể tiếp cận nguồn cung chip quan trọng mà họ cần, từ đó làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của họ. Các chính phủ được coi là đồng minh của Mỹ cũng quay sang cấm Huawei tiếp cận cơ sở hạ tầng viễn thông tương lai của họ.

Câu chuyện về Huawei là khởi đầu cho mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, và cuộc chiến giành quyền thống trị lĩnh vực công nghệ ngày nay vẫn tiếp diễn. Kể từ đó, nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen liên quan tới xuất khẩu.

Cũng trong tuần trước, chính phủ Mỹ với ông Joe Biden làm tổng thống, lại ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu mới, trong đó hạn chế xuất khẩu một số loại chip được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính sang Trung Quốc, đồng thời siết quy định về việc bán thiết bị bán dẫn cho mọi công ty của nước này.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.

Chính sách Zero COVID

Sự bùng phát của dịch COVID-19, mà bắt nguồn từ Trung Quốc và lan rộng ra khắp thế giới, cũng là một sự kiện không lường trước được của ông Tập.

Sau gần hai năm đối phó với đại dịch COVID-19 bằng các lệnh phong toả trong nước và đóng cửa biên giới, nhiều quốc gia dựa vào vắc-xin và khẩu trang để mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang mắc kẹt với chính sách Zero COVID, tức là họ sẽ đóng cửa toàn bộ tỉnh, thành phố, kể cả thành phố lớn như Thượng Hải, nếu phát hiện ổ dịch.

Chính sách này là một phần nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc trong năm nay. Một số “gã khổng lồ” về công nghệ của Trung Quốc, như Alibaba và Tencent, đều báo cáo tăng trưởng lợi nhuận chậm chưa từng thấy.

Tự cung cấp chất bán dẫn

Bắc Kinh tập trung xây dựng khả năng tự cung tự cấp trong nhiều mảng của công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn. Ngay khi cuộc chiến thương mại với Mỹ bùng nổ, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chip nội địa của mình.

Trong kế hoạch phát triển của 5 năm trước, Bắc Kinh cho biết sẽ xem việc tự cường và tự cải tiến trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là trụ cột chiến lược cho sự phát triển quốc gia.

Một mảng mà họ kỳ vọng sẽ làm được như vậy là chất bán dẫn. Nhưng một số biện pháp hạn chế của Mỹ đã ảnh hưởng đến những tham vọng đó.

“Có vẻ như ông Tập Cận Bình đã đánh giá thấp những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi muốn giảm phụ thuộc vào nước ngoài, chủ yếu là các doanh nghiệp Mỹ, trong các công nghệ cốt lõi và quan trọng như chất bán dẫn. Ông ấy cũng không tính đến việc Mỹ cũng đang ngày càng lo lắng về chất bán dẫn – thứ được coi là nền tảng cho những công nghệ quan trọng”, Paul Triolo, người đứng đầu phòng chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Albright Stonebridge, nói với CNBC.

Ông Triolo đánh giá mọi thứ với mảng chất bán dẫn của Trung Quốc hiện tại có vẻ còn ảm đạm hơn năm 2017.

“Ông Tập đáng lẽ phải nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy mảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn trong nước của Trung Quốc. Nhưng ngay cả thế, một ngành phụ thuộc quá nhiều vào các nguyên liệu đầu vào như chất bán dẫn khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó tái tạo tất cả yếu tố của chuỗi cung ứng phức tạp đó”, ông nói thêm.

Loạt quy định hạn chế xuất khẩu mới của Tổng thống Biden có thể càng gây thêm trở ngại cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, theo các chuyên gia phân tích. Đó là vì Mỹ cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc một số loại chip do nước ngoài sản xuất nhưng sử dụng công cụ và phần mềm của Mỹ trong quá trình thiết kế và sản xuất.

Hiện tại, các nhà sản xuất và thiết kế chip trong nước của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào công cụ của Mỹ.

Các hãng sản xuất chip, như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, cũng phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Điều đó có nghĩa là bất kỳ công ty Trung Quốc nào dựa vào TSMC đều có thể bị cắt nguồn cung chip.

Trong khi đó, Trung Quốc lại không có bất kỳ sản phẩm nội địa nào tương đương như của TSMC. Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, vẫn đi sau TSMC về công nghệ. Và với những quy định hạn chế mới của Mỹ, SMIC sẽ càng khó bắt kịp công ty của Đài Loan (Trung Quốc).

Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi nếu muốn tự cung tự cấp chất bán dẫn, dù Bắc Kinh đang tập trung rất nhiều vào mảng này.

Ông Triolo nói: “Sắp tới, các quy định hạn chế mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tham vọng công nghệ của Trung Quốc”. Các quy định này sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực liên quan và khiến các công ty Trung Quốc không thể cạnh tranh trong một số mảng như máy tính hiệu suất cao và các ứng dụng liên quan đến trí tuệ nhân tạo như xe tự lái”.

Cuộc đàn áp lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc

Một dấu ấn lớn của ông Tập Cận Bình trong 5 năm qua là cách ông biến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có chế độ quản lý nghiêm ngặt nhất thế giới về công nghệ. Trong hai năm qua, những “gã khổng lồ” công nghệ phát triển nhanh và tự do một thời của Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ.

Mọi việc bắt đầu vào tháng 11/2020 khi thương vụ IPO trị giá 34.5 tỷ USD của Ant Group, vốn có thể là đợt IPO lớn nhất thế giới, bị các nhà quản lý buộc tạm ngừng. Vài tháng sau đó, cơ quan quản lý Trung Quốc nhanh chóng đưa ra một loạt quy định liên quan tới nhiều vấn đề, từ chống độc quyền đến bảo vệ dữ liệu người dùng.

Jack Ma ít xuất hiện trước công chúng trong những năm gần đây, kể từ sau thương vụ IPO Ant Group bị dừng lại.

Bắc Kinh thông qua một đạo luật quy định cách các công ty công nghệ có thể sử dụng các thuật toán khuyến nghị, điều này cho thấy chính phủ ngày càng mạnh tay siết lĩnh vực công nghệ.

Nhớ lại bài phát biểu vào năm 2017 của người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập đã có những gợi ý về việc ban hành quy định như vậy. “Chúng tôi sẽ cung cấp các nội dung trên mạng nhiều hơn và tốt hơn, đồng thời đưa ra một hệ thống quản lý internet tích hợp nhằm đảm bảo một không gian mạng trong sạch”, ông Tập nói vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, tốc độ thông qua các quy định cũng như phạm vi áp dụng của chúng khiến giới đầut ư mất cảnh giác, và hàng tỷ USD đã bị xoá sổ vì giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, kể cả Alibaba và Tencent, lao dốc trong giai đoạn 2021 – 2022. Đến nay, các cổ phiếu này vẫn chưa thể phục hồi lại như trước.

Cũng vào năm 2017, ông Tập cho biết Bắc Kinh sẽ loại bỏ các quy định và thông lệ cản trở sự phát triển của một thị trường thống nhất và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tích cực hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân… Đây là một cam kết khác mà chính quyền của ông Tập chưa đạt được.

Thành tựu của Trung Quốc

Bất chấp nhiều thách thức, Trung Quốc lại đạt được thành công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ kể từ năm 2017. Trong đó, khám giá không gian vũ trụ là một tâm điểm.

Năm 2020, sứ mệnh lên mặt trăng của Trung Quốc kết thúc với việc tàu vũ trụ của họ quay trở lại Trái đất cùng với các mẫu đất mặt trăng. Đây là lần đầu tiên đất nước này làm được điều đó. Cùng năm, Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình mang tên Beidou, đối thủ của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) do chính phủ Mỹ sở hữu.

Hệ thống vệ tinh Beidou của Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc hạ cánh một tàu vũ trụ không người lái lên Sao Hỏa và đang lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh có phi hành đoàn đầu tiên lên Hành tinh Đỏ vào năm 2033.

Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong việc triển khai mạng di động 5G thế hệ tiếp theo, hứa hẹn tốc độ siêu nhanh và có khả năng hỗ trợ các ngành công nghiệp mới như lái xe tự hành.

Trong lĩnh vực xe điện, Trung Quốc cũng đã vượt lên dẫn trước. Đất nước này là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới và là quê hương của CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới và đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Việc siết quy định với công nghệ sẽ không hoàn toàn dừng lại trong thời gian tới dù lĩnh vực này có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong vài tháng gần đây. Ngay cả khi Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới về hoạt động quản lý trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập, các công ty như Alibaba và Tencent cũng chưa chắc lấy lại được tốc độ tăng trưởng chóng mặt mà họ đã từng thấy trước đây.

Nói chung, công nghệ vẫn sẽ là trọng tâm chính của ông Tập Cận Bình trong 5 năm tới, trong đó vấn đề trọng yếu là phát triển khả năng tự cung tự cấp. Trung Quốc có thể tiếp tục phấn đấu để đạt được thêm nhiều thành công trong các mảng mà Bắc Kinh coi là công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo và chip.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của ông Tập trong lĩnh vực công nghệ giờ đây khó hơn nhiều.

“Khi Mỹ tiếp tục tăng cường kiểm soát trong các mảng công nghệ khác cũng như siết đầu tư vào công nghệ ở Trung Quốc, động cơ đổi mới ở Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu thay đổi, thay vì tập trung vào khu vực tư nhân như trước. Khi đó, chính phủ cũng phải tăng cường rót vốn”, ông Triolo nói.

Kim Dung (Theo CNBC)

FILI