Con đường vươn ra biển lớn của Hòa Bình

Với hoài bão vươn ra biển lớn, Hòa Bình sẽ đi từ số 1 ở thị trường xây dựng nội địa đến đẳng cấp hàng đầu ở toàn cầu.

Phân đoạn chú cá voi Willy

35 năm không ngừng nỗ lực, đổi mới để chinh phục đỉnh cao, khẳng định chất lượng và vị thế dẫn đầu, thương hiệu Xây dựng Hòa Bình đã khắc dấu ấn của mình ở hàng trăm công trình trên khắp mọi miền tổ quốc. Giờ đây, với hoài bão vươn ra biển lớn, Hòa Bình sẽ đi từ số 1 ở thị trường xây dựng nội địa đến đẳng cấp hàng đầu ở thị trường toàn cầu.

Từ một văn phòng xây dựng được thành lập với chức năng thiết kế thi công một số công trình trang trí nội thất và nhà ở tư nhân vào năm 1987, chỉ trong vòng 5 năm, Hòa Bình bắt đầu đủ khả năng nhận thi công nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, và đặt nền móng khẳng định tên tuổi qua hàng loạt công trình nổi tiếng trải khắp Việt Nam.

Năm 2001, Hòa Bình trở thành một trong những công ty xây dựng đầu tiên nhận Chứng chỉ ISO 9001:2000. Năm 2006, Hòa Bình là nhà thầu xây dựng tổng hợp đầu tiên tại phía Nam niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán HBC. Năm 2011, Hòa Bình đặt bước chân đầu tiên ra thị trường nước ngoài với dự án Le Yuan ở Malaysia. Năm 2020, Hòa Bình lần đầu đứng đầu trong Top 10 nhà thầu uy tín ngành xây dựng. Đây là những dấu mốc để HBC làm bệ phóng vươn ra biển lớn.

Trong suốt ba thập kỷ từ 1988 – 2018, Hòa Bình thực hiện hóa kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc: Doanh thu tăng đều đặn mỗi 5 năm gấp 5 lần. Bước sang 2019, HBC đạt doanh thu kỷ lục trong lịch sử Công ty. Năm 2020 - 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, song doanh thu và lợi nhuận vẫn duy trì mức cao.

Để có được những thành quả trên, Tập đoàn không ngừng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho máy móc thiết bị cùng bộ máy quản lý tinh nhuệ, đội ngũ công nhân lành nghề. Qua hơn 3 thập kỷ, Ban lãnh đạo HBC đã mạnh dạn tái cấu trúc doanh nghiệp từ cơ cấu tổ chức đến quy trình, hệ thống, số hóa, xây dựng đội ngũ nhân viên có trình độ cao, đa năng, giỏi ngoại ngữ với mục tiêu trở thành công dân toàn cầu.

Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết: “Để thực hiện những chiến lược phát triển trong tương lai, Hòa Bình đồng thời triển khai những giải pháp, kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hòa Bình đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và tiêu chí học tập cũng là một trong những KPIs của nhân viên”.

Đây là khoản đầu tư dài hạn của Tập đoàn để hình thành một hệ sinh thái có môi trường làm việc tốt, năng lực cạnh tranh cao nhằm thực hiện thành công chiến lược 10 năm tới, đưa HBC bước ra thế giới.

Chủ tịch Lê Viết Hải cũng tự hào khi tuyên bố HBC có lợi thế là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới trong 5 năm, doanh thu phát triển 5 lần, có khả năng liên kết với nhiều nhà thầu cũng như tiếp thu những công nghệ xây dựng nhà ở tại nhiều nước.

Tại thị trường trong nước, nơi mà các nhà thầu đối mặt sự cạnh tranh về giá vô cùng khốc liệt bởi thực trạng cung lớn hơn cầu. Có được chỗ đứng trong ngành đã khó, để duy trì được vị thế dẫn đầu càng khó hơn rất nhiều. Lấy Chất lượng – An toàn – Tiến độ của công trình làm kim chỉ nam hành động, HBC trở thành đối tác gắn bó lâu năm với không ít doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Việt Nam. Trên mỗi hành trình hợp tác đều được gây dựng bằng sự Tử tế - Tiên phong - Kỷ cương - Kiên cường.

“Giàu khát vọng, đầy sáng tạo, tâm huyết, chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, quyết tâm không ngừng nghỉ, cần cù, chất lượng, an toàn, uy tín…” là những lời nhận xét của rất nhiều đối tác mà HBC có cơ hội hợp tác.

Không bao giờ hài lòng với hiện tại, trong xu thế hội nhập toàn cầu, HBC xác định con đường để thoát khỏi khó khăn trong nước, là phải tìm kiếm cơ hội phát triển ra nước ngoài. Từ rất sớm, năm 2011, HBC lần đầu bước chân ra thị trường quốc tế bằng dự án chung cư cao cấp 670 căn hộ Le Yuan Residence – dự án đầu tiên có bãi biển nhân tạo ở Kuala Lumpur. 2 năm sau, HBC củng cố sự hiện diện tại đất nước “châu Á thu nhỏ” này bằng dự án Desa Green quy mô 2,080 căn hộ gồm 3 block, 7 tầng hầm, 42 tầng cao với diện tích xây dựng 235,000 m2.

2 năm sau , Hòa Bình đánh dấu dự án đầu tiên tại Myanmar – chung cư GEMS, một trong 2 công trình cao tầng nhất ở đất nước chùa tháp. Và đây cũng là dự án đầu tiên mà một nhà thầu xây dựng Việt Nam cung cấp dịch vụ quản lý thi công tại Myanmar.

Bước chân ra thị trường ngoài mảnh đất hình chữ S, HBC không ngần ngại thử sức bằng những công trình quy mô, bề thế. “Hòa Bình như một con cá voi trong ao tù, quá chật chội nên không đủ không gian lớn lên và vùng vẫy. Phải nhanh chóng tìm đường ra biển lớn thì cá voi mới tiếp tục tung hoành và tăng trưởng được ”, lời Chủ tịch Lê Viết Hải, một lần nữa khẳng định khát vọng lớn lao của Tập đoàn.

Lãnh đạo HBC đã đến nhiều quốc gia phát triển như Canada, Úc, tham dự nhiều cuộc họp và nhận thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng ở những thị trường mục tiêu. Tại Việt Nam, canh tranh khốc liệt về giá, và đang ngày một bão hòa. Trong khi đó ở nước ngoài, đơn cử là Úc, nguồn cung nhà ở khoảng 1.5 triệu căn, các nhà thầu trong nước không thể đáp ứng được tiến độ, nhiều công ty còn bị phá sản. Vì vậy, HBC đi đến đâu đều được chính quyền các quốc gia hoan nghênh chào đón.

Giữa muôn vàn nhà thầu, để lọt vào “mắt xanh” của chủ đầu tư, bản thân HBC cũng cần có những lợi thế riêng. Hòa Bình đã có cho mình mạng lưới chuỗi cung ứng lớn, gồm nhiều công ty thành viên sản xuất các sản phẩm chất lượng với chi phí thấp, giúp dễ kiểm soát các giai đoạn từ thiết kế đến thi công, góp phần đưa doanh thu dự án ở các nước mục tiêu lớn hơn đáng kể so với Việt Nam (1 số nơi có thể cao gấp 8 lần). Cơ hội chuyển lợi nhuận tương đối đáng kể ở mỗi dự án nước ngoài cũng sẽ mang lại thu nhập đáng kể.

Bên cạnh đó, đội ngũ 4,000 lao động tay nghề cao, có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như BIM, QAQC, R&D, kỹ thuật,… giúp Hòa Bình có thể cung cấp các dịch vụ xây dựng tổng thầu tại khắp các thị trường mục tiêu với mức chi phí cạnh tranh.

Ra biển lớn, đồng thời cũng là bơi ra biển “học hỏi”, HBC luôn tự hào trong việc học hỏi và ứng dụng công nghệ mới. Hòa Bình là nhà thầu đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ mới như CAD, áp dụng các tiêu chuẩn xanh như LEED, CONQUAS trong xây dựng, công nghệ xây dựng top-down, mở trung tâm nghiên cứu R&D,…

Ở các thị trường mục tiêu mà Tập đoàn lựa chọn là Canada, Mỹ, Úc và châu Âu, HBC phát triển bằng nhiều hình thức đồng phát triển, đồng xây dựng, M&A hoặc liên doanh. Từ kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, HBC nhận thấy việc thiết lập mối quan hệ lâu dài với các đối tác chiến lược sẽ giúp Công ty có được sự định hướng trong tìm hiểu văn hóa và đời sống tại thị trường địa phương. Đồng hành với các đối tác có năng lực tại địa phương còn tạo nên cộng hưởng về lợi thế cạnh tranh, win – win.

Điều này cũng giúp HBC nắm rõ hơn các quy định pháp luật, sự khác biệt xã hội, yếu tố thổ nhưỡng. Từ đó, bằng bề dày kinh nghiệm của mình, HBC sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chi phí cũng như kỹ thuật, thiết kế, dịch vụ cung cấp. Ngoài ra, việc duy trì các mối quan hệ bền chặt, lâu dài với đối tác địa phương sẽ củng cố bệ phóng cho HBC hơn nữa.

Với những nền móng vững chắc được gầy dựng trong 35 năm, bằng tầm nhìn rõ ràng, HBC đặt mục tiêu 10 năm tới, khi tròn tuổi đời 45, Tập đoàn sẽ cán mốc doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD. Thị trường nước ngoài sẽ dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu với 13 tỷ USD, trong nước là hơn 6 tỷ USD.

Trong 10 năm tới, để củng cố vị thế đầu ngành, HBC sẽ phát triển 2 dự án là KCN Cổ Chiên và KCN Tân Lý Đông trong mảng công nghiệp. Song song đó, HBC sẽ thành lập pháp nhân để phát triển điện gió trong mảng năng lượng, ước tính lợi nhuận sẽ chiếm khoảng 1/10 trong mảng xây dựng dân dụng.

Đối với mảng hạ tầng cầu đường, sau khi sáp nhập Công ty Hòa Bình 479, dự kiến doanh thu năm 2022 từ 551 tỷ lên 1,080 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng đang thi công là 2,000 tỷ đồng.

Khi đầu tư ra nước ngoài, trước mắt HBC dùng nhà thầu phụ chủ yếu, theo cách này, yêu cầu về vốn sẽ ít hơn so với thầu các dự án trong nước. 3 năm đầu, vốn đầu tư nhiều nên HBC sẽ tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận, đến khi biên lợi nhuận ở nước ngoài tăng trên 3%, Công ty sẽ giảm tỷ lệ tái đầu tư xuống. Theo đó, HBC cần rất nhiều vốn để bắt kịp nhịp tăng trưởng, tạo danh tiếng quốc tế.

Những năm đầu, lợi nhuận từ nước ngoài không nhiều nhưng tăng trưởng rất nhanh và sau 4 năm có thể sẽ vượt lợi nhuận từ thị trường trong nước.

Nói về mục tiêu dài hơi hơn, ông Lê Viết Hải cho biết: “Trong chu kỳ mới cho chặng đường 35 năm phía trước là khôi phục tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm tăng năm lần như Hòa Bình đã từng thực hiện trong chặng đường 35 năm đầu tiên”.

Tiến Vũ - Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Tin cùng chuyên mục