Các nhà cung cấp thiết bị chip hàng đầu thế giới ngừng làm ăn với Trung Quốc

Các nhà cung cấp thiết bị chip hàng đầu thế giới ngừng làm ăn với Trung Quốc

Những nhà cung cấp thiết bị chip hàng đầu thế giới đã ngừng bán hàng và cung cấp dịch vụ cho các công ty sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc, trong bối cảnh biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đây của Washington gây gián đoạn lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và hoạt động của các doanh nghiệp toàn cầu.

Lam Research, Applied Materials và KLA Corporation là 3 doanh nghiệp Mỹ nắm thị phần lớn nhất trong một số phân đoạn của quy trình sản xuất chất bán dẫn. Họ đều thực hiện ngay các biện pháp mới của Mỹ, Financial Times dẫn lời một số nguồn tin thân cận cho hay.

Ngày 11/10, Lam Research bắt đầu rút nhân viên hỗ trợ khỏi các công ty sản xuất chip có trụ sở tại Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC). Họ yêu cầu nhân viên tránh xa các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc ngay lập tức, một nhân viên của Lam Research tiết lộ. Bên cạnh đó, Lam Research cũng ngừng các cuộc đàm phán hợp đồng bán trước với khách hàng Trung Quốc, đồng thời rút nhân viên tham gia xây dựng các cửa hàng mới ở thị trường này, hai nguồn tin khác cho biết.

Trong khi đó, Applied Materials và KLA cũng đã ngừng cung cấp dịch vụ cho các dây chuyền sản xuất chip tiên tiến có trụ sở tại Trung Quốc, ba nguồn tin giấu tên nói với Financial Times. Một giám đốc kinh doanh của Applied Materials nói: “Chúng tôi được thông báo rằng công ty cần thời gian để đánh giá những gì họ có thể bán ở Trung Quốc. Việc kinh doanh sẽ không thể bền vững nếu chúng tôi chỉ có thể cung cấp dịch vụ mà không được bán thiết bị”.

Còn theo ba nhân viên của YMTC, các nhà sản xuất công cụ của Mỹ đã ngừng nguồn cung và dịch vụ cho các nhà máy sản xuất chip tiên tiến đã và đang được xây dựng của công ty này.

ASML, doanh nghiệp dẫn đầu về thiết bị sản xuất chip có trụ sở tại Hà Lan, cũng yêu cầu nhân viên của họ ở Mỹ ngừng phục vụ tất cả khách hàng Trung Quốc trong thời gian công ty đánh giá tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Washington đưa ra. Tập đoàn này gửi thông báo tới nhân sự rằng tất cả nhân viên của Mỹ, gồm công dân Mỹ - người có thẻ xanh và công dân nước ngoài sống ở Mỹ - đều bị cấm cung cấp dịch vụ cho các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.

“Các nhân viên của ASML US phải hạn chế, dù trực tiếp hay gián tiếp, phục vụ, vận chuyển hoặc hỗ trợ cho bất kỳ khách hàng nào ở Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới”, phát ngôn viên của tập đoàn này cho biết.

Ngày 07/10, Chính phủ Mỹ công bố biện pháp hạn chế mới, trong đó cấm xuất khẩu sang Trung Quốc những thiết bị bán dẫn của Mỹ mà bất kỳ đối thủ nước ngoài nào không thể cung cấp. Washington cũng yêu cầu phải có giấy phép đối với việc xuất khẩu công cụ hoặc linh kiện của Mỹ cho các nhà máy chế tạo microchip có trụ sở tại Trung Quốc, cũng như đối với việc xuất khẩu các mặt hàng được sử dụng để phát triển thiết bị sản xuất chip cho riêng Trung Quốc.

Ngoài ra, bất kỳ công dân hay tổ chức nào của Mỹ cũng phải xin phép Bộ Thương mại để hỗ trợ cho nhà máy chế tạo microchip của Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, biện pháp mới này sẽ ít tác động tới các hãng sản xuất chip nước ngoài có nhà máy ở Trung Quốc vì họ có thể xin phép Washington tiếp tục nhận thiết bị từ Mỹ.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết đã nhận được giấy phép có giá trị một năm cho nhà máy ở Nam Kinh. CEO CC Wei đánh giá tác động ban đầu của các biện pháp mới đối với công ty là rất hạn chế và họ có thể xoay sở được vì họ tập trung sản xuất loại chip rất cao cấp.

Hãng sản xuất chip nhớ SK Hynix của Hàn Quốc cũng cho hay sẽ không bị đình chỉ nguồn cung từ Mỹ nhờ có giấy phép gia hạn một năm.

Kim Dung (Theo Financial Times)

FILI