PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tăng lãi suất là điều bắt buộc, chứng khoán sẽ “ấm” lên

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tăng lãi suất là điều bắt buộc, chứng khoán sẽ “ấm” lên

Sau động thái tăng lãi suất điều hành thêm 1% so với mức cũ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 22/09/2022, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế đã có những nhận định về vấn đề này cũng như dự báo một số vấn đề kinh tế cho thời gian sắp tới.

* Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Động thái tăng lãi suất điều hành từ phía NHNN sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Động thái tăng lãi suất từ NHNN là điều bắt buộc, vì chúng ta sống trong bối cảnh mà nhiều quốc gia đều tăng lãi suất và dùng các biện pháp để hạn chế cung tiền, từ đó làm cho lạm phát giảm, thì Việt Nam cũng phải đi theo chiều hướng đó.

"Chính phủ vẫn mong muốn các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, việc NHNN tăng lãi suất điều hành nhưng cố gắng giữ ổn định lãi suất đầu ra tất nhiên sẽ gây sức ép đối với các ngân hàng hiện nay. Bởi vì muốn hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng thì ngân hàng phải làm sao để tiết giảm tối đa các chi phí. Tôi cho rằng đó là việc khó khăn".

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Mỹ đã tăng lãi suất đến 3 lần, mỗi lần tăng 75 điểm cơ bản, nhiều nước khác như châu Âu hay Anh cũng đều tăng lãi suất, nên bắt buộc Việt Nam cũng phải tăng theo. Nếu Việt Nam không tăng lãi suất thì VNĐ phải chịu sức ép mất giá rất lớn.

Nếu Việt Nam cứ giữ nguyên lãi suất thì sẽ phải bán một lượng rất lớn ngoại tệ. Và dù dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn còn nhiều, nhưng nếu tiếp tục bán lượng lớn ngoại tệ thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh cũng như các yếu tố của nền kinh tế.

Do vậy, chúng ta cần phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp tăng lãi suất. Dù vậy, việc NHNN tăng lãi suất thêm 1% cũng không quá ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, như Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn các ngân hàng hỗ trợ và cố gắng giữ ổn định lãi suất.

Nếu tình hình lạm phát trong thời gian tới trên thế giới vẫn chưa hạ nhiệt, liệu rằng NHNN sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành nữa không?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ và hy vọng sẽ không tăng lãi suất điều hành nữa, nếu có tăng thì cũng tăng khoảng 0.5%. Bởi vì còn phụ thuộc vào áp lực tăng lãi suất từ phía Mỹ cũng như các nước trên thế giới. Và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là ổn định VNĐ và ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển, nên cũng kỳ vọng tỷ giá sẽ ổn định, và lãi suất về cơ bản cũng ổn định, nên nếu có tăng thì sẽ tăng ít.

Việt Nam cũng đang cố gắng giữ ổn định tỷ giá, dù là giá trị VNĐ đang mất giá so với USD 3.8% nhưng hy vọng NHNN sẽ có điều chỉnh để về đâu đó 2%.

Tại phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 22/09, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng tiền nhiều nước trên thế giới đều mất giá so với USD như Euro thì mất giá 1.31%, bảng Anh 0.95%, nhân dân tệ là 0.44%. Tính trung bình từ đầu năm đến năm các đồng tiền trên thế giới mất giá rất mạnh như Yên (Nhật Bản) mất giá 25%, Euro 13.5%, GBP (Anh) 20%, Bath (Thái Lan) 11.95%, Won (Hàn Quốc) 17.57%... trong khi đó, tiền VNĐ chỉ mất giá khoảng 3.8%.

Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thật ra thì các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động rồi và NHNN sẽ có động thái can thiệp để giúp chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm đi bằng lãi suất qua đêm hoặc cho vay nguồn vốn với lãi suất không quá cao. Từ đó, giúp cho các ngân hàng có thể giữ vững ổn định, hoặc hạ lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay có tăng thì sẽ khoảng 0.5%.

Ông dự báo gì về dòng vốn đầu tư sau khi tăng lãi suất điều hành?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Khi lãi suất tăng lên thì tiền chạy về tiền gửi ngân hàng đầu tiên.

Hiện nay, lượng vốn tín dụng chảy vào bất động sản quá nhiều nên phía ngân hàng cũng không muốn rót tiền vào nhiều hơn nữa.

Thị trường chứng khoán thì vẫn là một kênh mà dòng vốn tiếp tục chảy vào nhiều. Hiện, thị trường đang giảm nhưng hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ ổn định và đi lên.

Sau tháng 9 này sẽ có số liệu về kết quả kinh doanh quý 3, như số liệu tính đến ngày 20/9 thì quý 3 cũng sẽ tốt, hy vọng tăng trưởng của cả năm sẽ tốt theo. Tăng trưởng sản xuất tốt thì các doanh nghiệp sẽ ăn nên làm ra thì cổ phiếu sẽ tăng giá và thị trường sẽ tăng.

Xin cảm ơn ông!

Cát Lam

FILI