DWC tăng trần 5 phiên liên tiếp là không đúng giá trị thực?

DWC tăng trần 5 phiên liên tiếp là không đúng giá trị thực?

CTCP Cấp nước Đắk Lắk (UPCoM: DWC) cho biết Công ty không có bất kỳ thông tin có lợi nào, thậm chí còn có thông tin bất lợi, nhưng giá cổ phiếu lại tăng trần 5 phiên liên tiếp.

Diễn biến giá cổ phiếu DWC từ đầu năm 2021 đến phiên 22/09/2022

Trên thị trường, giá cổ phiếu DWC đã tăng trần liên tiếp 5 phiên từ ngày 15-21/09/2022, giá từ 8,600 đồng/cp lên 16,900 đồng/cp.

Phản hồi diễn biến “bất thường” này, DWC khẳng định trong thời điểm hiện nay, Công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch trên thị trường chứng khoán để tăng trần 5 phiên liên tiếp. Mặt khác, Công ty còn có thông tin bất lợi về BCTC bán niên 2022 soát xét đã công bố thông tin theo quy định, với kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ. Đồng thời, Ban lãnh đạo hay người có liên quan không có bất kỳ tác động nào đến giá cổ phiếu và cũng không thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu.

Hơn nữa, giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp nhưng khối lượng giao dịch rất thấp, bình quân khoảng 500 cp/phiên và lệnh mua bán cũng chỉ có 1-2 lệnh.

Từ những yếu tố trình bày ở trên, DWC nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hỏng của thị trường chứng khoán nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao vì động cơ cá nhân.

Vì vậy, DWC đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sớm tiến hành điều tra và xử lý các cá nhân vi phạm nếu có để tránh tình trạng kéo dài đẩy giá cổ phiếu lên cao không đúng với giá trị thực.

Sau khi DWC công bố văn bản giải trình giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp thì phiên 22/09, giá cổ phiếu đang đứng yên ở mức tham chiếu là 16,900 đồng/cp,

Về hoạt động kinh doanh bán niên, Công ty ghi nhận kết quả ảm đạm với mức lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 7 tỷ đồng.

Nguyên nhân do doanh thu 6 tháng năm 2022 sụt giảm khi sản lượng nước thương phẩm cung cấp cho khách hàng tiêu thụ thấp bởi nhu cầu sử dụng của khách hàng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi phí tăng mạnh 15% vì Công ty đang có khoản dư nợ vay vốn ADB với số tiền gần 19 triệu USD. Tại ngày 30/06/2022, DWC xác định sau khi đánh giá lại tỷ giá các khoản nợ mang yếu tố ngoại tệ thì phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá với số tiền gần 9 tỷ đồng; ngoài ra, phát sinh chi phí lãi vay được hạch toán vào chi phí kỳ này hơn 3 tỷ đồng mà cùng kỳ năm trước không có. Mặt khác, Công ty trích thêm chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi của khách hàng gần 2 tỷ đồng.

Đáng nói, BCTC soát xét bán niên 2022 của DWC có kết luận không phải là chấp nhận toàn phần.

Cụ thể, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và xây dựng cơ bản dở dang cùng các khoản công nợ phải thu, phải trả trong 6 tháng đầu năm 2022, do không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính chính xác và khả năng thu hồi các khoản mục này cũng như ảnh hưởng (nếu có) đến BCTC cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/06/2022.

Giải trình về vấn đề này, DWC cho biết Công ty ban đầu có 100% vốn Nhà nước và được cổ phần hóa từ ngày 01/07/2019. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức phê duyệt quyết toán bàn giao vốn và tài sản từ Công ty Nhà nước cho CTCP, cũng như các chi phí dở dang, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang, khoản nợ phải thu, phải trả mà kiểm toán có ý kiến nêu trên nên CTCP không thể đảm bảo cơ sở hồ sơ pháp lý để tiếp nhận. Về phía DWC cũng đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét quyết toán bàn giao vốn và tài sản cho CTCP, đồng thời kiến nghị xử lý các khoản chi phí, khoản nợ phải thu... mà ý kiến kiểm toán đã nêu khiến BCTC soát xét không thể kết luận chấp nhận toàn phần.

Khang Di

FILI