PGV - Mua vào khi giá xuống dưới mức 24,000 đồng

PGV - Mua vào khi giá xuống dưới mức 24,000 đồng

Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (HOSE: PGV) là nhà sản xuất điện quy mô lớn của Việt Nam với tổng công suất đến ngày 31/12/2021 xấp xỉ 6,559 MW với nhiều loại hình phát điện (nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện, điện mặt trời). Theo kết quả từ mô hình định giá, nếu giá thị trường xuống dưới mức 24,000 đồng thì sẽ khá hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

Triển vọng ngành tích cực

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8.5%/năm. Theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đảm bảo cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025 không xét năng lượng tái tạo, chỉ khoảng 18%.

Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội.

Nguồn: EVN

Trong những năm qua, sản lượng điện toàn hệ thống liên tục duy trì mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) đạt mức 8.95% trong giai đoạn 2011-2021. Với nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng theo tốc độ phát triển kinh tế, triển vọng của ngành là rất khả quan trong tương lai. Điều này tốt cho các doanh nghiệp ngành điện nói chung và cho PGV nói riêng (đang chiếm 11.9% thị phần toàn ngành).

Nguồn: EVN, PGV, GE2, EVNGENCO 1, POW, Vinacomin

Doanh nghiệp sản xuất điện hàng đầu Việt Nam

PGV là nhà sản xuất điện quy mô lớn của Việt Nam với tổng công suất đến ngày 31/12/2021 xấp xỉ 6,559 MW với nhiều loại hình phát điện (nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện, điện mặt trời).

Nguồn: VietstockFinance

Khởi đầu từ cụm các Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, EVNGENCO3 hôm nay đang vận hành các nhà máy điện công suất lớn khác trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Mông Dương và cụm 03 nhà máy thủy điện công suất 586 MW khai thác dòng sông Sêrêpốk.

Nguồn: PGV

Rủi ro tài chính ở mức cao nhưng đang giảm dần

Với việc đầu tư vào nhiều dự án trong tương lai để cân bằng các loại hình cung cấp điện và nhằm hướng tới phát triển năng lượng tái tạo, PGV liên tục duy trì mức nợ vay cao đã dẫn đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp khá yếu.

Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện qua các năm gần đây. Theo đánh giá rủi ro tài chính doanh nghiệp của Standard & Poor's, các chỉ số FFO/Debt, Debt/EBITDA và Debt/Capital đều có sự cải thiện. Đây có thể được xem là tín hiệu tích cực của doanh nghiệp. Nếu tình hình tài chính tiếp tục được cải thiện trong những năm tới thì PGV rất đáng để nhà đầu tư quan tâm.

Nguồn: VietstockFinance và S&P

Định giá

Người viết sử dụng Market Multiple Models (P/B và P/E) kết hợp DCF Models (RIM) với tỷ trọng tương đương. Chúng ta tính toán được mức định giá hợp lý của PGV là 30,124 đồng.

Như vậy, nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư nếu giá cổ phiếu rơi xuống dưới mức 24,000 đồng (chiết khấu khoảng 20%) cho mục tiêu dài hạn.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI