Kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn khó khăn nhất

Kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn khó khăn nhất

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các tỉnh giàu có nhất “dũng cảm đi đầu” trong việc thúc đẩy tăng trưởng cũng như việc làm. Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế ảm đạm trong tháng 7.

Trước đó, ông Lý Khắc Cường tỏ ra lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời liên tục thúc giục ổn định thị trường việc làm. Sự kết hợp giữa các đợt phong tỏa COVID, khủng hoảng bất động sản và thời tiết khắc nghiệt tạo thành “món salad khó nuốt” trong mắt của các chuyên gia.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Hôm 16/08, ông Lý Khắc Cường bất ngờ xuất hiện tại Thâm Quyến – thủ phủ công nghệ của nước này. Ông đã gặp quan chức hàng đầu của 6 tỉnh để kêu gọi họ hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương và cởi mở hơn với các khoản đầu tư nước ngoài.

"Ở thời điểm này, chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của bình ổn kinh tế", ông cho biết trong cuộc họp. "Chúng ta phải củng cố đà phục hồi kinh tế khẩn cấp, vì thời gian không chờ đợi ai cả".

Sáu tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang, Hà Nam và Tứ Xuyên là “các trụ cột” của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và phải “dũng cảm tiên phong và đóng vai trò chủ chốt trong việc ổn định kinh tế”, ông Lý cho biết.

Các tỉnh này đóng góp 45% GDP Trung Quốc và 40% việc làm. Trong đó, Quảng Đông đang là trung tâm sản xuất, xuất khẩu bậc nhất của Trung Quốc, với GDP 1,900 tỷ USD.

Sự xuất hiện đột ngột của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Thâm Quyến diễn ra sau khi giới chức Tứ Xuyên, trung tâm khai thác lithium và sản xuất hàng điện tử, đề nghị các nhà máy tỉnh này đóng cửa một tuần để duy trì nguồn cung điện cho người dân.

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu giảm tốc. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng công nghiệp tăng 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo là 4.3%. Doanh số bán lẻ tăng 2.7%. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5.7% trong 7 tháng đầu năm, cũng thấp hơn dự báo là 6.2%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi đã lên cao kỷ lục, tại 19.9%, tăng từ 19.3% hồi tháng 6. Đầu tư vào bất động sản giảm 6.4% trong 7 tháng đầu năm. Số nhà xây mới tại 70 thành phố giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 7.

Các chuyên viên phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc yếu đi do chính sách tái phong tỏa vì COVID-19 tại nhiều thành phố. Cuộc khủng hoảng bất động sản càng nhấn chìm nước này.

Trung Quốc hiện cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất 6 thập kỷ, gây thiếu điện tại nhiều nơi. Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến mùa màng nhiều vùng nông nghiệp, khiến giá rau tăng vọt.

Trong cuộc họp hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc thúc giục 6 tỉnh tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong khu vực và giảm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông cũng đề nghị hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn và thúc đẩy tiêu dùng tại địa phương, đặc biệt là với nhóm sản phẩm giá trị lớn như xe hơi hay nhà ở.

NHTW Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ giảm lãi suất chính sách chủ chốt lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022, với mục đích giúp nền kinh tế “gượng dậy” giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản và các đợt bùng phát dịch.

PBoC hạ lãi suất cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm khoảng 10 điểm cơ bản xuống 2.75% trong ngày 15/08. Tất cả 20 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg đều dự báo NHTW sẽ giữ nguyên. Trong khi đó, lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày – cũng là công cụ lãi suất của NHTW – bị giảm từ 2.1% xuống 2%.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FILI