Cổ phiếu L14 bị cắt margin

Cổ phiếu L14 bị cắt margin

Từ ngày 19/08/2022, cổ phiếu của CTCP Licogi 14 (HNXL14) sẽ không được giao dịch ký quỹ.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nguyên nhân do Công ty lỗ ròng bán niên 2022 gần 24 tỷ đồng sau soát xét.

Công văn giải trình của L14 cho biết Công ty rơi vào thua lỗ trong 6 tháng đầu năm do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 63 tỷ đồng, khiến chi phí tài chính tăng vọt từ hơn 136 triệu đồng lên gần 64 tỷ đồng.

Mức lỗ sau soát xét này đã “thu nhỏ” đáng kể so với khoản lỗ ròng hơn 234 tỷ đồng ở báo cáo hợp nhất do L14 tự lập trước đó.

Yếu tố chính khiến khoản lỗ của L14 giảm gần 211 tỷ đồng, chỉ còn lỗ ròng 24 tỷ đồng sau soát xét, đến từ chi phí tài chính với mức giảm 85% so với báo cáo tự lập, từ hơn 418 tỷ đồng xuống còn 64 tỷ đồng.

Chênh lệch này đến từ việc L14 thay đổi mô hình hoạt động và loại báo cáo tài chính. Cụ thể, L14 thay đổi mô hình hoạt động từ có kế toán trực thuộc và công ty con thành đơn vị có kế toán trực thuộc, chuyển loại hình báo cáo tài chính từ báo cáo tài chính riêng của công ty và báo cáo tài chính hợp nhất thành báo cáo tài chính tổng hợp.

L14 cho biết nguyên nhân do công ty con - CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (L14 FI) phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên, người lao động nên tỷ lệ sở hữu của Công ty tại đây giảm từ 51% xuống 48.57%, chuyển từ hình thức công ty con sang công ty liên kết. Ngày bắt đầu có hiệu lực là 18/06/2022.

Trong năm 2021, L14 đã tái cấu trúc CTCP Licogi 14.6 đổi tên thành CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (L14 FI) - đơn vị do L14 nắm 80% vốn và L14 FI đã thực hiện phương pháp đầu tư tài chính từ quý 3 đến hết quý 4/2021.

Theo thông tin từ L14, nhờ công ty con L14 FI đầu tư một số mã cổ phiếu đạt hiệu quả cao đã giúp L14 ghi nhận khoản doanh thu tài chính 379 tỷ đồng trong quý 4/2021, gấp 91 lần cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 376 tỷ đồng là lãi từ đầu tư cổ phiếu. Nhờ vậy, L14 báo lãi đột biến quý 4/2021 và cả năm 2021 ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Tuy nhiên, sang nửa đầu năm 2022, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán “đỏ lửa”, mảng đầu tư tài chính trở thành gánh nặng khi công ty con L14 FI phải tăng mạnh dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh khiến Công ty mẹ L14 lỗ ròng hơn 234 tỷ đồng trong báo cáo hợp nhất tự lập.

Như vậy, có thể thấy việc chuyển đổi hình thức công ty con L14 FI sang công ty liên kết giúp L14 chỉ còn công bố báo cáo tổng hợp, không phải hợp nhất phần dự phòng giảm giá chứng khoán của công ty con L14 FI và kết quả lỗ ròng thu nhỏ còn gần 24 tỷ đồng.

Khang Di

FILI