Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản

Phát biểu tham luận tại ''Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững'', Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay là trong thị trường bất động sản tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở, chung cư, căn hộ ở khu đô thị…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Thứ trưởng Bích Ngọc, trên thực tiễn vấn đề thị trường bất động sản khu vực nghỉ dưỡng cũng như bất động sản công nghiệp cũng có rất nhiều vướng mắc và có những khó khăn riêng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản theo đầu tư mới, hiện có 2 vướng mắc cụ thể như sau:

Thứ nhất, chỉ có các dự án kinh doanh xây dựng nhà để bán kết hợp với cho thuê mới được giao đất, việc bồi thường giải phóng mặt bằng do Nhà nước thực hiện nhưng rất chậm mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có quyền thỏa thuận hoặc thương lượng với người dân.

Thứ 2, các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, gặp nhiều khó khăn, một trong những lý do là không được thỏa thuận trực tiếp với người dân. Thực trạng này dẫn đến việc, nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua phải tìm kiếm các đối tác hoặc không giao nhận chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng một phần dự án bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá bất động sản thời gian vừa qua tăng lên.

Về giá bất động sản, Thứ trưởng cho biết, ngoài các lý do như các ý kiến vừa phát biểu, Bộ KH&ĐT cũng nhận được ý kiến của Hiệp hội bất động sản; hiệp hội bất động sản TPHCM cũng đã phản ánh vấn đề nóng này và nút thắt hiện nay là Luật Nhà ở.

Luật nhà ở quy định chỉ các dự án đất ở hoặc các dự án đất ở là đất khác chuyển mục đích sang đất ở thì mới được thực hiện dự án nhà ở, nội dung này hiệp hội doanh nghiệp bất động sản kiến nghị rất nhiều.

Về nhóm giải pháp trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT cho rằng, trước tiên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản cho phù hợp với thực tiễn.

Tiếp đó, phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ.

Nhóm vấn đề thứ 3 cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách trong lĩnh vực phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ để chính sách này sớm đi vào cuộc sống, góp phần tăng nguồn cung cho bất động sản hiện nay.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phải khắc phục để cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, công khai.

Về lâu dài, cần phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường bất động sản phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Cần quy định chặt chẽ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

Phát biểu thảo luận Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang bày tỏ nhất trí báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng, ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Cần quy định chặt chẽ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Công an trao đổi về nhận diện những vấn đề phức tạp, những hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản.

Về nhận diện những vấn đề phức tạp, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ: Trong thời gian gần đây đã phát sinh một số vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản, có nhiều diễn biến phức tạp, chưa tuân thủ quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.

Chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ phát tự huy động vốn, bán nhà tại dự án bất động sản khi chưa đủ điều kiện; tự ý phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch để giao dịch khi chưa đầy đủ các quy định của pháp luật.

Hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương có những biểu hiện bất thường, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư; công tác thu hồi, bồi thường

Thứ trưởng cũng nêu một loạt hành vi sai phạm trong kinh doanh bất động sản diễn ra trong thời gian qua như: Vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ phát trong huy động vốn, trong bán nhà khi chưa đủ điều kiện theo pháp luật; vi phạm trong quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, đấu thầu, tham nhũng, tiêu cực; sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn, định giá doanh nghiệp không đúng, thấp hơn giá trị thực tế nhiều lần. Nhiều tài sản có giá trị không được đưa vào để tiến hành cổ phần hóa. Doanh nghiệp nhà nước được giao chủ đầu tư có lý do chủ quan, khách quan, liên kết với doanh nghiệp tư nhân, sau đó thoái một phần vốn, bản chất từ công chuyển thành tư.

Chủ đầu tư dự án thường chia nhỏ dự án để lách luật; việc chấp thuận chủ trương đầu tư khi chưa được đăng ký trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở; thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; phê duyệt, điều chỉnh, thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết không phù hợp quy hoạch phân khu; phá vỡ quy hoạch phân khu và quy hoạch chung.

Lợi dụng các quy định của pháp luật về lĩnh vực quy hoạch đô thị mang tính mở, nên các chủ đầu tư thường móc nối xin phê duyệt, sau đó xin điều chỉnh, nhưng không thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Các đối tượng móc nối áp dụng cách tính tiền không đúng quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư xin điều chỉnh bổ sung, sau đó thay đổi công năng, không nộp tiền sử dụng đất.

Chủ đầu tư xây dựng không phép, sai quy hoạch; các đối tượng thực hiện các dự án móc nối để lập danh sách khống để đăng ký mua tài sản đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia các hoạt động bán đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá, nâng giá; can thiệp trái pháp luật các hoạt động đấu thầu, thông thầu; gian lận, cản trở hoạt động đấu thầu, vi phạm các quy định của pháp luật; chuyển nhượng thầu trái phép.

Các đối tượng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ban hành những quyết định không đúng quy định của Luật Xây dựng, Luật Thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu công trình trái với quy định của Luật Xây dựng. Lựa chọn nhà thầu, giàn xếp làm sai lệch kết quả. Trong hoạt động quản lý, lợi vụ chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi phạm các quy định, chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, hoặc tư vấn thiết kế, quyết định đầu tư;  các dự án vi phạm những quy định của Bộ Luật hình sự.

Từ những nhận diện trên, Bộ Công an triển khai công tác phòng ngừa, xử lý chống thất thu cho Nhà nước. Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, các Nghị định hướng dẫn cần khắc phục các bất cập.

Đối với sửa đổi Luật Đất đai cần quy định chặt chẽ trong chuyển đổi mục đích sử dụng. Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung những quy định pháp luật theo hướng quy định chặt chẽ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thuế.

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ với lĩnh vực cho vay bất động sản, bảo lãnh. UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, bảo đảm cung cầu, hài hòa lợi ích phát triển kinh tế với môi trường sống của người dân; công khai quy hoạch xây dựng. Phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng; công tác quản lý, quy hoạch cấp phép các dự án, quản lý các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát, có kế hoạch cải tạo các khu chung cư, khu tập thể cũ, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân. Tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các thủ tục về trình tự thủ tục đầu tư, huy động vốn, mua bán dự án tuân thủ các quy định.

Nhật Quang

FILI