Những tín hiệu ảm đạm đầu tiên của ngành thép: Ba doanh nghiệp báo lãi giảm 90%

Những tín hiệu ảm đạm đầu tiên của ngành thép: Ba doanh nghiệp báo lãi giảm 90%

Cách đây không lâu, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long báo hiệu ngành thép sắp tới sẽ “thê thảm” và báo cáo tài chính vừa công bố của các doanh nghiệp thép đã phần nào xác nhận cho điều này.

Giai đoạn từ tháng 4-6/2022, CTCP Thép Mê Lin (HNX: MEL), CTCP Gang thép Cao Bằng (UPCoM: CBI) và CTCP Gang Thép Thái Nguyên (HOSE: TIS) chứng kiến lãi ròng giảm mạnh tới 90% so với cùng kỳ, trong bối cảnh ngành thép bước sang bên kia sườn dốc. Đằng sau đó là sự tụt dốc về doanh thu lẫn biên lãi gộp.

Nguồn: Vietstockfinance. Đvt: Tỷ đồng đối với doanh thu và lợi nhuận.

Thành tích ảm đạm trên được đặt trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh. Theo báo cáo từ SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép đã chững lại trong vài tháng gần đây, với sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4-5/2022 giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, giá thép cũng lao dốc nhanh chóng. Trong đó, giá thép xây dựng đã trải qua 9 lần giảm liên tiếp trong hơn 1 tháng qua xuống vùng 16 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Việt Nam cũng lao dốc xuống 650 USD/tấn.

Giá thép giảm dẫn đến sự giảm mạnh về biên lãi gộp của doanh nghiệp thép. Trong quý 2/2022, biên lãi gộp của MEL, CBI, TIS giảm xuống các mức tương ứng 8.4%, 7.7% và 1.5%, trong khi cùng kỳ đến 17.5%, 17% và 12.9%.

Một điều cũng đáng ngại là lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép nêu trên vẫn còn khá cao tại cuối quý 2/2022. TIS đang nắm giữ hơn 2,000 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng mạnh 43% so với đầu năm, trong khi MELCBI giảm nhẹ xuống tương ứng 463 tỷ và 396 tỷ.

Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: VietstockFinance

Với việc giá thép nới dài đà giảm và nhu cầu chưa có dấu hiệu hồi phục, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự ảm đạm sẽ còn tiếp diễn trong những quý tới.

Vũ Hạo

FILI