Nhịp đập Thị trường 27/07: Kéo cuối phiên, khối ngoại gom thỏa thuận KDC

Nhịp đập Thị trường 27/07: Kéo cuối phiên, khối ngoại gom thỏa thuận KDC

VN-Index kết thúc tại mức điểm số cao nhất trong ngày với lực nâng đỡ chủ yếu đến từ ngành ngân hàng (VCB, CTG, LPB), bất động sản (VIC, DXG, DIG).

Giá trị giao dịch tại HOSE đang dần tiến đến mức “bình thường mới” quanh 10 ngàn tỷ đồng. Người tham gia thị trường phải làm quen với một trạng thái bình ổn, ít sôi động hơn nhiều so với những ngày bùng nổ trước đây.

Đáng chú ý, khối ngoại đột ngột mua ròng lớn trong phiên chiều, chủ yếu liên quan đến KDC (+1.08%). Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua thỏa thuận xấp xỉ 9.55 triệu cp KDC với giá trị 619 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG lại bị bán ròng mạnh bởi khối ngoại với giá trị gần 166 tỷ đồng.

Sóng gió với ngành thép dường như vẫn chưa dứt khi hàng loạt doanh nghiệp công bố lợi nhuận suy giảm, giá cổ phiếu tuột dốc và khối ngoại bán ròng. Sự suy yếu của ngành thép cũng chính là nguyên do khiến cho ngành tài nguyên cơ bản trở thành quả tạ đè nặng khả năng tăng điểm của VN-Index trong phiên hôm nay.

14h: Đảo chiều tăng điểm

VN-Index đảo chiều từ giảm điểm sang tăng điểm vào đầu phiên chiều. Các nhóm ngành nổi bật như bất động sản, ngân hàng, xây dựng đều đã lấy lại sắc xanh.

Mặc dù chỉ số không tăng cách xa đáng kể so với mức tham chiếu nhưng đây cũng là dấu hiệu khả quan trong một ngày giao dịch trầm lắng. Giá trị giao dịch tại HOSE tính đến 14h04 chỉ là 8 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu thép vẫn ngụp lặn bên dưới mốc tham chiếu. Đến 14h05, HPG (-1.8%) đã là mã kéo lùi mạnh nhất lên VN-Index. Ngành tài nguyên cơ bản (thép chiếm tỷ trọng lớn) cũng là ngành tác động tiêu cực nhất lên chỉ số đại diện thị trường.

Ngân hàng là ngành đóng góp tích cực nhất đối với VN-Index, nhưng sự thực là các mức tăng của các mã cổ phiếu không quá lớn và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.

Phiên sáng: Vững mốc 1,180 điểm

Mức giảm của VN-Index co hẹp lại về cuối phiên sáng khi ngành chứng khoán duy trì được sắc xanh và ngành bất động sản bớt tiêu cực.

Giá trị giao dịch tại HOSE kết phiên chỉ ở mức gần 5.1 ngàn tỷ đồng, đối với VN30 là gần 1.5 ngàn tỷ đồng và tại HNX là xấp xỉ 496 tỷ đồng.

Sau 5 ngày mua ròng liên tiếp thì khối ngoại có dấu hiệu chững lại trong phiên sáng nay khi bán ròng gần 36 tỷ đồng trên tổng thể tam sàn. Dù vậy, giá trị bán ròng không quá lớn nên chưa thể hiện nhiều điều.

Điểm tích cực là chỉ số VN-Index vẫn giữ vững mốc 1,180 điểm trong phiên sáng nay. Đáng chú ý trong một buổi sáng kém vui của ngành ngân hàng thì cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là VCB (+1.22%) lại tăng giá tích cực. VCB cũng là mã nâng đỡ điểm số cho VN-Index xếp thứ hai ngay sau VIC.

Dù cổ phiếu VIC khả quan trong phiên sáng nay thì nhà đầu tư nắm giữ mã này cũng khó mà nở nụ cười, bởi lẽ VIC đã giảm trên 15% kể từ đầu tháng 6 đến nay và nếu tính từ đầu năm 2022 thì đã giảm gần 30%.

10h30: Thanh khoản èo uột

VN-Index nới rộng mức giảm lên 5.8 điểm tính đến 10h39. Thị trường không có nhiều chuyển biến đáng kể so với đầu phiên sáng. Điểm đáng chú ý là thanh khoản sàn HOSE tiếp tục heo hút.

Ngành chứng khoán lấy lại sắc xanh nhờ sự khởi sắc của các mã cổ phiếu vốn hóa trung bình trong ngành như MBS, FTS, BSI,… trong khi hai mã đầu ngành là SSI, VND vẫn đỏ giá.

Cổ phiếu dầu khí chứng kiến một phiên sáng không mấy sáng sủa. Sắc đỏ được nhìn thấy tại nhóm cổ phiếu đầu ngành như PLX (-1.35%), GAS (-0.67%), nhóm vốn hóa thấp hơn như OIL (-0.82%), PVS (-0.88%), PVD (-1.81%) cho đến cả cổ phiếu của doanh nghiệp vừa báo lãi kỷ lục như BSR (-1.63%).

Thanh khoản trong phiên sáng nay ở mức thấp, tương đương cùng thời điểm phiên trước đó. Giá trị giao dịch tại HOSE đến 10h45 chỉ đạt 3.85 ngàn tỷ đồng, tại HNX là gần 380 tỷ đồng. Thị trường dường như đang đi qua mùa báo cáo kết quả kinh doanh với một trạng thái tâm lý khá trầm lắng. Giới giao dịch tỏ ra không mấy vui với những con số tăng trưởng kỷ lục, và chiều ngược lại cũng chẳng buồn lòng nhiều với những mức sụt giảm mạnh.

Tính đến 10h48, sắc đỏ thắng thế trên tổng thể tam sàn với 421 mã giảm trong khi sắc xanh chỉ hiện diện tại 193 mã. Ngoài ra, toàn thị trường cũng có 11 mã tăng trần và 13 mã giảm kịch biên độ.

Mở cửa: Ngành thép rớt giá

Thị trường đối diện sắc đỏ ngay đầu phiên. Các chỉ số đại diện đều giảm điểm nhẹ.

Hầu hết các nhóm ngành đều giảm. Trong đó, đáng chú ý có bộ ba ngân hàng - bất động sản - chứng khoán.

Cổ phiếu thủy sản - mà cụ thể là ngành cá tra - tiếp tục chứng kiến phiên giảm điểm. Trong tháng 7 này, các cổ phiếu VHC, ANV, ACL, IDI là một trong những nhóm chứng khoán rớt giá mạnh nhất tại HOSE, giữa bối cảnh triển vọng môi trường kinh doanh của ngành xuất khẩu cá tra có dấu hiệu bớt đi sự thuận lợi so với thời điểm trước.

Một gương mặt đáng chú ý là HPG với việc mất giá 2.31% tính đến 9h24, trở thành mã tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. Cổ phiếu "vua" ngành thép đối diện áp lực sau khi doanh nghiệp công bố con số kết quả kinh doanh suy giảm mạnh so với cùng kỳ. Trên bình diện toàn ngành, một loạt các mã cổ phiếu thép khác cũng có số phận tương tự, có thể kể đến như NKG (-2.57%), HSG (-2.41%), SMC (-2.33%), TLH (-4.27%)…

Ngân hàng, tài nguyên cơ bản (liên quan đến thép) và dịch vụ tài chính là ba ngành gây áp lực lớn nhất lên khả năng tăng điểm của VN-Index tính đến 9h29.

Thừa Vân

FILI