Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược nào trong bối cảnh giá dầu, hàng hóa tăng cao?

Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược nào trong bối cảnh giá dầu, hàng hóa tăng cao?

Trong chương trình Talkshow kỳ 10 với chủ đề: “Cơ hội phục hồi và ẩn số 'vàng đen'” hôm 30/06/2022 do Báo Đầu tư tổ chức, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research, HOSE: SSI) đã chia sẻ một số nhận định về triển vọng các ngành cũng như chiến lược giao dịch dành cho các nhà đầu tư.

Bà Hoàng Việt Phương

Cần theo dõi diễn biến giá dầu

Trong ngắn hạn, đối với cổ phiếu dầu khí, bà Phương khuyến nghị nhà đầu tư cần bám theo diễn biến giá dầu, đồng thời phải thay đổi phương pháp quản trị rủi ro. Vì ngay từ đầu, khi mua cổ phiếu, chúng ta đã phải xác định là giá mục tiêu là gì, muốn bán bao nhiêu cũng như xác định mức lỗ nhất định.

Còn trong dài hạn, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ yếu tố cơ bản hàng ngày như cung cầu, biến động giá… để tìm ra lý do vì sao giá dầu biến động theo hướng tích cực trong thời gian tới. Nếu giá dầu giảm trong quý sau nhưng vẫn ở mức cao, bức tranh lợi nhuận sẽ còn sáng sủa nếu so với tương quan các ngành khác.

Tiếp đến, bà Phương đưa ra khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường như ngân hàng, chứng khoán và thép – vốn đã có những biến động tăng giảm mạnh trong thời gian qua. Trong đó, thép là ngành liên quan đến hàng hóa, giá đã đạt đỉnh và có sự điều chỉnh.

Theo đó, nhà đầu tư khi quan tâm đến việc xuống tiền hoặc bán cần để ý đến chu kỳ của cổ phiếu và doanh nghiệp. Chu kỳ hiện tại đã ngắn hơn so với trước kia, khoảng 2-3 năm. Nếu đang ở đỉnh chu kỳ và vẫn trên đà đi xuống, cơ hội sẽ hạn chế và nhà đầu tư nên tìm kiếm ở nhóm ngành khác.

Chu kỳ của nhóm ngân hàng và chứng khoán được nhận định có phần khác biệt – như ngân hàng là ngành tốt khi nền kinh tế tăng tốc, và ngược lại cần tránh nếu nền kinh tế đang suy thoái.

Bà Phương cho rằng chu kỳ của cổ phiếu là yếu tố giúp nhà đầu tư xác định khi muốn nắm giữ dài hạn. Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể áp dụng phân tích kỹ thuật nhằm xác định khoảng thời gian cổ phiếu bị quá bán và tìm kiếm thời điểm mua vào sinh lời với biên lợi nhuận 10-20%.

Lợi nhuận ngành dầu khí và vận tải biển sẽ tốt trong quý 3

Về triển vọng trong quý 3/2022, bà Phương nhận định những ngành có triển vọng tích cực là nhóm có liên quan đến giá hàng hóa hoặc đứt gãy nguồn cung – như dầu khí, vận tải biển. Nhóm này được kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng tốt, nhất là trong bối cảnh giá cước tàu vẫn ở mức cao.

Các nhóm ngành khác sẽ có những ảnh hưởng nhất định bởi chi phí đầu vào tăng dẫn đến ép biên lợi nhuận giảm xuống.

Tuy nhiên đối với nhóm ngân hàng – vốn có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, bà Phương cho rằng sẽ tương đối khó nhận định vì áp lực cho nhóm này từ đợt dịch COVID-19 vừa qua đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã chủ động trích lập dự phòng nợ xấu rất nhiều. Bởi vậy, rủi ro của ngành ngân hàng có thể mang tính dài hạn hơn, khiến bức tranh lợi nhuận quý 3, 4 sẽ tương đối “thú vị”.

Đối với ngành thủy sản – nhóm có biến động tăng giảm mạnh trong tuần qua, bà Phương cho biết ngành này có độ biến động rất lớn, cần xác định đỉnh lợi nhuận nằm ở quý nào. Giá cá xuất khẩu đang ở mức cao, dự kiến duy trì trong quý 3 tới. Tuy nhiên, mức giá này có thể mang tính chu kỳ, khó kỳ vọng kéo dài lâu và xu hướng lợi nhuận sẽ đi theo xu hướng của giá bán. Nhà đầu tư cần cân nhắc thời điểm chốt lời hợp lý, và việc giá biến động thất thường có thể phản ánh kỳ vọng lợi nhuận tốt trong quý tới hoặc sẽ chậm dần, tương tự như biến động ngành thép.

Hồng Đức

FILI