Một cá nhân trở thành cổ đông lớn của KPF

Một cá nhân trở thành cổ đông lớn của KPF

Bà Thái Thị Hải Yến đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSEKPF) sau khi mua 1.15 triệu cp KPF vào ngày 26/07/2022.

Sau giao dịch, bà Yến nâng sở hữu tại KPF từ 2.46 triệu cp (4.04%) lên 3.61 triệu cp (5.93%).

Diễn biến giá cổ phiếu KPF từ năm 2021 đến phiên 27/07/2022

Kết phiên giao dịch 26/07, giá cổ phiếu KPF dừng tại mức 10,500 đồng/cp, giảm 44% so với đầu năm 2022. Chiếu theo mức giá này, ước tính bà Yến đã chi hơn 12 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 2/2022, KPF ghi nhận doanh thu thuần chỉ hơn 4 tỷ đồng, giảm đến 90% so với cùng kỳ. Theo đó, Công ty thu về lãi ròng hơn 20 tỷ đồng, giảm 52%.

Theo giải trình của KPF, nguyên nhân khiến lợi nhuận ròng quý 2 giảm hơn phân nửa do Công ty đã thoái một phần vốn tại công ty con là CTCP TTC Deluxe Sài Gòn nên thu nhập hoạt động kinh doanh giảm đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, KPF đạt hơn 8 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 23 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 81% và 49% so cùng kỳ.

Năm 2022, KPF lên kế hoạch đem về 450 tỷ đồng tổng doanh thu và 205 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt gấp gần 4 lần và 2.7 lần năm trước. Trong đó, 80% doanh thu sẽ đến từ hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản và 20% đến từ đầu tư tài chính và cơ cấu tài sản.

So với kế hoạch, Công ty mới thực hiện được hơn 11% mục tiêu lợi nhuận sau thuế sau 6 tháng.

Tổng tài sản KPF tại ngày 30/06/2022 đạt hơn 780 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 58%, còn hơn 399 tỷ đồng, do Công ty không còn ghi nhận khoản phải thu về cho vay ngắn hạn gần 285 tỷ đồng từ ông Võ Văn Hải và 308 tỷ đồng từ bà Nguyễn Ngọc Quyên.

Đáng chú ý, Công ty phát sinh mới hơn 167 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và đầu tư tài chính dài hạn cao gấp 3.1 lần đầu năm.

Về nguồn vốn, nợ phải trả đến cuối kỳ giảm 31%, xuống còn gần 11 tỷ đồng, do Công ty đã xử lý xong 300 tỷ đồng phải trả dài hạn khác.

Khang Di

FILI