Giám đốc điều hành VinaCapital: Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng khi đầu tư chứng khoán tại Việt Nam

Trong hơn 20 năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong sự chuyển mình lớn mạnh của nền kinh tế đất nước. Cùng người viết ngồi lại để nghe những chia sẻ về thời gian đồng hành cùng TTCK Việt Nam từ những ngày đầu dưới góc nhìn của nhà đầu tư ngoại - ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital.

Ông có thể chia sẻ những cảm xúc khi VinaCapital tham gia vào TTCK Việt Nam? Triết lý đầu tư của VinaCapital khi đầu tư vào TTCK Việt Nam là gì?

Ông Andy Ho: VinaCapital được thành lập từ năm 2003 với quy mô vốn 10 triệu USD để quản lý quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF). VOF hiện đang niêm yết tại TTCK London, Vương quốc Anh. Đây là quỹ đầu tiên mà VinaCapital quản lý với các danh mục đầu tư bao gồm cổ phiếu niêm yết, cổ phần tư nhân, hạ tầng và bất động sản.

Sau khủng hoảng kinh tế, trong giai đoạn đầu những năm 2000, việc huy động vốn khó khăn do ít nhà đầu tư (NĐT) muốn rót tiền vào châu Á. Nhưng vào thời điểm đó, TTCK Việt Nam được thành lập và một số doanh nghiệp Việt Nam có tầm nhìn cởi mở hơn.

Điều khiến chúng tôi ấn tượng là những lần đầu tiếp xúc với các NĐT ở châu Âu và Mỹ để kêu gọi họ đầu tư vào Việt Nam cùng VinaCapital. Họ đều là NĐT lớn nhưng chưa đến hoặc lâu không trở lại Việt Nam, và câu hỏi đầu tiên của họ là: “Việt Nam đã hòa bình chưa, ổn định chưa?”.

Chúng tôi đã phải trình bày và dẫn chứng việc các tập đoàn, định chế tài chính quốc tế đã có mặt tại Việt Nam để tạo sự an tâm cho họ. Nhưng tình hình chung lúc đó khá khó khăn bởi kinh tế thế giới vẫn chịu ảnh hưởng kéo dài từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. TTCK Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn non trẻ, quy mô chưa thể so sánh với các thị trường lân cận trong khu vực.

Tuy nhiên, VinaCapital luôn có niềm tin vững chắc vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam và đó cũng là nền tảng cho triết lý đầu tư lâu dài và bền vững của chúng tôi. Trong hơn 19 năm đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam, VinaCapital đã trở thành một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản quản lý khoảng 4 tỷ USD.

Trong tháng 5 vừa qua, tổ chức VinaCapital Foundation do chúng tôi khởi xướng cũng vừa đạt cột mốc cứu sống 9,000 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Đây đều là những thành tựu rất đáng tự hào.

Đến hôm nay, ông đánh giá TTCK có những thay đổi nào lớn so với 20 năm trước?

Trong hơn 20 năm qua, TTCK Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong sự chuyển mình lớn mạnh của nền kinh tế đất nước. Bản thân tôi cũng không thể hình dung rằng thị trường đã phát triển mạnh mẽ như vậy.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam niêm yết từ chỗ chỉ có một vài công ty với vốn hóa thị trường hơn 500 triệu USD, chiếm 1.2% GDP vào năm 2005 theo thống kê của UBCKNN, hiện đã tăng gần 500 công ty với vốn hóa thị trường đạt 90% GDP của Việt Nam tính đến 31/12/2021, tương đương với các nước trong khu vực. Giá trị tài sản do VinaCapital quản lý cũng đã tăng trưởng vượt bậc từ 10 triệu USD vào năm 2003 lên mức 4 tỷ USD như hiện tại.

TTCK Việt Nam dần trưởng thành về hệ thống giao dịch, thanh toán, hoạt động an toàn và hiện đại; số lượng nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài không ngừng gia tăng; từng bước hội nhập sâu rộng vào thị trường vốn khu vực và toàn cầu. Với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực quản lý tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài, VinaCapital đã tiên phong giới thiệu các quỹ đầu tư nội địa dành cho nhà đầu tư Việt Nam, mang đến cho họ cơ hội gia tăng tài sản cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước.

Năm 2020, ông đã viết và xuất bản cuốn sách “Crossing The Street” về những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình gần 20 năm đầu tư tại Việt Nam. Động lực nào đã thôi thúc ông hoàn thành cuốn sách đầy thông tin giá trị như vậy?

Cuối năm 2018, tôi được gợi ý viết một cuốn sách về hành trình tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tôi nhận thấy đây là dịp tốt để chia sẻ với mọi người những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân mà không phải ai cũng được trải nghiệm. Quan trọng hơn, cuốn sách này cho tôi cơ hội ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến những người đã luôn bên cạnh và hỗ trợ tôi trong suốt chặng đường đáng nhớ đã qua.

VinaCapital tuy không phải là điểm đến đầu tiên của tôi khi trở lại Việt Nam vào năm 2004, nhưng đây chính là nơi đã mang đến cho tôi phần lớn kiến thức được chia sẻ trong cuốn sách “Crossing The Street”.

Tại VinaCapital, tôi được thực hành những kỹ năng quan trọng quyết định sự thành công của một nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp, được trải nghiệm thực tế sự vận động của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong gần 20 năm qua. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm rất giá trị mà tôi muốn gửi đến các nhà quản lý trẻ thông qua cuốn sách. Họ sẽ là thế hệ tiếp nối, đồng hành cùng Việt Nam phát triển phồn vinh và mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào? Đâu là điều mà khối ngoại quan tâm và mong muốn nhất? Đâu là những rủi ro?

Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là một điểm đến tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài và TTCK sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn dành cho họ. Ngay cả các dự báo tăng trưởng GDP đã điều chỉnh do tác động của COVID-19 cũng đánh giá Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và thế giới. Rõ ràng cơ hội đầu tư là rất lớn, nhưng để thành công sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực, nhanh nhạy tận dụng cơ hội và vượt qua những thử thách.

Riêng với nhà đầu tư nước ngoài, chắc chắn việc đầu tư vào Việt Nam cũng giống như bất kỳ thị trường cận biên hay mới nổi nào khác, đều sẽ đi kèm rủi ro. Vì thế, điều đầu tiên mà VinaCapital luôn nhắc nhở các nhà đầu tư nước ngoài là họ cần có một tầm nhìn dài hạn, bởi kiên nhẫn sẽ là yếu tố quan trọng khi tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Kế đến, nhà đầu tư cần thẩm định kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể được điều hành một cách chuyên biệt, do đó, hiểu rõ tình hình doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, quyền sở hữu công ty, quyền sử dụng đất đai, mối quan hệ khách hàng… sẽ là điều cực kỳ quan trọng và không thể thiếu. Mỗi quốc gia có một quỹ đạo phát triển riêng với cách làm việc riêng của họ. Các nhà đầu tư thành công thường hiểu rõ thị trường và biết điều chỉnh chiến lược đầu tư của họ sao cho phù hợp nhất.

Cuối cùng, nhà đầu tư nước ngoài luôn cần một đối tác địa phương đáng tin cậy, có kinh nghiệm, mạng lưới, hiểu rõ cách làm việc, văn hóa và con người tại Việt Nam.

Trong 2 năm qua, lượng nhà đầu tư F0 gia tăng mạnh mẽ và cũng là yếu tố dẫn dắt dòng tiền, điểm số trên thị trường. Ông nhìn nhận lớp nhà đầu tư F0 này như thế nào? Họ có khác gì so với những nhà đầu tư kỳ cựu? Là người đi trước, ông có thể đưa ra lời khuyên nào cho thế hệ F0?

Dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong vài năm gần đây, số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 5% dân số cả nước. Làn sóng nhà đầu tư cá nhân hiện nay được thúc đẩy bởi mức lãi suất giảm và thu nhập doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Đó là bước tiến mới trong sự phát triển của TTCK Việt Nam mà tôi dự đoán sẽ diễn ra trong suốt những thập niên tới.

Dưới góc độ đầu tư, tôi khuyên các nhà đầu tư cá nhân nên xem TTCK là kênh đầu tư nghiêm túc, dài hạn, vì vậy họ cần quan tâm đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 90% trên thị trường và số giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo nhà đầu tư định chế. Điều này khác thường so với thế giới, bởi khi nhà đầu tư định chế tham gia nhiều hơn nhà đầu tư cá nhân thì hoạt động đầu cơ, bơm thổi giá mới được giảm thiểu.

Giống như mọi ngành nghề, thị trường tài chính cần có sự chuyên môn hóa. Nếu nhà đầu tư cá nhân chưa có kiến thức chuyên môn hoặc không có nhiều thời gian để theo dõi thị trường thì nên tận dụng nguồn lực từ các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để ủy thác đầu tư.

Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ mang đến giá trị cộng thêm cho nhà đầu tư cá nhân, bởi họ là các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu các yếu tố vi mô, vĩ mô để chọn ra danh mục cổ phiếu tốt. Đồng thời, các quỹ đầu tư cũng có thể đáp ứng được từng khẩu vị rủi ro khác nhau với nhiều danh mục hợp lý, giúp tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường gần đây biến động khá mạnh nếu không muốn nói là điều chỉnh sâu sau khi chạm đỉnh kỷ lục. Ông đánh giá thời điểm này có nên bắt đáy không? Cá nhân ông đã có những hành động nào?

VinaCapital có tầm nhìn, mục tiêu đầu tư dài hạn và chúng tôi lạc quan, tin tưởng vào sự phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam. Thị trường ghi nhận sự sụt giảm gần đây sau một số sự kiện riêng lẻ. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là khối ngoại, họ nhìn nhận điều này là tín hiệu tốt cho dài hạn. Tính từ đầu năm đến ngày 30/05/2022, khối ngoại đã bán ròng khoảng 150 triệu USD. Nhưng nếu tính từ đầu tháng 4 - thời điểm thị trường bắt đầu giảm - cho đến nay thì khối ngoại đã mua ròng khoảng 150 triệu USD.

Các nhà đầu tư định chế đánh giá TTCK Việt Nam đang được định giá thấp. Tính đến ngày 30/05/2022, VN-Index đang ở vùng định giá hấp dẫn với P/E dự phóng chỉ khoảng 11 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm lịch sử. Đây là điều ít khi xảy ra trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì thế, khi thị trường biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì VinaCapital vẫn khuyên nhà đầu tư nên bình tĩnh và thấy đó là cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá tốt hơn.

Đến hết tháng 5 năm nay, các quỹ mở do VinaCapital quản lý tiếp tục dẫn đầu thị trường và các nhóm quỹ cùng loại về lợi nhuận và tăng trưởng trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động khó lường. Cụ thể, quỹ mở trái phiếu VFF giữ vị trí dẫn đầu toàn thị trường và dẫn đầu nhóm quỹ cùng loại với lợi nhuận 3.6%. Quỹ mở cân bằng VIBF dẫn đầu nhóm quỹ cùng loại với lợi nhuận 0.43%. Các quỹ mở cổ phiếu VESAF và VEOF của chúng tôi cũng duy trì vị trí thứ nhất và thứ ba trong nhóm quỹ cùng loại trên thị trường.

Sau hơn 20 năm “chinh chiến” trên thị trường, theo ông, để TTCK phát triển bền vững hơn thì cần thêm yếu tố nào?

Tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam luôn song hành với sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như vị thế của đất nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Để phát triển kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục phát huy nội lực nhằm thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp phục vụ xây dựng đất nước. Trong các yếu tố chuẩn bị, có hai yếu tố cần được quan tâm hàng đầu là kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội cũng như yếu tố chỉ số thuận lợi kinh doanh.

Sự kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, thành phố sẽ giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí. Yếu tố về chỉ số thuận lợi kinh doanh đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn. Vì vậy, việc cải cách hành chính tốt sẽ là tiền đề để thu hút nguồn vốn ngoại.

Các yếu tố nêu trên nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và người dân sẽ hưởng lợi. Chỉ cần TTCK Việt Nam thăng hạng thành công, chúng ta hoàn toàn có thể thu hút thêm hàng tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp mới cho đất nước, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững. Tôi tin tưởng TTCK sẽ tiếp tục phát triển trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và trở thành một kênh đầu tư tài sản bền vững cho người Việt.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.

Cát Lam

FILI

Tin cùng chuyên mục