WB: Thiếu hụt những hàng hóa thiết yếu sẽ tác động đến đà phục hồi kinh tế của Campuchia

WB: Thiếu hụt những hàng hóa thiết yếu sẽ tác động đến đà phục hồi kinh tế của Campuchia

Tình trạng thiếu hụt những hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu làm gián đoạn hoạt động sản xuất có thể tác động đến đà phục hồi kinh tế của Campuchia, Báo cáo dự báo kinh tế toàn cầu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.

Theo báo cáo của WB, Campuchia là một trong những quốc gia nhập khẩu tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ đối mặt với nguy cơ nợ cao, lãi suất gia tăng và phục hồi kinh tế yếu ớt.

Theo báo cáo, tác động kinh tế thường tập trung vào những nước cần tài trợ nước ngoài nhiều như Campuchia, Fiji, Malaysia, Mông Cổ và Timor-Leste.

Tình hình chiến sự dai dẳng tại Ukraine và bất ổn địa chính trị leo thang có thể tiếp tục làm giảm niềm tin toàn cầu và khiến xuất khẩu trong khu vực giảm sâu hơn dự báo. Báo cáo cũng cho biết thêm, nhu cầu toàn cầu vẫn yếu, chi phí vận chuyển vẫn tăng trong khi dòng chảy thương mại lại bị bóp méo.

Quốc Vụ khanh thường trực Bộ Tài chính Campuchia, ông Vongsey Visoth, gần đây cho biết Chính phủ đang tiếp tục giảm chi phí logistics tại Vương quốc. Công việc này được thực hiện thông qua các biện pháp cải cách theo nhóm dịch vụ và mang tính hệ thống như đã được xác định trong các chương trình và khung chiến lược giúp vực dậy và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Campuchia.

Theo nghiên cứu do nhóm WB thực hiện, chi phí logistics tại Campuchia vẫn ở mức cao và không ổn định. Nguyên nhân là do chi phí giao dịch và vận chuyển cao cộng thêm những khoản phí không chính thức và cả các vấn đề về kết nối.

Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị về ngắn hạn và trung hạn. Chẳng hạn, giám sát tính hiệu quả của các cổng thương mại; thiết lập hệ thống báo cáo; thúc đẩy vận tải đường sắt; tăng cường hiệu quả của hoạt động kiểm tra sau thông quan; tạo thuận lợi cho việc quá cảnh hàng hóa... 

Theo báo cáo của WB, tổng thu nhập quốc nội (GDP) thực của Campuchia theo giá thị trường được dự báo đạt 4.5% trong năm 2022, tăng 1.5% so với mức dự báo 3% hồi năm 2021. Mức GDP được dự báo trong năm 2023 và 2024 lần lượt là 2.8% và 6.6%.

Dự báo tăng trưởng GDP của WB với những cập nhật thường xuyên dựa trên thông tin mới và những tình huống toàn cầu đang thay đổi.

Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Tài chính, kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 5.6% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Campuchia sẽ đạt từ 5.1 - 6.2% trong năm tới. 

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 5.3% trong năm 2022 và 6.5% trong năm 2023. Xu hướng tăng trưởng tại các nền kinh tế đối tác thương mại chính của Campuchia sẽ là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ cho xuất khẩu thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Vương quốc.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Campuchia hiện đang ở mức thấp nhất trong số các quốc gia đang phát triển tại châu Á. Tỷ lệ này được kỳ vọng đạt đỉnh 38.1%  vào năm 2028 và lùi lại mức gần 37% vào năm 2030, thấp hơn ngưỡng rủi ro trung bình 3 điểm phần trăm, theo ADB.

Trước đây, Campuchia từng duy trì mức nợ công nước ngoài ở mức thấp trung bình 30% GDP (khoảng 8.8 tỷ USD). Tuy nhiên, đến năm 2020, đà sụt giảm kinh tế và chính sách ứng phó tài chính đã đẩy tỷ lệ này tăng thêm 7%.

Khai Tâm (The Khmer Times)

FILI