Góc nhìn 21/06: Rủi ro giảm điểm hiện hữu

Bài cập nhật 

Góc nhìn 21/06: Rủi ro giảm điểm hiện hữu

Các công ty chứng khoán (CTCK) dự báo khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới

Dòng tiền có xu hướng ủng hộ đà giảm

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Việc chứng khoán Việt Nam có thể giảm xuống ngưỡng 1,160-1,180 khi Fed tăng lãi suất 0.75% được dự báo từ trước. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong thời gian này khi dòng tiền đang có xu hướng ủng hộ đà giảm của thị trường.

Kiểm định vùng hỗ trợ 1,170 - 1,180

CTCK Asean (Aseansc): Thị trường phiên 20/06 ghi nhận một phiên giảm điểm khá mạnh do áp lực giải chấp gia tăng, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá nhưng vẫn cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế.

Do đó, Aseansc cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,170 - 1,180 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,150 - 1,160 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Đợi đợt bán tháo kết thúc

CTCK Đông Á (DAS): Cổ phiếu bị bán tháo manh trong phiên 20/06 khi hầu hết các nhóm ngành đều giảm sâu. Chỉ số VN-Index rơi khỏi vùng hỗ trợ 1,200 điểm, thể hiện tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư, lực bán mạnh nhưng khả năng hấp thụ không tăng nên thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình.

Rủi ro các tài khoản sử dụng đòn bẩy có thể bị gọi kỹ quỹ trong các phiên tới sẽ làm cho thị trường chưa thể phục hồi. Trước các diễn biến bất lợi như trên, nhà đầu tư nên thận trọng, quản lý rủi ro tài khoản ở mức an toàn, chờ đợi đợt bán tháo kết thúc và giao dịch trở nên cân bằng hơn.

Rủi ro phá đáy cao

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Với tín hiệu sụt giảm về cuối phiên 20/06, chỉ số đã chính thức đánh mất vùng hỗ trợ gần quanh 1,200. Đây cũng là vùng then chốt có vai trò quyết định đến khả năng bảo toàn được vùng đáy ngắn hạn quanh 1,15x. Vì vậy, rủi ro phá đáy đang tăng lên mức cao và trong kịch bản đó, VN-Index sẽ tiếp tục hướng xuống vùng hỗ trợ mạnh kế tiếp tại quanh 1,120 (+/-20).

Nhà đầu tư nên chờ chỉ số phá đáy, rơi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập trước khi có thể tích lũy trở lại một phần vị thế ngắn hạn.

Áp lực giảm điểm còn tiếp diễn

CTCK Tân Việt (TVSI): Áp lực giảm điểm với tâm lý hoảng loạn trong phiên giao dịch 20/06 đẩy chỉ số VNIndex dễ dàng phá vỡ hỗ trợ tâm lý quan trọng 1,200 điểm. Các chỉ số kết thúc phiên ở mức thấp nhất cho thấy áp lực giảm phiên 21/06 còn tiếp diễn. Trong khi đó giá nhiều hàng hóa hạ nhiệt trong các phiên gần đây đặc biệt là giá dầu, giá thép gây ảnh hưởng tiêu cực tới một số nhóm ngành nhưng ngược lại điều này cũng tạo hy vọng sẽ giảm bớt áp lực về lạm phát và áp lực tăng lãi suất. Sau khi để vỡ hỗ trợ trên VN-Index sẽ nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ xoay quanh 1,160 điểm ngày 17/05/2022. Trước áp lực bán và tâm lý thị trường như hiện tại rất khó để phán đoán về khả năng trụ vững của chỉ số trước hỗ trợ này.

TVSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với diễn biến ngắn hạn của thị trường và chiến thuật hợp lý vẫn là phòng vệ với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (<= 50% tài khoản).

Tiếp tục quan sát

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm ngắn hạn và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1,155 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng cho thấy áp lực giảm giá vẫn cao, điểm tiêu cực là dòng tiền tiếp tục suy yếu ở các mức giá thấp cho thấy mức hiện tại của thị trường vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền ngắn hạn. Tuy vậy, các chỉ báo xung lượng đang quay trở lại vùng quá bán cho thấy lực cầu giá thấp có thể sẽ sớm gia tăng ở vài phiên tới.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường.

Đông Tư

FILI