EVS Research đánh giá tích cực triển vọng ngành thủy điện, điện khí

EVS Research đánh giá tích cực triển vọng ngành thủy điện, điện khí

Báo cáo của EVS chỉ ra hai ngành tiểu điểm trong tháng 6 và tháng 7 là thủy điện và điện khí.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6 - 7, Bộ phận phân tích CTCK Everest (EVS) đánh giá thị trường trong ngắn hạn có khả năng tạo thêm một vùng đáy thấp hơn quanh vùng hỗ trợ 1,140 điểm, do xung lực bán có dấu hiệu gia tăng cũng như các đường MA đang có dấu hiệu dốc xuống. Thanh khoản không phải là điểm sáng trong giai đoạn này, chính vì vậy, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi điểm mua phù hợp để có vị thế an toàn trong bối cảnh thị trường có độ rủi ro cao.

Báo cáo của EVS chỉ ra hai ngành tiêu điểm trong tháng 6 và tháng 7 là thủy điện và điện khí.

Đối với ngành điện khí, nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi, tổng sản lượng điện tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm đạt 108.59 tỷ kWh (tăng 4.1% so với cùng kỳ) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục đã giúp nhu cầu điện được cải thiện. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt của điện than là nguyên nhân giúp các nguồn điện khác được huy động nhiều hơn (tỷ trọng điện huy động từ khí tăng lên 12% - cao hơn 0.6% so cùng kỳ).

EVS cho rằng triển vọng điện khí trong thời gian tới đến từ việc sản lượng hồi phục từ mức thấp trong 2 năm đại dịch (có thời điểm chỉ đạt 8% tổng sản lượng huy động). Đồng thời, việc thiếu hụt nguồn điện cộng với điện than vào mùa cao điểm quý 2 sẽ giúp các nguồn điện khác được tập trung huy động. Rủi ro chính yếu của ngành vẫn là lo ngại giá khí tăng cao khiến chi phí đầu vào gia tăng, tuy nhiên với các hợp đồng mua bán điện PPA đã ký kết cùng giá bán điện CGM đang ở mức cao, vấn đề này không quá đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp điện khí. Triển vọng trong trung và dài hạn vẫn tươi sáng. Do đặc tính ổn định hơn các nguồn năng lượng tái tạo và giảm được phát thải so với nhiệt điện than, nhiệt điện khí vẫn được chú trọng bởi các nhà hoạch định chính sách.

Theo dự thảo của Quy hoạch điện 8, trong kịch bản phụ tải cao thì tổng công suất điện khí sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép 8% từ nay đến 2045 (đạt 73,630MW). Với kỳ vọng giá khí sẽ được điều chỉnh sau khi những biến động địa chính trị cũng như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được cải thiện, EVS cho rằng điện khí sẽ được chú trọng và dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu điện huy động do có thể bán khí với mức giá hợp lý hơn.

Nguồn: EVS

Đối với ngành thủy điện, thời tiết đang thuận lợi cho các thủy điện. Theo EVN, sản lượng điện huy động từ nguồn thủy điện trong 5 tháng đầu năm đạt 30.53 tỷ kWh (tăng 27% so với cùng kỳ) trong bối cảnh thiếu nguồn cung than gây ra tình trạng thiếu điện than - nguồn điện giữ tỷ trọng lớn nhất hiện nay, tình hình thủy văn tích cực giúp sản lượng tăng cao. Điều này cũng được phản ánh vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong quý 1/2022.

Ngoài ra, Viện nghiên cứu quốc tế (IRI) cũng dự báo pha La Nina sẽ kéo dài đến hết năm 2022 với xác suất xảy ra cao đến hết tháng 10/2022 và pha El Nino cũng được ước tính với khả năng xảy ra thấp nhất. Thời tiết thuận lợi sẽ giúp nhà máy thủy điện tích trữ được lượng nước tốt hơn và duy trì sản lượng ổn định, cạnh tranh với nguồn nhiệt điện than giá điện toàn phần tăng cao khiến lợi nhuận các thủy điện tăng cao hơn giá thanh toàn toàn phần (FMP) bình quân tháng 4/2021 đạt 1,792 đồng/kWh (tăng 62.4% so với cùng kỳ) chủ yếu do nền kinh tế phục hồi làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ điện, cũng như nguồn điện than đang thiếu hụt.

Do thủy điện là nguồn năng lượng có chi phí rẻ nhất, sản lượng điện của thủy điện năm nay được hưởng lợi từ yếu tố thủy văn nên việc giá bán điện toàn phần duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục giúp các doanh nghiệp trong ngành có lợi nhuận ấn tượng.

Nguồn: EVS

Đông Tư

FILI