Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Tất cả các dự án lớn đều phải điều chỉnh giá

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Tất cả các dự án lớn đều phải điều chỉnh giá

Giải đáp băn khoăn của nhiều ĐBQH về vấn đề 'Nhà thầu sợ làm giá cao, khi thanh toán giá thấp'. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tất cả các dự án, trong đó có dự án lớn đều có cơ chế điều chỉnh giá.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Trong phiên chất vấn Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể sáng ngày 9/6, Chủ tịch Quốc hội cho biết vừa rồi có ý kiến về tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm, do giá nguyên vật liệu tăng. Nếu nhà thầu làm thì không đủ phương án tài chính. Nhưng thực tế như Bộ trưởng nói thì các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá.

"Vậy chậm do thủ tục và quy trình điều chỉnh. Có phải thế không? Hay các nhà thầu thiệt thòi gì nên không làm. Dư luận, nhân dân cứ nghĩ là đã ký hợp đồng rồi, chọn nhà thầu rồi, thì bây giờ giá cao thì làm thế nào? Trách nhiệm điều chỉnh giá kịp thời ra sao, do vấn đề gì? Giải pháp khắc phục sắp tới thế nào?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt hàng loạt câu hỏi.

Ông lưu ý vấn đề này phải rất tường minh, tránh hiểu nhầm là nhà thầu bị thiệt thòi khi nhận công trình làm cho nhà nước, bây giờ giá tăng nên thua lỗ.

Giải trình về câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về cát biển, hiện nay các bộ, ngành liên quan rà soát lại kinh nghiệm của thế giới, ứng dụng sử dụng cát biển như thế nào. Các bộ, ngành cũng xây dựng để cát biển đạt tiêu chuẩn; đồng thời hình thành quy trình về lý thuyết về công tác khai thác, vận chuyển, thi công, đầm nén và sẽ làm thử nghiệm, sau đó mới đánh giá thực tế đơn giá, định mức và nghiệm thu đánh giá, mới áp dụng đại trà hay nhân rộng.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay tất cả các bộ, ngành đều vào cuộc và đơn vị nghiên cứu cũng đang nghiên cứu để thực hiện đúng quy trình, chứ không phải áp dụng một cách máy móc dẫn đến bị nhiễm mặn ở các công trình.

Về vấn đề đại biểu nêu tiến độ các công trình, dự án lớn bị chậm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, tất cả những dự án lớn đều phải điều chỉnh giá nhưng vấn đề đặt ra là điều chỉnh có kịp thời hay không? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương khi xảy ra biến động giá cả như thế nào, bởi các nhà thầu có tâm lý sợ trong thời điểm mua xăng dầu, mua vật liệu, giá vận chuyển giá cao, nhưng khi nghiệm thu thanh toán giá thấp. Trong khi đó, việc ký hợp đồng căn cứ vào thông báo giá của địa phương, nên sự phối hợp của các bộ, ngành và thông báo giá của địa phương rất quan trọng. Nếu thông báo giá sát và kịp thời thì việc thanh quyết toán cho nhà thầu sẽ tốt. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp và mong đại biểu Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ xem xét có cơ chế đảm bảo công bằng với nhà thầu để điều chỉnh giá kịp thời.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Phong, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh về kết nối giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu địa phương mà chưa có quy hoạch đường giao thông hoặc chưa có đường giao thông thì về nguyên tắc không thể nào bố trí nút giao, nhất là dự án mới hầu như chỉ kết nối vào đường hiện hữu. Trách nhiệm của địa phương rà soát lại quy hoạch giao thông xung quanh đường cao tốc để kết nối những đường giao thông vào các trung tâm huyện, trung tâm xã, trung tâm kinh tế, khu công nghiệp. Khi các địa phương có quy hoạch, ngành giao thông sẽ phối hợp nghiên cứu, để triển khai các nút giao. Bộ trưởng khẳng định, đây là sự phối hợp giữa Bộ Giao thông với các bộ, ngành. Do vậy, trong cuộc họp Trung ương, Bộ trưởng đã đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương điều chỉnh quy hoạch giao thông ở địa phương, kết nối đường cao tốc, các đường trọng điểm quốc gia. Qua đó, ngành giao thông sẽ phối hợp với địa phương bổ sung các nút giao nhằm khai thác hiệu quả cái đường cao tốc cũng như hệ thống đường địa phương, đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương...

Liên quan đến nút giao thông đường vành đai 3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận Tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quy hoạch vẫn có nút giao thông nhưng hiện nay chúng ta chưa thi công vì chưa đủ kinh phí. Do đó chưa triển khai hết nút giao thông trên tuyến đường này, khi nào cân đối đủ điều kiện sẽ được bổ sung.

Đối với đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh -Trung Lương, Bộ trưởng khẳng định chính sách pháp luật về quản lý tài sản công cũng như pháp luật về ngân sách nhà nước quy định vốn có nguồn gốc từ nhà nước, vốn ODA không thu phí. Chính vì thế cầu Thủ Thiêm không thu phí, cầu Cần Thơ đang thu phí thì được yêu cầu dừng thu phí. Đối với đường tốc Tp.Hồ Chí Minh - Trung Lương thu phí vì đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, nên buộc phải thực hiện theo hợp đồng. Đến năm 2018, nhà đầu tư đã kết thúc quyền thu phí 5 năm, Bộ có trình xin ý kiến tiếp tục thu phí, nhưng Bộ Tài chính cho rằng vi phạm luật nên phải dừng thu phí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa 14, Nghị quyết 17 khi xây dựng đường cao tốc giai đoạn 1 trong năm nay sẽ xong 4 dự án, Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án hoàn vốn. Khi thu hoàn vốn sẽ rút kinh nghiệm, còn trong Luật Giao thông đường bộ và các quy định hiện hành có thu chi phí dịch vụ chất lượng cao trên đường cao tốc để có kinh phí duy tu, sửa chữa, phát triển đường cao tốc và đặc biệt là điều tiết giao thông.

Trả lời chất vấn đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa về giải pháp giải quyết những khó khăn sẽ phát sinh trong thời gian tới để đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2015, Bộ trưởng Nguyên Văn Thể cho biết, sắp tới sẽ triển khai khoảng 2,000 km, hiện nay đã hoàn thành hơn 1,200km, như vậy hết nhiệm kỳ này có thể triển khai xong khoảng 4,000 km. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do dự án rải rác ở nhiều tỉnh không phải tập trung một tỉnh, nên địa phương cần tập trung toàn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cố gắng làm nhanh nhất để có điều kiện thi công. Chính phủ đã chỉ đạo và thường xuyên tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.

Tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành nghiên cứu. Quan điểm của ngành là mong muốn sẽ hình thành quỹ trong đó vốn nhà nước, các nhà hảo tâm, trong đó có cơ chế về lãi suất tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng.

Về việc khai thác bảo trì các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết luật chưa quy định, tuy nhiên khi xây dựng xong, đấu thầu và giao cho các cơ quan tư nhân hoặc các doanh nghiệp quản lý, giám sát sẽ tốt hơn, đặc biệt hạn chế được nhiều nguồn lực, trong đó có vốn và nguồn nhân lực trong quá trình duy tu, bảo quản. Vấn đề này tuy mới nhưng hiệu quả, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu thêm.

Về chất vấn của đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ về hàng loạt các công trình đang triển khai, trong đó nhiều công trình chậm tiến độ, Bộ trưởng nêu nguyên nhân lớn nhất là nguồn vốn bố trí không đủ. Tuy nhiên, từ khi Luật Đầu tư công, từ năm 2016 đến nay tất cả các dự án bố trí đủ tiền nên đã giải quyết được một phần khó khăn. Nguyên nhân thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng, nếu các địa phương quyết liệt sẽ làm rất nhanh. Do đó, các địa phương phải thay đổi tư duy, hỗ trợ dự án trọng điểm quốc gia, tập trung nguồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng, giúp cho dự án hoàn thành đúng tiến độ…

Nhật Quang

FILI