Trải lòng của nhà đầu tư chinh chiến hơn 20 năm trên thị trường chứng khoán

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau 22 năm hình thành và phát triển đã rất khác so với giai đoạn sơ khai cả về chất lẫn về lượng. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, cung bậc cảm xúc của nhà đầu tư cũng sẽ phải trải qua: Vui buồn, kỳ vọng, chán nản hay hứng khởi… Hòa nhịp với dòng chảy thị trường chứng khoán từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi có dịp ngồi lại với ông Phan Dũng Khánh – Nhà đầu tư chuyên nghiệp đã đồng hành cùng thị trường chứng khoán từ những ngày đầu thành lập để chia sẻ quá trình đầu tư và những bài học rút ra từ những lần thất bại…

Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu đầu tư chứng khoán, cảm nhận của ông lúc đó như thế nào?

Nhà đầu tư Phan Dũng Khánh: Bỡ ngỡ vì trước đó chỉ theo dõi được trên phim ảnh thấy mua bán, sáp nhập rồi các thủ đoạn thâu tóm trên các phim Hong Kong, phim Mỹ thời kỳ đó.

Lý do nào khiến ông quyết định đầu tư vào TTCK?

Tôi đã muốn đầu tư từ lâu rồi, trước cả khi phim ảnh lúc đó hấp dẫn tôi khiến tôi đã tìm hiểu cơ bản những tài liệu nước ngoài tuy nhiên vẫn không thể gọi là biết nhiều khi đó. Tới năm 2000, Việt Nam mới bắt đầu có TTCK và tôi đã lên sàn ngay ngày đầu tiên dù lúc đó cũng không có tiền và cũng không thể mua được cổ phiếu vì chỉ có 2 mã và 2 mã này cũng tăng trần suốt.

Cổ phiếu đầu tiên ông mua là gì? Và nó mang lại khoản lợi nhuận chứ?

Khi đó cổ phiếu tôi mua là 100,000 đồng hùn với chị nhà đầu tư tôi làm quen được trên sàn khi đó, vì chị ấy dù không có kiến thức chứng khoán nhưng lại có cổ phiếu của 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên. Và cả 2 cổ phiếu này tăng trần liên tục nhiều ngày nên chỉ có cổ đông có sẵn thì mới có hàng.

Do thấy thằng em (là tôi) có chút kiến thức trong khi bà chị có hàng nhưng không hiểu chứng khoán và “trước giờ chị cầm sổ trên tay nên chị còn thấy chắc ăn, bây giờ lưu ký gì đó để niêm yết khiến chị sợ mất phải lên sàn ngồi canh cho chắc như con gái mới ngày đầu đi chơi với người yêu cũng lo nên phải canh”. Vì thế bà chị cho tôi ké 100,000 đồng cho vui để chị em còn có cái trao đổi chung.

Sau đó lợi nhuận tôi nhớ là thu về được 700,000-800,000 đồng bao gồm cả tiền bà chị “bo” thêm để hỗ trợ thằng em sinh viên năm cuối tìm hiểu thêm về thị trường “để chỉ chị nhé”.

Tuy nhiên với lợi nhuận quá khủng vì cổ phiếu liên tục tăng trần, chị nhà đầu tư F0 đầu tiên trong lịch sử TTCK đã quyết định bán khi giá tăng tính bằng lần và “không ngờ giàu nhanh vậy”. Nhưng niềm vui cũng không được lâu khi 2 mã trên vẫn tăng điểm nhiều ngày sau đó và tôi đã thấy chị ôm bảng điện khóc vì “chị ngu quá bán mất hàng rồi em à, thấy giàu nhanh quá nghe mấy lời khuyên là bán đi làm chị bán luôn và giờ nó chạy còn nhanh hơn lúc chị bán nữa”.

Cảm xúc tham lam, sợ hãi, tiếc nuối đã có từ những ngày đầu của thị trường như vậy với nhà đầu tư F0 như chị và F0.5 như tôi khi đó.

Những năm đầu tham gia thị trường, ông áp dụng chiến lược đầu tư như thế nào? Đâu là khoản lời tốt nhất?

Thời gian đó cũng chẳng có chiến lược gì vì cứ mua là lời nên “chiến lược là làm sao có hàng là được”. Tất cả những kiến thức phân tích hay tích phân mà xài chỉ làm mất tiền vì giá liên tục đi lên. Ngồi đó tính toán con nào tốt, con nào xấu là đã lỡ mấy nhịp và mất bao nhiêu tiền lãi rồi. Nên lúc đó người càng nhiều kiến thức, càng chuyên gia, càng đi học nước ngoài về thì chỉ có tỷ lệ sinh lời rất nhỏ với các F0 vốn “điếc không sợ súng”, tất tay lớn nhất có thể.

Còn cổ phiếu đầu tiên bằng tài khoản tôi tự mua là chứng chỉ quỹ VF1 với lợi nhuận tầm gấp 4 lần nhưng của những năm sau đó. Vì thị trường sau sự hưng phấn năm 2000 thì từ năm 2001 đã giảm mạnh rồi trầm lắng suốt 3-4 năm, nên tôi cũng chỉ còn ngồi quan sát thị trường và chỉ quay lại thật sự sau thời kỳ đó.

Có thương vụ nào ông thua lỗ không?

Lỗ “sặc tiết” nặng nhất là giai đoạn 2008-2009, gần như toàn bộ danh mục đều thua lỗ chứ không riêng thương vụ nào. Cứ đụng vào mã nào là lỗ mã đó, bắt đáy là lỗ ngay, hoàn toàn ngược lại với thời kỳ huy hoàng trước đó không lâu. Thị trường rớt không phanh, cả tôi và bạn bán sàn hàng chục phiên cũng không thể bán được buộc chúng tôi phải bỏ luôn tài khoản ra sao thì ra.

Ông có thể kể về ký ức TTCK giai đoạn 2006- 2007?

Lúc đó chỉ cần mua được cổ phiếu, không cần biết mã nào, công ty gì, thậm chí khỏi cần biết chi cho mệt, là mai sẽ giàu khi giá lên thẳng đứng. Ai mà ngồi đó phân tích với tích phân thì chỉ tổ mất hàng, các công cụ phân tích lúc ấy còn quá xa lạ, những người đem kinh nghiệm đầu tư nước ngoài vô TTCK Việt Nam là thua, là quăng sọt rác hết. Khi người không có cổ phiếu đồng nghĩa với việc không có đồng nào.

Người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán. Tôi đi ăn sáng mà còn thấy bà bán bánh canh vừa bán vừa đặt cái laptop cạnh nồi nước lèo và cả 2 tay thoăn thoắt vừa nấu cho khách vừa nói với tôi: “Chị đã chuẩn bị chuyển thành nhà đầu tư rồi em”, một từ ngữ rất “sang chảnh” thời kỳ đó.

“Phố Wall” Nguyễn Công Trứ mỗi sáng không còn chỗ để xe dù bị chặt chém mạnh tay. Tờ bản tin thị trường của Sở giao dịch phát ra dù miễn phí nhưng người ta lấy đó kinh doanh cũng không đủ (lúc đó ít có báo chuyên về chứng khoán và cũng không nhiều phân tích thị trường) nên nhà đầu tư lúc nào cũng đói thông tin. Sáng kiếm tiền trên sàn, chiều vẫn ở sàn nhưng giao dịch những cổ phiếu chưa lên sàn (OTC).

Ngồi chưa nóng chỗ với cổ phiếu vừa mua xong đã có người khác hỏi mua lại ngay. Thời đó, bạn mua chứng khoán mà trả giá thì khỏi mua vì người ta hốt ngay lập tức.

Nhà đầu tư tấp nập đến công ty chứng khoán mở tài khoản đến mức có công ty ra quyết định “mỗi nhà đầu tư có từ 100 triệu đồng trở lên mới được mở tài khoản”. Dù điều này sẽ bị xem là chảnh vào giai đoạn hiện nay nhưng lúc đó thì lại quá bình thường khi mà nhà đầu tư phải nịnh môi giới chứng khoán, mời đi ăn nhậu để môi giới nhập lệnh cho mình trước thì mới mong mua được cổ phiếu. Cứ có hàng là hôm sau có tiền.

Nghề môi giới lúc đó rất “hot”. Ai có người yêu là môi giới chứng khoán đều rất tự hào, thậm chí còn là tiêu chuẩn lựa chọn bạn trai, bạn gái. Thậm chí sinh viên đi thực tập cũng “hot” chứ chưa cần nói đến môi giới chuyên nghiệp. Sinh viên thực tập còn được trả lương. Anh bạn tôi, là trưởng phòng môi giới, còn bị hỏi ngược là: “Anh có tăng lương thêm cho em không chứ bên công ty chứng khoán kia mời em cao hơn rồi đó”. Môi giới rất dễ kiếm người yêu và nhà nào có người thân là môi giới chứng khoán đều được xem là rất danh giá.

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán lúc bấy giờ là “bỗng chốc được phong cho chức danh nhà đầu tư” trong khi bản thân họ cũng còn chưa hiểu định nghĩa đó tròn méo ra sao.

Cú rơi của VN-Index năm 2008 có làm ông thiệt hại không? Bài học tâm đắc rút ra sau đợt lao dốc này là gì?

Bữa tiệc nào rồi cũng tới lúc tàn. Khi khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới xảy ra năm 2008, thị trường toàn cầu đi xuống và TTCK Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Giá trị đổ đèo không phanh dù các cơ quan quản lý nỗ lực cứu vãn, như giảm biên độ về 1% và các biện pháp kích thích khác. Nhưng rồi cũng chỉ có thể làm chậm xu hướng này mà thôi. Nhà đầu tư tháo chạy như làn sóng cuốn trôi mọi thứ và đẩy tất cả lao dốc.

Chị bán bánh canh vẫn tiếp tục bán bánh canh đến ngày hôm nay, CTCK đòi khách phải có 100 triệu đồng cũng dẹp bỏ quy định đó. Giờ đây ai cũng cần khách hàng. Những câu chuyện x5, x10 tài khoản có thể tạo ra nhiều hứng khởi, nhưng câu chuyện thật hơn và ít được kể hơn trong nhiều năm là câu chuyện: "Tôi đã biến 10 tỷ thành 10 triệu như thế nào".

Thời điểm đó chứng kiến nhiều chiến binh ngã ngựa nhất. Nhiều tên tuổi lẫy lừng ra đi, nhà đầu tư kỳ cựu đã rời bỏ sàn theo nhiều cách, người bán tài sản trả nợ, người bỏ việc nằm sàn giờ lại đôn đáo đi kiếm việc… để trả nợ, người bán phở tiếp tục bán phở... để trả nợ… Tóm lại là làm mọi thứ để trả nợ.

Bản thân tôi cũng đã từng từ hai bàn tay trắng làm nên… một đống nợ mà phải mất nhiều năm mới trả hết. Tôi cũng đã chứng kiến có nhà đầu tư rất giàu có nhưng đầu tư thất bại bị ngân hàng siết nợ, vợ ly dị phải ôm con gái nhỏ ngủ dưới mái hiên nhà hàng xóm ngay đúng ngày 30 Tết. Rất đau xót!

Bởi thế, nhà bác học vĩ đại Newton khi thua lỗ chứng khoán cũng đã phải thốt lên: “Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao, nhưng không ngờ được sự điên rồ của con người”.

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều nhà đầu tư luôn có niềm đam mê với chứng khoán và mong một ngày hoàng kim quay lại. Như anh Hải, anh Toàn, chị Bích hùn ít tiền còn lại chung với nhau mở quán nhậu; hay anh Thành mở quán sinh tố, tàu hủ để kinh doanh trong lúc thị trường khó khăn chờ ngày trở lại sàn. Cũng có nhà đầu tư vẫn còn hậm hực với thị trường như anh Hiếu mở quán ốc và có rủ tôi góp vốn, đồng thời lập một kế hoạch đầu tư để “mơ đến một ngày nào đó sẽ niêm yết quán ốc lên sàn chứng khoán, trở thành quán ốc đầu tiên được niêm yết sẽ nổi tiếng toàn quốc”.

Bài học lớn nhất đối với tôi là việc kiểm soát rủi ro và kiểm soát lòng tham để có tâm lý ổn định, bản lĩnh đầu tư vững vàng.

Sau nhiều năm bạn sẽ thấy số lượng nhà đầu tư cũ ra đi hầu hết. Điều tôi cảm nhận rõ nhất trên thị trường sau nhiều năm là… sự cô độc. Hầu như bạn sẽ rất khó gặp lại người quen.

Để đầu tư chứng khoán thành công không thể chỉ ngày một ngày hai mà là con đường dài như Benjamin Braham (thầy của Warren Buffet) đã từng nói về TTCK: “Đường vào phố Wall thênh thang lắm nhưng mấy ai đi hết con đường”. Thành công trong đầu tư luôn được đánh giá ở sự ổn định và bền vững, việc kiếm được nhất thời không đảm bảo thành công về lâu dài. Con đường đầu tư thường rất ngắn nhưng đường về nhà của nhà đầu tư thì lại rất dài, điều quan trọng là đi hết được con đường chứ không phải kiếm được lợi nhuận trong một vài khoảnh khắc để rồi sau đó có thể mất tất cả.

Seth A. Klarman cũng có câu nói nổi tiếng “Đầu tư là công việc rất cô độc” để nói về áp lực của mỗi nhà đầu tư và khi “bạn đúng nhưng đa số mọi người không đồng ý với bạn”. Thành công chưa bao giờ thuộc về số đông. Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu. Người thực sự ở đẳng cấp cao thường điềm tĩnh và khiêm tốn thay vì nói không ngừng và chỉ biết khoa trương.

TTCK sau đó giằng co mãi cho đến năm 2016 mới chính thức bước vào đợt tăng trưởng mới. Trong thời gian đó, ông đã đầu tư như thế nào?

Tôi đã tự trau dồi, học thêm nhiều cách thức đầu tư, đa dạng đầu tư và tạo ra thêm nhiều nguồn thu cho mình để giảm thiểu các rủi ro trong tương lai. Tôi cũng gặp gỡ và trao đổi thường xuyên với nhiều nhà đầu tư giỏi, thực chiến để nâng cấp kỹ năng đầu tư của mình cũng như liên tục cập nhật kiến thức mới, lắng nghe nhiều hơn và nói ít lại.

Cho đến hôm nay, ông đánh giá TTCK có những thay đổi nào lớn nhất so với hơn 20 năm trước?

TTCK phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm hơn, nhiều mã cổ phiếu, số lượng nhà đầu tư tăng thần tốc, chỉ số cũng tăng điểm mạnh hàng đầu thế giới trong hai năm qua. Số lượng thông tin cũng ngày một nhiều hơn, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin cũng như kiến thức nhiều hằng hà.

Tuy nhiên cũng có những điểm hạn chế như các đội lái, room VIP lùa gà nhiều hơn. Kiến thức nhiều và dễ tiếp cận nhưng hỗn loạn. Đồng thời nhiều kiến thức không chuẩn gây hại cho sức khỏe tài chính mà nhà đầu tư ít kinh nghiệm khó có thể lọc ra.

Và có 1 điều không thay đổi dù đã hơn 20 năm, thậm chí nhiều năm sau này cũng thế, đó là lòng tham, sự sợ hãi và tâm lý muốn giàu nhanh. Do đó, dù kiến thức có tốt cỡ nào, chính sách tốt ra sao, bảo vệ nhà đầu tư tốt như thế nào, phương pháp phân tích có thần sầu đi chăng nữa mà nhà đầu tư không kiểm soát tốt rủi ro, lòng tham, tâm lý thích giàu lẹ thì vẫn còn bị mất tiền dài dài.

Trong 2 năm qua, lượng nhà đầu tư F0 gia tăng mạnh mẽ và cũng là yếu tố dẫn dắt dòng tiền, điểm số trên thị trường. Ông nhìn nhận lớp nhà đầu tư F0 này như thế nào? Họ có khác gì so với những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường?

Như đã nói, có một điều không thay đổi sau hơn 20 năm, đó là lòng tham, sự sợ hãi và tâm lý muốn giàu nhanh. Đó là sự khác biệt của nhà đầu tư F0 hôm nay với nhà đầu tư Fn với tâm lý bình ổn hơn, ưu tiên kiểm soát rủi ro và biết rằng không thể làm giàu lẹ được, không thể giàu sau 1 đêm trừ khi trúng số hoặc lừa đảo mà thôi. Nhà đầu tư Fn luôn trau dồi kiến thức thường xuyên và rèn luyện kỹ năng hàng ngày, luôn lắng nghe nhưng cũng sẵn lòng chia sẻ.

Nếu được, xin ông đưa ra lời khuyên nào cho nhà đầu tư F0?

Luôn lắng nghe, rèn luyện kỹ năng, học và rèn luyện cách kiểm soát rủi ro, cảm xúc, lòng tham và đặc biệt đổi từ tâm lý làm giàu nhanh thành làm giàu bền vững.

Là người song hành cùng thị trường từ những ngày đầu, ông đã đúc kết những kinh nghiệm nào khi thị trường đối mặt với thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp hay tin đồn?

Hãy tập trung vào những cổ phiếu nền tảng tốt, doanh nghiệp phát triển bền vững, có kế hoạch lâu dài.

Với những mã đầu cơ thì tham gia với tỷ trọng vốn nhỏ, không margin và tuyệt đối không tất tay vì những mã này tăng nhanh nhưng rớt cũng lẹ. Số vốn nhỏ là đủ mang lại khoản tiền lớn nhưng rủi ro sẽ được hạn chế tối thiểu một khi giá rớt.

Thị trường gần đây biến động mạnh nếu không muốn nói là điều chỉnh sâu sau khi chạm đỉnh kỷ lục. Theo ông, thời điểm này có nên bắt đáy không? Cá nhân ông đã có những hành động nào?

Hoàn toàn không nên bắt đáy và tôi cũng không bắt đáy gì cả từ đầu năm nay. Tuy vậy với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, dày dạn kinh nghiệm, chịu được rủi ro tốt và có ý định đầu tư lâu dài có thể xem xét giải ngân từng phần ở những ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Với những nhà đầu tư thuần túy lướt sóng, chỉ nắm giữ ngắn hạn thì vẫn nên cơ cấu lại danh mục, giảm tối đa margin, tăng tỷ trọng tiền mặt ở những thời điểm thị trường điều chỉnh phục hồi phần nào.

Sau hơn 20 năm “chinh chiến” trên thị trường, điều ông muốn gửi gắm nhất cho các nhà đầu tư mới là gì?

Đừng bao giờ xem chứng khoán là một trò đỏ đen vì chẳng ai đánh bài mà thắng hoài được. Chứng khoán là một công việc đầu tư nghiêm túc và tốn nhiều chất xám. Nhà đầu tư đừng quan tâm đến chuyện mình nhất thời đúng. Để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn, nhà đầu tư thông minh biết mình phải đúng một cách bền vững và đáng tin cậy. Những kiểu mua bán chụp giật đều không có cơ hội thắng về lâu dài.

Việc biến đầu tư thành cờ bạc dễ gây áp lực tâm lý lên nhà đầu tư và khi đó những kiến thức cũng như hiểu biết xuất sắc có thể tan thành mây khói. Một vài số liệu thống kê cho thấy, những nhà đầu tư xuất sắc nhất thế giới thực tế có nhiều kiến thức về tâm lý học hơn là tài chính. Bản lĩnh vững vàng là một tâm lý ổn định cộng với kiến thức và sự trải nghiệm sẽ giúp nhà đầu tư gặt hái thành quả.

Sự tự tin mà một nhà đầu tư chỉ mới biết đến chiến thắng và sự tự tin của những người đã từng trải qua thất bại và hiểu được nó là rất khác biệt. Bởi vì bài học từ mất tiền luôn là bài học đắt đỏ nhất và vì thế nó cũng quý giá nhất. Nói cách khác giá trị của những bài học từ thất bại luôn nhiều hơn từ thành công. Nó giúp chúng ta mạnh mẽ vững vàng như đá nhưng hành động uyển chuyển như nước chứ không quá tự tin như những người kiếm được tiền quá dễ dàng. Kiếm tiền quá dễ ẩn chứa sự chủ quan mà mai này một khi thất bại sẽ khiến cho họ có thể bị mất mát nhiều hơn mà không có cách nào sửa chữa được. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa sự tự tin của người Biết và sự tự tin của người Hiểu! Để đi từ biết đến hiểu chẳng thể tránh khỏi quá trình phải tự thân chiêm nghiệm qua những lần vấp ngã hoặc học được cách vấp ngã để bước qua nó.

Như tỷ phú Soros nói: “Đầu tiên phải sống sót đã, sau đó mới nghĩ đến chuyện kiếm tiền”, “Hãy quăng cái tôi vào địa ngục đi, kiếm tiền quan trọng hơn” – Marty Schwartz hay như Jim Rohn chia sẻ: “Trong cuộc sống chúng ta phải lựa chọn giữa hai nỗi đau: Nỗi đau của sự kỷ luật hay nỗi đau của sự hối hận”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thư ngỏ gửi đến những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán Việt

Năm 2022 ghi nhận dấu ấn rất đặc biệt đối với đội ngũ Vietstock chúng tôi. Đây là năm đánh dấu mốc son Cổng thông tin tài chính Vietstock tròn 20 năm phát triển (02/08/2002 – 02/08/2022), thực hiện sứ mệnh 20 năm kết nối các bên tham gia thị trường chứng khoán, cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính toàn diện.

Trong một năm 2022 rất nhiều ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn được kết nối thế hệ nhà đầu tư F0 với Fn thông qua chuỗi bài viết về câu chuyện đầu tư của các anh tài dày dạn kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt. Cụ thể chúng tôi mong muốc được là cầu nối chia sẻ câu chuyện của các nhà đầu tư đã tham gia thị trường từ những năm 2000-2005, những đàn anh đàn chị đã kinh qua mọi thăng trầm của thị trường để có thể chia sẻ cùng thế hệ nhà đầu tư F0 những trải nghiệm, những kinh nghiệm “thực chiến” đắt giá.

Bằng thư ngỏ này, một lần nữa chúng tôi mong muốn và sẵn sàng ngồi lại để được lắng nghe nhà đầu tư tham gia từ những năm đầu của thị trường trải lòng mình và được làm cầu nối chia sẻ câu chuyện đến với các thế hệ nhà đầu tư mới hiện nay. Hoặc quý vị có thể gửi bài viết của mình về địa chỉ email: info@vietstock.vn, hoặc liên hệ hotline: 0938 046 488.

Cát Lam

FILI

Tin cùng chuyên mục