Kiểm soát lạm phát để hạn chế tác động tới chứng khoán

Kiểm soát lạm phát để hạn chế tác động tới chứng khoán

Tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" tổ chức sáng ngày 25/05/2022, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp để chứng khoán trở thành kênh huy động vốn thật sự của nền kinh tế và kênh đầu tư lâu dài của nhà đầu tư.

Ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả cho các tổ chức tín dung nói chung, nhất là những ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Do đó, việc minh bạch thị trường có tác động đến các ngân hàng đã niêm yết, dẫn vốn vào các ngân hàng và một phần giúp nâng cao uy tín thương hiệu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM

Ông Lệnh cho rằng sự điều chỉnh trong thị trường thời gian qua chỉ là ngắn hạn. Giá trị cốt lõi là trong những tháng đầu năm 2022, ngành ngân hàng tăng trưởng ổn định, nợ xấu được kiểm soát, dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt… Bốn tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng khoảng 7% và các ngân hàng niêm yết đều công bố kết quả kinh doanh minh bạch, công khai. Đây là các chỉ số tham chiếu để nhà đầu tư tham khảo.

Về dài hạn, sự phát triển của thị trường chứng khoán không chỉ tác động đến hiệu quả làm việc của ngân hàng. Khi các ngân hàng đáp ứng được thị trường vốn trung dài hạn thì sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới.

Kiểm soát lạm phát để hạn chế tác động tới chứng khoán

PGS.TS Nguyễn Văn Trình - Chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng ĐH Võ Trường Toản chia sẻ về vai trò của thị trường chứng khoán trong thu hút dòng vốn trung và dài hạn.

Hiện, dòng vốn có 2 kênh là ngân hàng và chứng khoán. Thời gian qua, dòng vốn đi hơi khập khiễng khi dựa chủ yếu vào ngân hàng nhiều hơn. Còn vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, nói nôm na là "hùn vốn", doanh nghiệp có lãi thì trả cho nhà đầu tư nên đây là nguồn vốn bền vững và phát triển của nền kinh tế.

Về biến động thị trường thời gian qua, nguyên nhân có bên ngoài và bên trong, khách quan và chủ quan, vĩ mô và vi mô. Trước hết, nguyên nhân bên ngoài là chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ có những phiên sụt giảm mạnh, Dow Jones mất trên 1,000 điểm, cũng tác động tới chứng khoán Việt Nam vì chúng ta là nền kinh tế mở, liên thông. Nguyên nhân chứng khoán Mỹ sụt giảm là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có động thái quyết liệt tăng lãi suất, lên 0.5 điểm % và thậm chí tăng thêm 0.75%... khiến tâm lý của nhà đầu tư Mỹ thận trọng, rút vốn và bán tháo chứng khoán, làm cho các chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm.

Thị trường sụt giảm còn do nhà đầu tư lo ngại lạm phát. Mà lạm phát cũng có nhiều nguyên nhân, như sau hàng loạt gói hỗ trợ trong phòng chống dịch bệnh, tiền đẩy ra ồ ạt sẽ dẫn đến cung tiền cao, giá cả sẽ tăng vọt… Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột địa chính trị, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; rồi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero-COVID cũng tác động tới thị trường. Do đó, việc tìm những biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát lạm phát, sẽ giảm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình - Chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng ĐH Võ Trường Toản

Phải kiểm soát được chất lượng doanh nghiệp niêm yết

Sau khi tăng nóng sẽ là giai đoạn giảm theo chu kỳ, nếu đi theo hướng tăng - giảm - đi lên thì tốt; còn tăng - giảm theo hướng xuống thì xấu nên cần có giải pháp để kiềm chế. Và đến chu kỳ, tới đỉnh 1,530 điểm thì sẽ xuống. Ai lỡ mua ở đỉnh thì phải cắt lỗ. Đây là thị trường mang tính chu kỳ.

Hiện tượng giảm giá thời gian qua là chu kỳ của thị trường, là tất yếu. Thị trường hai năm liên tục đi lên thì phải đi xuống, có điều nay thị trường rối quá nên nhà đầu tư hoảng và những người mới tham gia thị trường bị thua lỗ. Ngoài ra, có yếu tố đầu cơ lớn dẫn đến những sai phạm trên thị trường, ví dụ như vụ Trịnh Văn Quyết... Chúng ta xử nghiêm minh theo luật pháp khiến tâm lý nhà đầu cơ hoảng loạn, lo sợ thị trường không ổn định càng đẩy mạnh ra bán. Khi tâm lý nhà đầu tư không vững vàng rất dễ nhìn thị trường tiêu cực.

Ngoài ra, do công nghệ thông tin phát triển nên các nhóm nhà đầu tư tác động lẫn nhau và kéo tâm lý bầy đàn càng làm thị trường xấu hơn; ngược lại, nếu tâm lý hưng phấn thì làm thị trường tăng nóng. Những bất ổn của thị trường làm cho thị trường giao dịch hỗn loạn trong thời gian qua. 

Và giải pháp là phải kiểm soát được chất lượng niêm yết trên thị trường chứng khoán vì có chất lượng thì nhà đầu tư mới tin tưởng. Cùng với đó, kiểm soát luôn việc tăng vốn ảo vì có những công ty trên sàn có dấu hiệu "in giấy ra bán", Ủy Ban Chứng khoán phải ngăn chặn lại. Ngoài ra, cần nói thêm là để tránh hỗn loạn trên thị trường như vừa rồi, chúng ta nên tính toán lại tỷ trọng những ông lớn trong VN30VN-Index; xem xét lại phiên ATOATC có cần thiết không, vì đây là 2 phiên có thể gây xáo trộn trên thị trường.

Đặc biệt, xem xét quy định cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch. Cụ thể, hiện tại, nhà đầu tư mua xong 3 ngày sau cổ phiếu về mới bán được nhưng ai có quan hệ với công ty chứng khoán có thể ứng tiền mua được hoặc bán khống cổ phiếu, gây bất bình đẳng. Cuối cùng, phải tạo thêm sản phẩm mới cho thị trường. Chúng ta cố gắng đưa trái phiếu vào giao dịch để tăng thêm thanh khoản cho thị trường.

Hàn Đông

FILI