ĐHĐCĐ CII: Mục tiêu lãi ròng 757 tỷ đồng trong năm 2022, hủy bỏ phương án phát hành ESOP

ĐHĐCĐ CII: Mục tiêu lãi ròng 757 tỷ đồng trong năm 2022, hủy bỏ phương án phát hành ESOP

Sáng ngày 20/05, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2, sau khi cuộc họp lần đầu bị hủy do tỷ lệ cổ phiếu của cổ đông tham dự chỉ đạt 23%.

CII hủy ĐHĐCĐ thường niên 2022 lần 1, nhiều cổ đông không nhận được thư mời 

ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 của CII tổ chức sáng ngày 20/05

Kế hoạch lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018

Năm 2022, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 8,010 tỷ đồng, gấp 2.7 lần thực hiện 2021. Lãi ròng mục tiêu gần 757 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ ròng 341 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2018 tới đây.

Ban lãnh đạo dự báo có dòng thu lớn từ mảng bất động sản. Hiện, CII đã hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết và đang sở hữu một quỹ đất sạch khá lớn tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác và là nguồn thu rất lớn trong 5 năm tới. Một số dự án có thể kể đến như: Dự án 152 Điện Biên Phủ, Dự án NBB3, Dự án Khu dân cư kết hợp nghỉ dưỡng De Lagi, Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quãng Ngãi, Dự án D’Vernal,… Dự kiến, tổng số tiền ròng còn thu được từ danh mục các dự án bất động sản lên đến 10,000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.

Chia sẻ về dự án lớn gần đây của Công ty là dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng mức đầu tư hơn 12,000 tỷ đồng), Tổng Giám đốc CII - ông Lê Quốc Bình cho biết tăng trưởng của mảng thu phí sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố là lưu lượng xe và giá cước. Do đó, năm đầu tiên thường là năm có doanh thu thấp nhất nhưng sẽ tăng dần sau các năm.

Theo đó, ước tính doanh thu năm đầu tiên của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ rơi vào khoảng 1,200-1,500 tỷ đồng và sau 3 năm sẽ tăng trưởng 30-40%. Doanh thu từ dự án dự kiến chiếm từ 40-50% mảng thu phí của Công ty.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Dù có nguồn thu lớn từ các mảng kinh doanh, Tổng Giám đốc CII vẫn nhấn mạnh CII là công ty holding trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nên khi nói về hoạt động kinh doanh chính của Công ty phải bao gồm cả doanh thu tài chính từ cổ tức của các công ty con, còn việc chi phí tài chính ở mức cao là do Công ty phải huy động vốn cho các công ty thành viên.

Về cân đối dòng tiền thu và chi, từ năm 2022 trở đi, nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước. Công ty chủ yếu sẽ chỉ còn huy động phần còn lại của vốn vay theo tỷ lệ vốn đã xác định từ trước để đáp ứng nhu cầu giải ngân cho các dự án BOT và bất động sản.

Như vậy, CII chủ yếu sẽ tập trung cho việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn trong thời gian tới và phần còn lại sẽ dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Do ghi nhận kết quả thua lỗ trong năm 2021, CII sẽ không trích các quỹ, thù lao HĐQT và chia cổ tức năm 2021. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 dự kiến đạt 12%, có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy tình hình kinh doanh.

Trong thời gian tới, ông Bình nhận định khó khăn lớn nhất của Công ty vẫn chủ yếu đến từ vấn đề pháp lý. Ví dụ, khi tiến hành giải tỏa thực hiện dự án, Công ty gặp phải các con hẻm hoặc mương, rãnh thì theo quy định, các khu vực này được xem là đất công, Công ty phải thực hiện đấu giá công khai. Tuy nhiên, việc đấu giá hẻm và mương, rãnh lại rất khó khăn. Do đó, Công ty đang chờ vào công tác sửa đổi luật từ phía các cơ quan chức năng.

Phát hành 34 triệu cp thưởng, bỏ kế hoạch phát hành ESOP

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, một nội dung đáng chú ý khác tại Đại hội là phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

 

Năm 2019, ĐHĐCĐ CII thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12%, Công ty đã thực hiện trả 10% và còn lại 2%. Đến năm 2020, CII tiếp tục thông qua việc chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12%. Tuy nhiên, nhằm tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, CII muốn phát hành cổ phiếu thưởng thay cho việc chi trả cổ tức với cùng tỷ lệ 14% (1 cp được 1 quyền, 100 quyền sẽ được nhần thêm 14 cp mới).

Theo đó, CII dự kiến phát hành thêm gần 34 triệu cp, tổng mệnh giá gần 340 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến nâng từ 2,833 tỷ đồng lên thành 3,173 tỷ đồng.

 

Theo tài liệu, HĐQT dự kiến đệ trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2022 tối đa 5 triệu cp với giá phát hành 10,000 đồng/cp, tuy nhiên ở đầu Đại hội, HĐQT Công ty đã đề xuất bỏ phương án phát hành này và được ĐHĐCĐ thông qua.

Giải đáp góp ý của cổ đông về việc cải thiện hình ảnh của Công ty trên các phương tiện thông tin truyền thông, ông Bình nhận xét, “Thứ nhất, trong giai đoạn 2019-2021, Công ty chỉ toàn đi vay để đầu tư nên hình ảnh của Công ty trên thị trường tại thời điểm đó đã trở nên xấu đi. Thứ hai, CII không muốn vẽ ra bức tranh màu hồng mà muốn phản ánh hình ảnh thực để nhà đầu tư và cổ đông nhìn ra rủi ro và tiềm năng của CII, từ đó đưa ra quyết định song hành với CII như thế nào”.

Ông Bình cho biết thêm, dự kiến trong tháng 6 và chậm nhất là đầu tháng 7, CII sẽ tổ chức roadshow. Tiêu đề của roadshow vẫn chưa được thống nhất nhưng sẽ xoay quanh các chủ đề như “CII - Thách thức và rủi ro” hoặc “CII - Cơ hội và rủi ro”. Qua đó, CII muốn trình bày những rủi ro và cơ hội mà Công ty đang có để cổ đông và nhà đầu tư có cái nhìn khách quan hơn.

Hà Lễ

FILI