Dầu tăng khi nguồn cung khan hiếm

Dầu tăng khi nguồn cung khan hiếm

Giá dầu tăng vào ngày thứ Tư (25/5), được thúc đẩy bởi nguồn cung khan hiếm và các nhà máy lọc dầu của Mỹ thúc đẩy hoạt động chế biến lên mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 47 xu lên 114.03 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 56 xu lên 110.33 USD/thùng.

Vào ngày thứ Tư, dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 1 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ xăng cũng giảm nhẹ. Dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 1.7 triệu thùng. Các nhà máy lọc dầu đã tăng tốc độ xử lý, nâng công suất sử dụng lên 93.2%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.

Các nhà máy lọc dầu đã phải duy trì các cơ sở hoạt động hết công suất để đối phó với nhu cầu lớn, đặc biệt là từ nước ngoài, khi xuất khẩu các sản phẩm tinh chế tăng lên hơn 6.2 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Xuất khẩu tăng cao và công suất lọc dầu giảm đồng nghĩa với việc dự trữ xăng ở Mỹ giảm.

Hoạt động đi lại trong thời gian cuối tuần nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) sắp tới tại Mỹ dự kiến sẽ nhộn nhịp nhất trong 2 năm khi ngày càng nhiều người lái xe lên đường và rũ bỏ lo ngại về phong tỏa Covid-19 mặc dù giá xăng tăng.

Nguồn cung dầu thô toàn cầu tiếp tục khan hiếm khi nhiều người mua né tránh dầu từ Nga, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, sau cuộc xung đột với Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết vào ngày thứ Tư rằng Liên minh châu Âu (EU) hy vọng có thể đạt được thống nhất về các biện pháp trừng phạt nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu Nga trước khi diễn ra cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu.

Tác động tiêu cực đến giá dầu là các biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đã áp đặt các lệnh hạn chế mới, trong khi Thượng Hải có kế hoạch giữ nguyên phần lớn các biện pháp kiểm soát trong tháng này.

An Trần (Theo CNBC)

FILI