Cha mẹ cần làm gì để trẻ thành công trong tương lai?

Cha mẹ cần làm gì để trẻ thành công trong tương lai?

Khi Michele Borba bắt đầu sự nghiệp giảng dạy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết các em hoặc là sống trong tình trạng nghèo đói, bị lạm dụng hoặc là khiếm khuyết về khả năng học tập, cảm xúc hay thể chất. Michele luôn mong muốn tìm ra cách để giúp đỡ những đứa trẻ đó thành công.

Là một nhà tâm lý học giáo dục, Michele đã học được một bài học quan trọng: Thành đạt là do rèn luyện mà có, chứ không phải bẩm sinh. Trẻ em cần một tuổi thơ an toàn, được yêu thương và có nền tảng nhưng chúng cũng cần được tự do quyết định, rèn luyện bản lĩnh và sự dẫn dắt để giúp chúng thành công.

Sau khi tìm tòi nghiên cứu về những đặc điểm có liên quan nhiều nhất đến việc tối ưu hóa khả năng thành đạt của trẻ, Michele đã xác định được 7 kỹ năng mà trẻ em cần có để trau dồi sức mạnh tinh thần, sự bền bỉ, bản lĩnh xã hội, khả năng tự nhận thức và sức mạnh tinh thần – đây cũng chính là những điều làm nên sự khác biệt giữa những đứa trẻ thành công với những đứa trẻ sẽ chật vật về sau trong đời:

1. Sự tự tin

Hầu hết các bậc cha mẹ đều đánh đồng lòng tự trọng với sự tự tin. Họ nói với con cái của mình rằng: “Con thật đặc biệt” hay “Con có thể trở thành bất cứ điều gì con muốn”.

Nhưng hiếm có bằng chứng cho thấy nâng cao lòng tự trọng sẽ gia tăng sự thành công học thuật hay thậm chí là hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy đứa trẻ nào nhận ra nỗ lực và khả năng sẽ quyết định điểm số của chúng thì dễ thành công hơn so với những đứa trẻ tin rằng chúng không thể nào quyết định được thành tích học tập của mình.

Niềm tự tin đích thực là kết quả của việc hoàn thành tốt công việc, dám đối mặt trở ngại, tìm kiếm giải pháp và nhanh chóng hồi phục phong độ. Giúp trẻ em sửa chữa lỗi lầm hay làm thay chúng chỉ khiến chúng nghĩ: “Mọi người không tin là con có thể làm được”.

Những đứa trẻ tự tin biết rằng khi thất bại chúng cần phải đứng dậy, đó là lý do tại sao chúng ta cần phải giải phóng bản thân khỏi tình trạng do dự, vượt qua trở ngại và giải phóng tiềm năng của mình.

2. Sự đồng cảm

Phẩm chất này có 3 hình thức khác nhau: sự đồng cảm khiến chúng ta xúc động khi có thể sẻ chia được cảm nhận và cảm xúc của người khác; đồng cảm hành vi, khi sự đồng cảm thúc đẩy chúng ta hành động với tình thương; và sự đồng cảm nhận thức, khi chúng ta hiểu được suy nghĩ của người khác hoặc đặt mình vào tình thế của họ.

Trẻ em cần những ngôn từ cảm xúc để phát triển khả năng đồng cảm. Đây là những cách mà cha mẹ có thể dạy chúng:

Gọi tên các cảm xúc: Đặt tên có chủ đích cho các cung bậc cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh có thể giúp con bạn trau dồi những ngôn từ cảm xúc: “Bạn đang hạnh phúc!”, “Có vẻ bạn đang buồn”.

Đặt câu hỏi: “Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?”, “Con có vẻ đang sợ. Phải vậy không?” Giúp con bạn nhận thức được tất cả các cảm giác đều bình thường. Cách thức chúng ta lựa chọn thể hiện chúng mới là nguyên nhân có thể khiến chúng ta gặp rắc rối.

Chia sẻ cảm xúc: Trẻ em cần cơ hội để bày tỏ cảm xúc của chúng một cách an toàn. Hãy tạo ra không gian đó bằng cách chia sẻ cảm xúc của bạn: “Mẹ ngủ không được ngon nên mẹ hơi cáu”, “Cuốn sách này khiến mẹ bực mình”.

Để ý người khác: Chỉ ra nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của mọi người ở thư viện hoặc công viên: “Con nghĩ người đàn ông đó đang cảm thấy thế nào?”, “Con có bao giờ cảm thấy như thế chưa?”

3. Tự kiểm soát

Khả năng kiểm soát sự tập trung, cảm xúc, suy nghĩ, hành động hay mong muốn là một trong những ưu điểm có liên quan nhất đến sự thành công – và là một bí mật bất ngờ ít được nói đến có thể giúp con trẻ vực dậy và phát triển.

Một cách để dạy trẻ em cách tự kiểm soát là ra tín hiệu. Một vài đứa trẻ gặp khó khăn khi chuyển đổi sự tập trung giữa các hoạt động. Đó là lý do tại sao giáo viên sử dụng “tín hiệu tập trung” như ấn chuông hay hô khẩu hiệu: “Bỏ bút chì xuống, ngước mắt lên”.

Đặt ra một tín hiệu, cùng con bạn luyện tập, sau đó hy vọng chúng sẽ tập trung hơn! Một vài ví dụ như: “Tôi cần các em tập trung trong một phút”, ”Mọi người có sẵn sàng lắng nghe?”

Một kỹ thuật khác là dạy các em cách dừng lại. Chậm lại cho chúng thời gian suy nghĩ. Dạy cho chúng một “động tác nhắc nhở” để nhắc con bạn dừng lại và suy nghĩ trước khi hành động:

“Nếu con đang tức giận, hãy đếm đến 10 trước khi con trả lời”.

“Khi nghi ngờ: Dừng lại, suy nghĩ, điềm tĩnh”.

“Đừng nói bất kỳ điều gì con không muốn nói về bản thân”.

4. Phẩm chất

Phẩm chất là một tổ hợp những niềm tin được học, những khả năng, thái độ và kỹ năng tạo ra một la bàn đạo đức mà con trẻ có thể dùng để giúp chúng nhận biết và làm điều đúng đắn.

Đưa ra kỳ vọng của chính bạn là một việc quan trọng. Nhưng cũng quan trọng không kém khi để con trẻ có không gian phát triển những phẩm chất đạo đức của chúng làm sao vừa tương đồng vừa tách biệt với chúng ta.

Bạn cũng nên công nhận và ca ngợi những hành vi đạo đức mà con của bạn đang thể hiện để chúng biết được là bạn đánh giá cao những điều đó. Gọi tên phẩm chất, sau đó giải thích những hành động để con bạn biết chúng nên làm gì để xứng đáng nhận được sự công nhận.

Sử dụng cụm từ “bởi vì” sẽ khiến lời khen của bạn cụ thể hơn: “Con là một người có phẩm chất bởi vì con đã từ chối không tham gia cuộc nói chuyện phím đó”. “Con là một người có phẩm chất bởi vì con giữ lời hứa đi cùng bạn mặc dù con phải từ bỏ buổi tiệc đó!”

5. Tính hiếu kỳ

Tính hiếu kỳ chỉ sự nhận thức, muốn theo đuổi và khao khát khám phá những sự kiện mới lạ, không chắc chắn và có tính thử thách.

Để giúp con trẻ xây dựng được tính hiếu kỳ, Michele thường sử dụng những bộ đồ chơi lắp ráp. Cho chúng sơn, chỉ và que kem để chúng dựng hình. Hay đưa chúng kẹp giấy và bàn chải làm sạch đường ống rồi thách đố chúng tìm ra những cách khác nhau để sử dụng những vật dụng đó.

Một phương pháp khác chính là kích thích tính tò mò. Thay vì nói “Điều này không được đâu”, hãy thử nói “Để xem chuyện gì sẽ xảy ra!” Thay vì đưa ra đáp án, hãy hỏi: “Con nghĩ như thế nào?”, “Làm sao con biết?”, “Con đã tìm ra điều đó như thế nào?”

Cuối cùng, khi đọc một quyển sách, xem một bộ phim hay chỉ là đi ngang qua ai đó, hãy sử dụng câu hỏi “Liệu/Tại sao”: “Liệu cô ấy sẽ đi đâu tiếp theo?”. “Tôi thắc mắc tại sao họ lại làm thế?”. “Liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”.

6. Kiên trì

Tính kiên trì giúp con trẻ tiếp tục hành động dù có nhiều yếu tố khiến chúng muốn từ bỏ.

Sai lầm có thể khiến con bạn không làm đến cùng và đạt được thành công. Do vậy đừng để chúng nghiêm trọng hóa vấn đề. Thay vào đó hãy giúp chúng đối mặt và nhận ra sai lầm của mình.

Một số bé bỏ cuộc bởi vì chúng cảm thấy quá tải với “tất cả những vấn đề” hay “tất cả những bài tập”. Chia nhiệm vụ thành những phần nhỏ giúp trẻ em lấy lại sự tập trung hay khởi đầu lại.

Bạn có thể dạy cho con cái của mình “cách chia nhỏ vấn đề”, bằng cách dùng một mẩu giấy che tất cả các câu toán đố lại, trừ dòng trên cùng. Kéo tờ giấy xuống dòng tiếp theo và cứ thế khi mỗi dòng được hoàn thành.

Những đứa trẻ lớn hơn có thể đem mỗi nhiệm vụ viết lên một mẫu giấy dán, theo mức độ khó khăn, và mỗi thời điểm chỉ làm một nhiệm vụ. Khuyến khích chúng làm việc khó nhất trước để chúng không cảm thấy stress cả đêm. Sự tự tin và tính kiên trì được tích lũy khi trẻ em tự mình hoàn thành những công việc lớn hơn.

7. Sự lạc quan

Những đứa trẻ lạc quan nhìn nhận thử thách và chướng ngại chỉ mang tính tạm thời và có thể vượt qua, nên chúng dễ thành công hơn.

Nhưng tiêu cực là một góc nhìn hoàn toàn trái ngược. Những đứa trẻ tiêu cực thấy thử thách là mãi mãi, như những bức tường xi măng, không thể nào dịch chuyển, do đó chúng dễ từ bỏ.

Dạy trẻ tích cực bắt đầu từ chỗ chúng ta. Trẻ em hấp thu lời nói của chúng ta như tiếng nói nội tâm của chúng, nên trong một vài ngày tới, hãy điều chỉnh những câu nói thường ngày của bạn và đánh giá chúng sẽ có tác động như thế nào đến con trẻ.

Bạn cảm thấy bản thân là một người tiêu cực nhiều hơn hay tích cực nhiều hơn? Bạn thường nhìn nhận mọi thứ tích cực hay tiêu cực; đầy một nửa hay là trống; tốt hay xấu; nhìn đời qua đôi mắt màu hồng hay màu xanh? Liệu bạn bè và gia đình cũng nói như thế về bạn?

Nếu như bạn đang nghiêng về hướng thiếu một nửa, hãy nhớ sự thay đổi bắt đầu bằng cách nhìn theo hướng ngược lại. Nếu như bạn cảm thấy tiêu cực, hãy viết ra tại sao có ích hơn khi trở nên tích cực.

Thay đổi là một điều khó khăn, nhưng trở thành hình mẫu cho con bạn là một việc thiết yếu.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI