Viglacera lần đầu báo lãi hơn ngàn tỷ đồng

Viglacera lần đầu báo lãi hơn ngàn tỷ đồng

Với kết quả tích cực trong năm 2021, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSEVGC) đã vượt 54% chỉ tiêu lãi trước thuế được cổ đông giao phó.

Kết quả kinh doanh năm 2021 của VGC. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của VGC

Trong năm 2021, doanh thu thuần VGC đạt gần 11,201 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán các sản phẩm gạch ốp lát chiếm hơn 23% và doanh thu cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp chiếm gần 23%.

Cơ cấu doanh thu của VGC
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của VGC

Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng mạnh 85%, đạt gần 177 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong bức tranh kinh doanh của VGC là khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết, ghi nhận hơn 123 tỷ đồng trong khi năm trước con số này chỉ ở mức 4 tỷ đồng. Được biết, tại thời điểm 31/12/2021, VGC đang đang đầu tư vào 9 công ty liên doanh liên kết.

Khép lại năm 2021, lãi ròng VGC đạt gần 1,228 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện năm 2020.

VGC báo lãi lỷ lục kể từ khi hoạt động

Trong năm 2021, VGC đặt kế hoạch đem về 12,000 tỷ đồng doanh thu và 1,000 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 27% và 19% so với kết quả đạt được trong năm 2020. Như vậy, VGC đã thực hiện được 93% mục tiêu doanh thu và vượt 54% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Tính riêng trong quý 4, VGC ghi nhận doanh thu thuần tăng 59%, lên gần 3,693 tỷ đồng và lãi ròng đạt 410 tỷ đồng, gấp 4.6 lần cùng kỳ. Theo giải trình của VGC, nguyên nhân là do bất động sản khu công nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ, đóng góp lợi nhuận chính cho VGC. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhôm kính có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng về quy mô, lợi nhuận do từ quý 4/2021, Tổng Công ty hợp nhất BCTC của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ do nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 65% kể từ 01/10/2021, đóng góp vào lợi nhuận chung toàn Công ty.

Tổng tài sản tăng hơn 4 ngàn tỷ đồng

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của VGC ghi nhận hơn 22,015 tỷ đồng, tăng 22% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) tăng vọt từ 45 tỷ đồng đầu năm lên gần 197 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cũng tăng 9%, giá trị gần 3,731 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 39% và thành phẩm chiếm 37%.

Điểm nhấn khác đến từ tài sản dở dang dài hạn, tăng từ 3,913 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 5,129 tỷ đồng với toàn bộ là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án. Đáng chú ý, kỳ này VGC ghi nhận thêm các dự án mới như Dự án Khai thác đất tại Đông Mai (28 tỷ đồng), Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (289 tỷ đồng), Nâng cấp dây chuyển 1 Nhà máy Viglacera Tiên Sơn (644 tỷ đồng).

Nợ phải trả tại thời điểm này gần 8,631 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 1,523 tỷ đồng (tăng nhẹ) và nợ vay dài hạn gần 1,666 tỷ đồng (gấp 4 lần). Bên cạnh đó, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng tăng 23%, lên mức 3,360 tỷ đồng.

Song song với kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu cũng tạo sự chú ý trên thị trường với mức tăng mạnh trong năm 2021 và thiết lập đỉnh kỷ lục hồi phiên 17/12/2021 (61,500 đồng/cp). Sau đó, giá đã điều chỉnh và hiện đang giao dịch tại mức 46,700 đồng/cp (10h51 phiên 25/01/2021), giảm 24% so với đỉnh. Thanh khoản bình quân trong 1 năm trở lại đây ghi nhận hơn 1 triệu cp/phiên. 

Diễn biến giá cổ phiếu VGC trong 1 năm trở lại đây

Tiên Tiên

FILI

61,500VNĐ (17/12/2021)*