Thanh khoản thị trường có thể giảm nhẹ 5-10% trong 2022

Thanh khoản thị trường có thể giảm nhẹ 5-10% trong 2022

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thanh khoản TTCK năm 2022 sẽ suy yếu nhẹ so với năm 2021 khi mặt bằng lãi suất hồi phục nhẹ và dòng tiền rút ra phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù vậy, định giá thị trường vẫn tương đối hấp dẫn xét trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp và tiềm năng tăng trưởng cao của doanh nghiệp niêm yết.

Năm 2021 đang dần khép lại, nhân dịp cuối năm, người viết đã có dịp trao đổi với ông Trần Đức Anh về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2022 sắp tới.

Thị trường chứng khoán (TTCK) 2021 liên tục lập kỷ lục thanh khoản mới, cao gấp nhiều lần so với giai đoạn những năm trước đây. Theo ông, đâu là những yếu tố chính kéo thanh khoản thị trường đi lên?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường KBSV

Ông Trần Đức Anh: Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong năm 2021 đến từ 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh khiến kênh tiền gửi ngân hàng kém hấp dẫn đối với người dân, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng vào cuối năm, trong khi các kênh đầu tư khác (vàng, USD, trái phiếu…) cũng có những hạn chế nhất định. Thứ hai, dịch bệnh khiến nền kinh tế đình trệ, đặc biệt trong các giai đoạn giãn cách xã hội, khiến nguồn tiền nhàn rỗi gia tăng, kết hợp với nhu cầu đầu tư cao của người dân để cải thiện thu nhập. Thứ ba, sức hấp dẫn của TTCK gia tăng trong bối cảnh chỉ số VN-Index liên tục phá đỉnh nhờ bệ đỡ từ kết quả kinh doanh khởi sắc ở nhóm doanh nghiệp niêm yết.

Ông dự báo thanh khoản thị trường trong năm 2022 sẽ diễn biến thế nào?

Ông Trần Đức Anh: Đối với năm 2022, tôi cho rằng thanh khoản sẽ suy yếu nhẹ so với năm 2021 (với mức giảm 5-10%) khi mặt bằng lãi suất hồi phục nhẹ và dòng tiền rút ra phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế vận hành ở trạng thái bình thường mới. Thanh khoản sàn HOSE dự báo ở mức xấp xỉ 19 ngàn tỷ đồng/phiên.

Với sự bùng nổ tài khoản mở mới trong năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận đến khoảng 4 triệu tài khoản chứng khoán (cuối tháng 11). Liệu làn sóng nhà đầu tư mới vẫn sẽ ào ạt kéo dài sang năm 2022?

Ông Trần Đức Anh: Xu hướng số tài khoản mở mới chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022, trong bối cảnh kênh đầu tư chứng khoán đang dần trở nên phổ biến hơn với người dân nhờ có nhiều ưu điểm so với kênh gửi tiết kiệm thông thường. Trên thực tế, tỷ lệ số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam trên tổng số người dân mới đạt xấp xỉ 4%, còn ở mức rất thấp so với khu vực và việc con số này tiếp tục tăng trong các năm tới, song hành với sự phát triển của nền kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán, là xu hướng chắc chắn sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng tốc độ tăng trong năm 2022 sẽ chậm lại so với năm 2021 do mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm sau dưới áp lực lạm phát, cầu tín dụng phục hồi, cũng như chính sách tiền tệ dần thắt chặt của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn. Đồng thời, nền kinh tế vận hành trở lại khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát khiến dòng tiền nhàn rỗi sẽ quay trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường thay vì đổ vào kênh chứng khoán như trong các giai đoạn nền kinh tế đình trệ bởi giãn cách xã hội.

Trong năm 2022, dòng tiền khối ngoại sẽ vận động thế nào? Nhìn về dài hạn, ông đánh giá thế nào về triển vọng của dòng tiền ngoại?

Ông Trần Đức Anh: Trong ngắn hạn, giai đoạn nửa đầu năm 2022, tôi không cho rằng khối ngoại sẽ mua ròng trở lại khi mà các yếu tố kích hoạt động thái bán ròng của khối này 2 năm qua vẫn được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh Fed và các NHTW lớn khác bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù vậy, áp lực bán ròng nhiều khả năng sẽ suy yếu khi kinh tế Việt Nam dần phục hồi trở lại, gói kích thích kinh tế của Chính phủ được thông qua, hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh và câu chuyện nâng hạng thị trường trở nên rõ nét hơn sẽ là yếu tố níu giữ dòng vốn ngoại ở lại. Nhìn xa hơn, tính từ nửa năm 2022 trở đi, tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng khi mà TTCK Việt Nam thể hiện rõ hơn sức hấp dẫn nội tại, đặc biệt ở khía cạnh tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết nhờ được hưởng lợi từ nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông dự báo đâu sẽ là những nhóm ngành có thể thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm 2022?

Ông Trần Đức Anh: Với động lực tăng trưởng chính của thị trường trong năm 2022 là sự phục hồi của nền kinh tế giai đoạn hậu Covid với lực đỡ từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu sẽ tăng trưởng, vì được hưởng lợi từ bối cảnh thuận lợi của kinh tế vĩ mô như sự phục hồi trong hoạt động, tiêu dùng trong nước, tăng trưởng xuất khẩu, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, thu hút vốn FDI, và xu hướng chuyển đổi số… sẽ thu hút mạnh sự quan tâm của dòng tiền. Trong đó tôi đặc biệt chú ý đến cổ phiếu các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, dệt may, công nghệ thông tin và hạ tầng xây dựng.

Nhà đầu tư nên dựa vào dấu hiệu nào để đón đầu dòng tiền?

Ông Trần Đức Anh: Đối với những cổ phiếu có tính cơ bản, diễn biến tăng nóng có thể được lý giải xuất phát từ kỳ vọng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh (ngân hàng, chứng khoán, thép, hạ tầng xây dựng…), và thực tế phần đông các doanh nghiệp trong những ngành này đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố khách quan. Ở nửa sau 2021, khi nhóm cổ phiếu cơ bản tăng nóng chùng xuống, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao thay thế thu hút sự quan tâm của dòng tiền và tăng giá mạnh. Diễn biến này thuần tuý thể hiện sự vận động của dòng tiền đầu cơ và thường không có tín hiệu cụ thể.

Trong bối cảnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ tiếp tục dồi dào trong năm 2022, tôi cho rằng sự vận động luân chuyển của dòng tiền sẽ còn tiếp diễn và nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu ở những doanh nghiệp kỳ vọng có sự cải thiện mạnh trong kết quả kinh doanh.

Theo ông, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang là đắt hay rẻ?

Ông Trần Đức Anh: P/E chỉ số VN-Index đang giao dịch trên 17 lần, đang cao so với lịch sử. Tuy nhiên, con số này vẫn tương đối hấp dẫn xét trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp và tiềm năng tăng trưởng cao của doanh nghiệp niêm yết.

Tôi dự báo VN-Index có thể chạm mức cao nhất 1,800 điểm trong năm 2022. Thanh khoản sàn HOSE giảm so với 2021, xấp xỉ mức 19 ngàn tỷ đồng/phiên.

Về khả năng nâng hạng thị trường Việt Nam trong năm 2022, cơ hội là có đối với phân hạng của FTSE, tuy nhiên chưa khả thi với phân hạng của MSCI.

Xin cám ơn ông!

Xuân Nghĩa

FILI