Dầu WTI lao dốc hơn 5% do lo ngại về hiệu quả vắc-xin

Dầu WTI lao dốc hơn 5% do lo ngại về hiệu quả vắc-xin

Giá dầu giảm mạnh vào ngày thứ Ba (30/11) sau khi CEO của Moderna nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 đối với biến thể Omicron, qua đó làm chao đảo các thị trường tài chính.

Người đứng đầu hãng dược phẩm Moderna nói với Financial Times rằng vắc-xin Covid-19 có khả năng không có hiệu quả chống lại biến thể Omicron như đã từng đối với biến thể Delta.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 2.87 USD (tương đương 3.9%) xuống 70.57 USD/thùng, sau khi rớt xuống mức đáy trong phiên 70.52 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 01/9. Hợp đồng dầu WTI mất 3.77 USD (tương đương 5.4%) còn 66.18 USD/thùng.

Những nhận định của CEO Moderna chỉ là một yếu tố xúc tác cho thị trường vốn đã yếu, một nhà đầu tư dầu của Singapore cho biết.

Giá dầu đã lao dốc khoảng 12% vào ngày 26/11 cùng với các thị trường khác do lo ngại biến thể Omicron sẽ dẫn đến các biện pháp phong tỏa mới và làm giảm tăng trưởng toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 29/11 cho biết biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm cao, và một số quốc gia đã tăng cường hạn chế việc đi lại. Hiện vẫn chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể mới và liệu nó có thể kháng lại các loại vắc-xin hiện có hay không.

Với triển vọng nhu cầu đen tối, dự báo ngày càng tăng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh, còn gọi chung là nhóm OPEC+, sẽ trì hoãn kế hoạch cung cấp thêm 400,000 thùng/ngày vào tháng 01/2022.

Áp lực đang gia tăng trong OPEC+, vốn dự kiến nhóm họp vào ngày 02/12, sẽ xem xét lại kế hoạch nguồn cung sau khi Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác vào tuần trước đã tuyên bố giải phóng dự trữ dầu thô khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng giá dầu tăng cao.

Cũng gây áp lực lên thị trường là triển vọng nối lại xuất khẩu dầu từ Iran, sau những nhận định tích cực từ các nhà ngoại giao khi các cuộc đàm phán được nối lại vào ngày 29/11 giữa các cường quốc và Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

An Trần (Theo CNBC)

FILI