Chứng khoán tháng 12 và câu chuyện mốc 1,500

Chứng khoán tháng 12 và câu chuyện mốc 1,500

Về mặt điểm số thì VN-Index đang ở rất gần mốc 1,500 nhưng theo chuyên gia nhận định, chỉ số có chinh phục được hay không thì vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường hiện tại. Nhất là khi Covid-19 đang có nguy cơ trở lại với biến chủng mới.

Ngưỡng 1,500 ở rất gần nhưng còn nhiều thách thức

Trao đổi với người viết về thị trường chứng khoán tháng 12, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền – Giám đốc Nghiên cứu Phân tích – Khối khách hàng Cá nhân CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, TTCK trong tháng 12 sẽ vẫn nghiêng về hướng thuận lợi. Động lực quan trọng dành cho thị trường xoay quanh 2 chủ đề chính gồm: Sự hồi phục tiếp diễn khi nền kinh tế vận động trở lại sau giai đoạn trì trệ vì dịch bệnh và những chính sách kích cầu có thể được công bố rõ ràng hơn trong giai đoạn cuối năm nay.

Dù vậy, rủi ro tiềm ẩn quan trọng nhất của thị trường vào lúc này có lẽ sẽ liên quan đến biến chủng mới của Covid-19, Omicron. Những thông tin cập nhật tới đây liên quan đến vấn đề này, nếu đi theo chiều hướng xấu hơn sẽ có thể tạo ra những rung lắc mạnh dành cho thị trường. Ở góc độ phục hồi kinh tế, thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn là thách thức trong thời gian tới, nhưng những lo ngại này có thể giảm bớt vào đầu năm sau.

Dựa trên góc nhìn kỹ thuật, kháng cự quan trọng tiếp theo của chỉ số quanh vùng 1,560 điểm, bà Tuyền cho rằng VN-Index trong tháng 12 sẽ có những thời điểm tiệm cận khu vực này.

Ở góc nhìn trung hạn dựa trên các đánh giá cơ bản, mục tiêu VN-Index đến cuối 2022 quanh khu vực 1,800 điểm dựa trên mức P/E bình quân 5 năm khoảng 16-17 lần và tốc độ tăng trưởng EPS khoảng 20-22% cho năm sau.

Theo ông Lê Vương Hùng - Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC), thị trường sẽ tiếp tục chinh phục ngưỡng này trong tháng 12. Cũng theo ông Hùng, về mặt điểm số thì VN-Index đang ở rất gần mốc 1,500 nhưng chinh phục được hay không thì tương đối thách thức trong bối cảnh thị trường hiện tại.

Ông Hùng chỉ ra những lý do khiến thị trường gặp thách thức như sau. Đầu tiên, biến chủng mới của Covid có tốc độ lây lan cao đang có nguy cơ ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2021 và sang năm 2022. Thứ hai, lạm phát tăng cao khiến Fed đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ hơn. Mặt khác, khối ngoại vẫn đang bán ròng mạnh ở thị trường Việt Nam.

Ở thị trường trong nước, đà tăng của thị trường hiện đang phụ thuộc vào hai nhóm trụ là ngân hàng và họ Vingroup. Tuy nhiên, hai nhóm này chưa thể hiện đà tăng xuyên suốt khiến cho chỉ số thị trường giằng co và có biến động lớn trong những phiên gần đây.

Mốc 1,500 ở rất gần nhưng còn nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Thanh khoản sẽ duy trì ở mức cao

Bà Tuyền chia sẻ dữ liệu tháng 11 cho thấy dòng tiền mua ròng vẫn chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, trong khi đó dòng tiền các nhóm như tổ chức trong nước và khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng. Thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức cao trong tháng 12 nhưng sẽ không có nhiều đột biến so với tháng 11 trước đó.

Ở mặt tích cực, sự sôi động của thị trường được đảm bảo khi số lượng NĐT mới tham gia vào thị trường liên tục giữ mức cao với số tài khoản mở mới trên 100 ngàn mỗi tháng. Nhiều CTCK cũng đang trong cuộc đua tăng vốn, điều sẽ khiến quy mô cho vay ký quỹ của các công ty này tăng lên mức cao hơn (về số tuyệt đối) và từ đó củng cố cho thanh khoản toàn thị trường. Dù vậy tháng 12 cũng là giai đoạn thấp điểm về giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài do yếu tố nghỉ lễ và điều này cũng phần nào tác động lên diễn biến chung toàn thị trường.

Về mặt định giá thị trường, ông Hùng cho biết, PE cuối tháng 11 đang ở mức cao khoảng 17.5 lần so với trung bình 10 năm (15.5 lần). Vị chuyên gia đánh giá kết quả này là do doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ Covid dẫn tới tăng trưởng trong hai năm 2020 và 2021 thấp, đồng thời giá cổ phiếu tăng cao. Nhưng nếu dịch bệnh được kiểm soát thì sức bật của nền kinh tế sẽ rất mạnh. EPS năm 2022, 2023 sẽ tăng trưởng mạnh. Từ đó, đưa PE trở lại mức hợp lý trong dài hạn.

Theo dõi biến chủng mới

Nói về chiến lược đầu tư, bà Tuyền cho rằng, chứng khoán, ngân hàng là hai nhóm ngành đáng quan tâm lớn hơn cho tháng 12. Ngành bán lẻ cũng bước vào mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm. Bên cạnh đó, nếu những thông tin về kích cầu trở nên rõ nét hơn, sự kỳ vọng cũng sẽ lớn hơn tại các nhóm ngành được hưởng lợi từ vấn đề này như hạ tầng, xây dựng, bất động sản...

Trong tháng còn lại của năm 2021, nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đến những thông tin cập nhật về biến chủng Omicron và có phản ứng phòng vệ nếu các thông tin này đi theo chiều hướng xấu hơn kỳ vọng. Nếu điều này không diễn ra, xu hướng chủ đạo trong 1 tháng tới của VN-Index nhiều khả năng vẫn tăng, nhà đầu tư vì vậy sẽ có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao hơn tiền.

Còn theo ông Hùng, nhóm ngân hàng và họ Vingroup đang không thể hiện xu hướng rõ ràng, do đó, nhà đầu tư nên tìm cơ hội ở những nhóm ngành khác để có tỷ suất sinh lời cao hơn và an tâm hơn trước biến động thị trường. Tháng 12 tới sẽ là thời điểm chốt số kết quả kinh doanh năm 2021, nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tìm ra cơ hội ở các nhóm ngành và doanh nghiệp.

Một trong những ngành tốt xuyên suốt trong năm 2021 là nhóm chứng khoán. Bên cạnh đó, các nhóm hàng hóa hưởng lợi từ chu kỳ siêu cổ phiếu như đạm, thép, hóa chất cũng sẽ có kết quả kinh doanh tốt.

Mặc dù gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhóm cổ phiếu thủy sản sẽ tích cực khi thị trường Mỹ đã hồi phục và giá cổ phiếu xuất khẩu tăng.

Ngoài ra, nhóm dầu khí cũng sẽ triển vọng trong giai đoạn cuối năm khi giá dầu tăng trong quý 4, báo hiệu kết quả kinh doanh quý 4 và 2022 triển vọng.

Ông Hùng cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên tránh các cổ phiếu đã tăng giá nhiều mà kết quả kinh doanh 2021 không khả quan vì trong dài hạn, giá cổ phiếu sẽ giảm về mức hợp lý để phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.

Chí Kiên

FILI