Vì sao CMS muốn xóa nợ tại dự án Sông Bạc?

Vì sao CMS muốn xóa nợ tại dự án Sông Bạc?

HĐQT CTCP CMVIETNAM (HNXCMS) đã thông qua phương án xóa nợ ở dự án Sông Bạc để không bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HNX.

Theo Hội đồng xử lý nợ của CMS báo cáo, các tồn tại liên quan đến dự án Sông Bạc bao gồm: Khoản phải thu, phải trả, sản lượng dở dang chưa nghiệm thu và chi phí dở dang. Khoản phải thu, phải trả và sản lượng dở dang chưa nghiệm thu liên quan đến dự án Sông Bạc đã tồn tại trước năm 2013. Công ty cũng đã thực hiện việc trích chi phí dự phòng rủi ro khoản phải thu một phần giá trị phải thu đối với khoản phải thu CTCP Thủy điện Sông Bạc.

Trong BCTC các năm 2019, 2020, Công ty kiểm toán cũng đã có ý kiến ngoại trừ đối với các khoản phải thu, phải trả và chi phí dở dang của dự án Sông Bạc. Tính đến hiện tại, Công ty vẫn chưa thực hiện được việc nghiệm thu khối lượng dở dang, thu hồi công nợ phải thu và thanh toán công nợ phải trả của dự án Sông Bạc; chưa ký được biên bản xác nhận, đối chiếu công nợ với các bên liên quan. Vì vậy, các nội dung này sẽ vẫn luôn là nội dung để Công ty kiểm toán ghi nhận ý kiến ngoại trừ trong BCTC năm 2021 và các năm tiếp theo cho đến khi Công ty thực hiện được việc nghiệm thu khối lượng dở dang, thu hồi công nợ và thanh toán công nợ phài trả của dự án Sông Bạc

Theo Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Công ty có BCTC nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong vòng 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Việc này sẽ làm cho cổ phiếu của Công ty bị hủy niêm yết tại sàn HNX và xuống giao dịch tại sàn UPCoM. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và mong muốn được giao dịch tại sàn HNX của cổ đông Công ty.

Vậy nên, Hội đồng xử lý nợ đã kiến nghị HĐQT CMS việc thực hiện xóa nợ phải thu, phải trả và ghi nhận tổn thất đối với sản lượng dở dang chưa nghiệm thu của dự án Sông Bạc. Hội đồng xử lý nợ đề nghị HĐQT CMS sử dụng “Quỹ phát triển” hoàn nhập về “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” để bù đắp một phần tổn thất tài chính liên quan đến dự án Sông Bạc. Các tổn thất tài chính này sẽ được ghi nhận hồi tố vào BCTC 2020. Đồng thời, Hội đồng xử lý nợ kiến nghị HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 để xin phê duyệt việc điều chỉnh hồi tố BCTC 2020.

Theo đó, HĐQT CMS đã thông qua việc xóa nợ phải thu, phải trả, ghi nhận tổn thất đối với sản lượng dở dang chưa được nghiệm thu và chi phí dở dang của dự án Sông Bạc với giá trị hơn 44 tỷ đồng.

Ngoài ra, CMS cũng sẽ xóa nợ phải thu tiền ứng trước mua hàng cho Công ty TNHH thiết bị và xây dựng Phoenix với giá trị gần 265 triệu đồng.

Song song đó, CMS sẽ hoàn số dư “Quỹ đầu tư phát triển” hơn 5 tỷ đồng về “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” để bù đắp các khoản xử lý trên.

Các tổn thất tài chính và giá trị bù đắp tổn thất nói trên sẽ được CMS thực hiện hồi tố vào BCTC năm 2020, do năm 2020 là năm gần nhất có thể hồi tố và kiểm toán viên đã có ý kiến ngoại trừ các vấn đề này trong BCTC năm 2020.

Về kết quả kinh doanh của CMS, trong quý 3/2021, Công ty lỗ ròng gần 3 tỷ đồng do phần lớn các hợp đồng thi công xây dựng trong và ngoài nước của Công ty đã đến giai đoạn kết thúc thi công chuẩn bị bàn giao cho chủ đầu tư trong khi Công ty chưa có các hợp đồng mới kế tiếp. Ngoài nguyên nhân trên cũng phải kể đến ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động và kết quả kinh doanh của CTCP CM Nha Trang (Công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch khách sạn).

Do đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty lỗ ròng gần 9 tỷ đồng khi doanh thu thuần giảm gần phân nửa và giá vốn ăn mòn gần hết doanh thu.

Tính đến ngày 30/09/2021, tổng tài sản của CMS ở mức gần 396 tỷ đồng với các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Hiện cổ phiếu CMS đang tăng trần lên mức 19,400 đồng/cp (10h00 phiên 23/11/2021), gấp hơn 3 lần kể từ hồi đầu tháng 11/2021.

Khang Di

FILI