Hiệp hội Ngân hàng đề nghị cần luật hóa quy định xử lý nợ xấu

Hiệp hội Ngân hàng đề nghị cần luật hóa quy định xử lý nợ xấu

Ngày 24/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức hội thảo với chủ đề "Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID - 19 và hoàn thiện chính sách pháp luật".

Khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ còn chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới hình thành và phương thức mua bán nợ xấu còn hạn chế - Ảnh; VGP.

Trong 4 năm đã xử lý được 364.1 ngàn tỷ đồng nợ xấu

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho rằng nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng, nếu để nợ xấu tăng cao mà không xử lý kịp thời có thể gây ra sự đổ vỡ ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Tại Việt Nam, để tạo hành lang pháp lý, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu.

Sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42 đã tạo những chuyển biến tích cực trong việc xử lý nợ xấu, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Theo đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/8/2021 là 424.1 ngàn tỷ đồng và đã xử lý được 364.1 ngàn tỷ đồng kể từ 15/8/2017 - 31/8/2021.

Bên cạnh đó, các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản.

Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, các TCTD đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh…

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho hay hiện nay các chủ thế tham gia trên sàn giao dịch gồm: VAMC, các TCTD, các công ty quản lý tài sản (AMC), công ty mua bán nợ, các tổ chức và cá nhân. Hàng hoá giao dịch trên sàn là các khoản nợ xấu của các TCTD và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Sau hơn 1 tháng hoạt động, đến ngày 19/11/2021, sàn giao dịch nợ VAMC đã ký hợp đồng đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với tổng dư nợ 7,458 tỷ đồng.

Cần luật hoá quy định xử lý nợ xấu

Theo ông Nguyễn Quang Hoà, Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC, muốn thị trường mua bán nợ phát triển, cần đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia vào thị trường, hoạt động xử lý nợ phải công khai minh bạch và hợp pháp, cần thành lập các tổ chức quản lý và giám sát thị trường một cách chặt chẽ và hiệu quả.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng dịch COVID-19 khiến tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại. Trong khi đó, Nghị quyết 42 hết hiệu lực chỉ trong vài tháng nữa sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Vì vậy, việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là làm tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế.

Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Còn ông Vũ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Công nợ Vietcombank cho hay Vietcombank đặt ra nguyên tắc là ưu tiên các giải pháp cơ cấu nợ, giảm, miễn lãi để chia sẻ khó khăn với khách hàng, trong trường hợp khách hàng không có nguồn trả nợ thì ưu tiên phương án thoả thuận xử lý tài sản bảo đảm.

Đại diện Vietcombank cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện quy định, quy chế về hoạt động mua bán nợ để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD khi thực hiện mua bán nợ, cũng như tham gia sàn giao dịch mua bán nợ.

Trong đó, cần tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện mua bán nợ như chưa có quy định liên quan đến công khai thông tin khoản nợ; chưa có cơ chế ràng buộc, phối hợp của bên nợ với bên mua nợ, phòng ngừa rủi ro…

Hơn nữa, hiện nay cũng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá bán. Riêng với trường hợp khoản nợ có vốn Nhà nước, nếu bán nợ mà không định giá chính xác sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn khả năng bán nợ của các TCTD, cũng như hoạt động của sàn giao dịch nợ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tại Điều 6 Nghị quyết 42 quy định đối tượng mà VAMC được giao dịch mua bán nợ là chỉ là nợ xấu nội bảng. Trong khi đó, nợ xấu ngoại bảng lại có nhu cầu mua bán nợ rất lớn. Nếu vẫn giữ nguyên quy định như vậy theo Nghị quyết 42 thì vô hình trung đã hạn chế sự tham gia của VAMC đối với nợ xấu ngoại bảng. Do đó, nội dung trên cần sửa đổi mở rộng phạm vi hơn để tăng tính cạnh tranh trên thị trường mua bán nợ.

Ông Lê Trung Kiên, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết do tác động xấu của dịch, đến năm 2020 nợ xấu nội bảng tăng trở lại lên 1.69% và đến cuối tháng 9/2021 là 1.9%. Vì vậy, NHNN đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Trước đó, NHNN cho lùi 1 năm lộ trình áp dụng tỉ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn”.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỉ lệ này được áp dụng 40%.

Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.

Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng Thông tư trên 1 năm nữa để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Nhật Quang

FILI