Giá dầu giảm hơn 1% trước khả năng giải phóng dự trữ chiến lược từ nhiều quốc gia

Giá dầu giảm hơn 1% trước khả năng giải phóng dự trữ chiến lược từ nhiều quốc gia

Giá dầu giảm mạnh sau khi xuất hiện thông tin Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn có thể giải phóng dự trữ dầu thô chiến lược nhằm kìm hãm đà tăng của giá “vàng đen” và lạm phát.

Hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 1.37% xuống 75.70 USD/thùng sau khi có lúc tăng 0.9% trong ngày 22/11. Trong khi đó, dầu Brent giảm gần 1% xuống dưới mốc 79 USD/thùng.

Nguồn: CNBC

Ấn Độ được cho là sắp giải phóng 5 triệu thùng dầu khỏi dự trữ chiến lược và thông báo chính thức có thể được đưa ra trong ngày 23/11. Mỹ cũng có thể thông báo giải phóng dự trữ chiến lược trong ngày 23/11 và có khả năng giải phóng 35 triệu thùng dầu từ dự trữ.

Bên cạnh Ấn Độ, Mỹ, cũng xuất hiện tín hiệu giải phóng dựtruwx từ phía Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là một nỗ lực hợp tác chưa từng thấy để kìm hãm đà tăng của giá “vàng đen”. Các đại diện của liên minh OPEC+ cho biết việc giải phóng hàng triệu thùng dầu là “không hợp lý” với các điều kiện thị trường hiện tại và có thể phải cân nhắc lại kế hoạch sản lượng tại cuộc họp tuần tới.

 

Trong một tuyên bố vào ngày 23/11, Joseph McMonigle, Tổng Thư ký của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, cho biết OPEC+ có thể thay đổi kế hoạch nâng sản lượng nếu các quốc gia tiêu thụ bán dự trữ dầu mỏ hoặc tình hình dịch bệnh tệ hơn.

 

Mâu thuẫn nhen nhóm giữa các quốc gia sản xuất và quốc gia tiêu thụ có thể tác động tới thị trường dầu toàn cầu. Đà tăng của giá “vàng đen” đã hạ nhiệt trong vài tuần qua, một phần đến từ những đồn đoán về chuyện giải phóng dự trữ dầu chiến lược. Trong khi đó, sự bùng phát dịch Covid-19 tại Mỹ và châu Âu cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu.

Mỹ đang cân nhắc giải phóng hơn 35 triệu thùng dầu, theo nguồn tin thân cận. Vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra và kế hoạch có thể thay đổi.

“Việc giải phóng 35 triệu thùng dầu của Mỹ có thể tác động mạnh tới thị trường”, Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược tại ING Groep, cho biết. “Khi cân nhắc tới khối lượng dầu được giải phóng từ các nước, chúng tôi nhận thấy đó là một yếu tố có tác động khá mạnh. Rủi ro dịch bệnh, khả năng tái áp đặt biện pháp kiểm soát Covid-19 trong mùa đông và khả năng giải phóng dự trữ chiến lược có thể khiến OPEC+ ngừng nâng sản lượng”.

Nhà Trắng cũng đang cân nhắc cấm xuất khẩu dầu khí để giảm giá dầu, theo nguồn tin thân cận.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI