Dự án Cát Linh - Hà Đông chính thức đưa vào khai thác sau 10 năm với 12 lần trễ hẹn

Dự án Cát Linh - Hà Đông chính thức đưa vào khai thác sau 10 năm với 12 lần trễ hẹn

Sáng 6/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và TP. Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông. Ngay sau đó, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước bắt đầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mở ra loại hình vận tải công cộng mới.

Dự án Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao cho TP.Hà Nội khai thác từ sáng nay 6/11

Sau 10 năm chờ đợi, 4 lần lỡ hẹn, dự án đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội - Cát Linh - Hà Đông đón thời khắc lịch sử khi chính thức vận hành, khai thác. Ngay trong ngày, dự án sẽ chính thức được khai thác thương mại, chở khách.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18,000 tỷ đồng, vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tổng thầu EPC thi công dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Theo lãnh đạo TP.Hà Nội, ưu việt của đường sắt đô thị là phương tiện vận chuyển lớn, tốc độ cao. So với các phương tiện chở khách khác đi từ Cát Linh tới Hà Đông hết 45 phút thì đường sắt đô thị chỉ hơn 20 phút, điều này có ý nghĩa rất lớn cho giao thông đô thị thủ đô. Đây là tuyến đường sắt xuyên tâm và vô cùng quan trọng, tương lai sẽ kết nối với Xuân Mai.

Đây là dự án lịch sử của Hà Nội, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được vận hành khai thác.

Trong 6 tháng đầu, dự án sẽ vận hành cơ bản 6 đoàn tàu không ngừng, thời gian giãn cách là 15 phút; trong 6 tháng tiếp theo vận hành 9 đoàn với thời gian giãn cách là 6 phút. Hà Nội sẽ khai thác toàn bộ 13 đoàn tàu dựa trên căn cứ vào lưu lượng hành khách.

Bộ GTVT cho biết, dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác là 35 km/giờ, thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23.63 phút.

Khi đưa vào khai thác thương mại, dự án sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ 30 phút hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1.02 triệu người/ngày.

Nhật Quang

FILI