Định hướng doanh thu tỷ đô của Viettel Construction đến từ đâu?

Dịch vụ 

Định hướng doanh thu tỷ đô của Viettel Construction đến từ đâu?

Viettel Construction (UPCoM: CTR) đang dần mở ra bức tranh toàn cảnh về quá trình phát triển trở thành doanh nghiệp doanh thu tỷ đô. Chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Ngày 18/11/2021, HOSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 92.9 triệu cổ phiếu CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel từ UPCoM sang HOSE. Kế hoạch chuyển sàn đã được CTR thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Theo SSI Research, dòng vốn các quỹ ETF có thể trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt mức tương đối cao (gần 60% dân số đã tiêm mũi 1 và 30% tiêm mũi 2) và việc khôi phục trở lại hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, thống kê lịch sử cũng cho thấy dòng vốn đầu tư thường sẽ được giải ngân trở lại trong giai đoạn cuối năm.

Với lợi thế ngành nghề kinh doanh chủ lực đặc biệt (xây dựng và vận hành khai thác mạng viễn thông), CTR sẽ là một mã cổ phiếu tiềm năng để các quỹ đầu tư bổ sung vào danh mục khi niêm yết trên HOSE.

CTR hiện kinh doanh dựa trên 5 trụ lĩnh vực kinh doanh chính: Đầu tư hạ tầng cho thuê; Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2B và B2C); Công nghệ thông tin; Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.

Các lĩnh vực kinh doanh này đều đang mở ra kết quả kinh doanh tăng trưởng rõ rệt cho CTR. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, CTR đã hoàn thành tới 99.2% kế hoạch lợi nhuận và 93% kế hoạch doanh thu của năm (đạt 6,127/6,600 tỷ đồng). Theo đó, CTR cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 15% trong giai đoạn 2021-2025, hướng tầm vóc trở thành doanh nghiệp doanh thu tỷ đô.

Về thị trường Đầu tư Hạ tầng cho thuê:

Những năm gần đây, TowerCo là ngành công nghiệp có quy mô lớn, dự kiến đạt 146 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng cao gấp 5 lần so với ngành viễn thông, châu Á được dự báo là khu vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.

Trên thực tế, nhu cầu thuê hạ tầng từ các TowerCo của các nhà mạng tăng cao, do nhu cầu sử dụng lưu lượng data của người dùng ngày một lớn. Khi công nghệ 5G bùng nổ, cơ hội đầu tư xây dựng các trạm BTS mới sẽ được gia tăng hơn nữa.

Tại sự kiện “Hành trình 5G” mới đây, Tập đoàn Viettel thông báo đã có giấy phép triển khai mạng 5G tại 16 Tỉnh/TP trên toàn quốc. Tất cả đều sử dụng công nghệ mạng 5G hiện đại nhất hiện nay, tốc độ tối đa tại phòng thí nghiệm là 1.8 Gbps. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho CTR trong việc đầu tư xây dựng thêm các trạm BTS trong dài hạn.

Theo quan điểm của VCSC, cơ sở chi phí vượt trội của CTR sẽ cho phép doanh nghiệp cung cấp mức giá cho thuê cạnh tranh so với các TowerCo khác cũng như hấp dẫn đối với các MNOs.

Hình ảnh trạm BTS của Viettel Construction

Thị trường Vận hành khai thác (VHKT):

Trên thế giới, nhu cầu Outsource (OS) các hoạt động vận hành khai thác của các nhà mạng di động cũng như nhà mạng cố định đã trở nên rất phổ biến. Theo báo cáo của Astea, 76% các doanh nghiệp thực hiện OS hoàn toàn hoặc một phần các dịch vụ.

Xu hướng OS của các nhà mạng trên thế giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp VHKT như CTR, mở rộng cơ hội tại các thị trường đang có mặt.

Tại thị trường nước ngoài, CTR hiện đang kinh doanh chính tại Myanmar, Campuchia và Peru. Theo đó, năm 2021, CTR cũng đã chính thức tiếp nhận Vận hành khai thác mạng viễn thông cho các đối tác lớn như MNTI, NTD,…

Ở trong nước, nhu cầu về OS hoạt động vận hành khai thác đang có dấu hiệu tăng do áp lực chi phí vận hành của các nhà cung cấp dịch vụ cố định băng rộng. Ngoài ra, thực hiện chủ trương Nhà nước, các nhà mạng sẵn sàng tiến hành kiên cố hóa nhà trạm, ngầm hóa các loại dây truyền tải điện, cáp viễn thông tới các hộ tiêu dùng, dẫn tới nhu cầu OS trở nên mở rộng hơn.

Việc xây dựng 120,000 trạm viễn thông ở 10 quốc gia khác nhau và vận hành hơn 35,000 trạm viễn thông là quy mô mà chỉ có một vài công ty TowerCo toàn cầu đạt được. Do vậy, đây là những lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ giúp CTR nhận được lòng tin và nhu cầu hợp tác từ các đối tác trong việc OS công tác Vận hành khai thác viễn thông. Một số khách hàng mới của CTR ngoài Tập đoàn Viettel có thể nhận thấy sự xuất hiện của Bộ Công an, OCK và các nhà mạng MobiFone, Vinaphone trong tương lai.

Một mảng kinh doanh mới thuộc lĩnh vực VHKT của CTR hiện đang rất phát triển là dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị trong gia đình. Chỉ mới triển khai từ đầu năm nhưng lĩnh vực này đã mang về doanh thu 150 tỷ đồng, thực tế nhu cầu từ thị trường rất lớn, tính chung hiện Việt Nam có khoảng 26.9 triệu hộ gia đình. Nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các thiết bị của người dân ngày một tăng cao, do chi phí cho các công việc này không quá lớn, chỉ với vài trăm nghìn đồng, các hộ gia đình đã có thể an tâm về hiệu suất hoạt động của các thiết bị. So với việc để các thiết bị hỏng và thay thế mua mới, người dùng dễ dàng ra quyết định với dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng hơn gấp nhiều lần.

Thị trường Xây dựng:

Theo báo cáo của BMI, thị trường xây dựng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng trung bình 7.1%/năm tới 2023, tăng gấp đôi so với trung bình thế giới. Xét về dài hạn, nhu cầu nhà ở được ước tính thông qua yếu tố nhân khẩu học và nhu cầu thay thế nhà đã cũ/hỏng hoặc di chuyển. Theo dự phóng Ngân hàng Thế giới, dân số Việt Nam sẽ đạt 104 triệu người vào năm 2030, tương ứng mức tăng trưởng trung bình 0.7%/năm.

Hiện, CTR đang kinh doanh theo 2 nhóm đối tượng thi công xây dựng các dự án bất động sản và xây dựng nhà hộ gia đình. Doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm và triển khai xây dựng các dự án lớn nhỏ trên cả nước từ các chủ đầu tư Vingroup, MBLand, FLC, Novaland,…

Đối với mảng xây dựng hộ gia đình, hiếm có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng bài toán thi công xây dựng phủ đến cấp quận xã như CTR hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách về bảo hành và giải pháp thi công trọn gói sẽ là xu hướng ưa chuộng của người Việt.

Kiến trúc sư Viettel Construction tư vấn khách hàng lĩnh vực xây dựng dân dụng

Thị trường Giải pháp tích hợp:

Lĩnh vực này CTR tập trung vào 4 nhóm ngành chính: ICT, Cơ điện (M&E), Smart solutions, năng lượng mặt trời.

Đại dịch đã khiến người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận các sàn thương mại điên tử, kênh mua hàng trực tuyến nhanh hơn, điều này là một lợi thế đối với các nhóm sản phẩm CTR đang cung cấp trên website, chỉ với vài thao tác khách hàng có thể đặt mua sản phẩm và nhận được sự hỗ trợ từ các chi nhánh cấp quận/huyện 63 tỉnh, thành.

Theo đó, các sản phẩm CTR kinh doanh đều bám sát theo xu hướng thị trường và nhu cầu người tiêu dùng như: Camera giám sát tại các điểm khu cách ly, thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh covid-19, máy lọc không khí, các sản phẩm năng lượng mặt trời,… Hoặc các sản phẩm gần như mỗi gia đình bắt buộc trang bị như: Điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… thì CTR đều có sẵn sản phẩm cung cấp. Việc chớp thời cơ nhanh chóng và độ phủ địa bàn kinh doanh lớn giúp CTR có những lợi thế nhất định.

Thị trường Công nghệ thông tin:

Theo báo cáo của The Manufacturer về những nhận định Chuyển đổi số năm 2021, dưới tác động của Covid-19 thì có 67% các nhà quản lý tăng tốc đẩy mạnh các dự án số, 92% trong số đó coi “cải thiện hiệu quả vận hành” là ưu tiên lớn nhất. Việc cung cấp các giải pháp như quản lý kho, quản lý hoạt động bán hàng, hệ thống tổng đài số,… của Viettel Construction có thể đáp ứng lớn nhu cầu các doanh nghiệp/hộ kinh doanh vừa và nhỏ trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đề ra mục tiêu cụ thể: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động đến năm 2030. Điều này giúp cho Viettel Construction dễ dàng trở thành một trong những đối tác hàng đầu cung cấp giải pháp số tại nhiều cơ quan nhà nước, nhất là các đơn vị cấp tỉnh/huyện.

Trước những lợi thế cạnh tranh khác biệt và nguồn lực mà CTR đang sở hữu, doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để bứt phá trên cả 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, hướng mục tiêu trở thành doanh nghiệp doanh thu tỷ đô trong tương lai.

FILI