Đầu tư trong thị trường con bò, bạn mất gì?

Đầu tư trong thị trường con bò, bạn mất gì?

Nhà đầu tư không còn tỏ ra lo sợ về khả năng thua lỗ và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mà lẽ ra họ nên tránh.

Thị trường con bò (bull market) mang lại những khoản lời béo bở, nhưng cũng sẽ lấy đi của bạn một thứ gì đó. Một trong những tài sản đáng giá nhất bị lấy đi bởi thị trường con bò chính là ranh giới giữa chấp nhận rủi ro (risk taking) và tìm kiếm rủi ro (risk seeking).

Không có chuyện đầu tư mà không có rủi ro. Ngay cả khi bỏ 100% tiền vào trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc tài khoản ngân hàng, rủi ro vẫn có. Chẳng hạn, mức lãi thu về từ các khoản đầu tư này bị bào mòn bởi lạm phát. Khấu trừ đi lạm phát, bạn đang lỗ chứ không lãi.

Đó là một rủi ro mang tính tự nguyện (voluntary risks), một loại rủi ro mà các nhà đầu tư ở các tài sản này không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một thị trường con bò kéo dài sẽ thôi thúc nhiều nhà đầu tư chấp nhận rủi ro tự nguyện. Họ nỗ lực tìm kiếm những món hời, thực hiện những canh bạc không cần thiết. 

Robert Gilmour (69 tuổi), sinh sống ở khu vực Dallas-Fort Worth, đã dành toàn bộ thời gian cho giao dịch cổ phiếu kể từ cuối tháng 1/2021. Có thời điểm, ông đã vay nợ margin tới 200,000 USD và giữ 160 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Ngay cả ông cũng cảm thấy con số này thật “nực cười”.

Sau đó, nhà đầu tư này đã giảm bớt quy mô danh mục, không còn vay nợ margin quá nhiều và số lượng cổ phiếu đã giảm xuống 96. Tuy nhiên, ông dường như không thể dừng lại việc giao dịch.

Vào ngày 30/08, ông Gilmour nhắm tới cổ phiếu Zoom Video Communications sau khi chứng kiến cổ phiếu này giảm mạnh. “Tôi tự nói với bản thân là sẽ gom hàng và lãi to ngay trong ngày mai khi cổ phiếu hồi phục”, ông nhớ lại. Ngày kế đó, cổ phiếu Zoom không tăng mà còn giảm 17%. “Tôi thề sẽ không lặp lại sai lầm đó một lần nào nữa. Nhưng ngựa quen đường cũ. Tôi lại thấy cổ phiếu Wells Fargo lao dốc trong đêm hôm đó và lại mua vào với suy nghĩ tương tự. Thế là tôi trả giá trong ngày kế tiếp khi cổ phiếu giảm thêm 5%”.

Là một nhân viên kế toán đã nghỉ hưu, ông Gilmour ghi lại tất cả giao dịch trong một bảng tính excel. Ông kiếm được 18,000 USD kể từ khi giao dịch toàn thời gian. “Nếu tôi chỉ đơn giản bỏ tiền vào một số chứng chỉ quỹ ETF theo chỉ số, có lẽ số lãi còn lớn hơn hiện nay”, ông nói với nụ cười buồn.

“Đây không phải là cách đầu tư hay ho, có lẽ thế”, nhà đầu tư 69 tuổi này cho biết. “Tuy nhiên, nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi”.

Việc S&P 500 lập kỷ lục hơn 60 lần trong năm nay đã “ru ngủ” nhiều nhà đầu tư vào suy nghĩ thị trường sẽ không bao giờ giảm trở lại. Và nhà đầu tư cũng thường chấp nhận rủi ro mạnh bạo hơn khi môi trường xung quanh họ có vẻ ít rủi ro.

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn khi chạy xe đạp tốc độ nhanh nếu có mang nón bảo hiểm. Bạn có xu hướng mạo hiểm hơn khi đi một chiếc SUV cứng cáp hơn là một chiếc xe hơi nhỏ gọn.

Cũng tương tự như thế, chính sách lãi suất thấp của Fed và các Ngân hàng Trung ương (NHTW) khác trên thế giới khiến môi trường đầu tư có vẻ ít rủi ro hơn và thôi thúc nhà đầu tư thực hiện các hành vi mạo hiểm hơn.

Trong nhiều năm trước, bạn có thể kiếm được lãi 5% dễ dàng với trái phiếu mà không gặp rủi ro gì ngoài lạm phát. Vì vậy, nếu tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán, khoản đầu tư đó phải sinh lời hơn 5% thì mới đáng thực hiện vì lúc này rủi ro cao hơn.

Tuy nhiên, môi trường đã thay đổi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 khi Fed hạ lãi suất. Cùng với các NHTW khác, Fed đã giữ lãi suất gần mức 0 gần như liên tục kể từ đó. Lãi suất thấp từ trái phiếu và gửi tiền vào ngân hàng đã thôi thúc nhà đầu tư tìm tới thị trường chứng khoán.

Dù vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng không phải là yếu tố duy nhất đẩy nhà đầu tư vào hành trình tìm kiếm rủi ro. Hãy thử nhớ lại về cảm giác sợ hãi khi dịch Covid-19 ập đến vào tháng 2-3/2020. Bạn không thể, đúng chứ?

Đại dịch Covid-19 hoành hành, nền kinh tế bị phong tỏa, hàng triệu người mất việc và S&P 500 lao dốc 34% trong chưa đầy 5 tuần. Không quan trọng lúc này bạn nghĩ gì nhưng bạn thật sự sợ hãi khi dịch bệnh bắt đầu ập tới. Ai cũng thế thôi.

Tuy nhiên, đà hồi phục ấn tượng từ đáy năm 2020 đã củng cố cho cảm giác rằng thị trường hiện đang an toàn hơn tại thời điểm này. Sau cú sụp 34% đó, S&P 500 lại lập kỷ lục mới chỉ 126 ngày sau khi chạm đáy. Chính đà tăng ấn tượng này khiến chúng ta gần như khó mà nhớ lại về nỗi sợ hãi của hơn 1 năm trước. Chúng ta rõ ràng đang nhìn quá khứ qua lăng kính màu hồng, nó khiến mọi người nghĩ rằng tương lai sẽ không đáng sợ như quá khứ.

Để tránh xa rắc rối, hãy tự hỏi bản thân liệu bạn có đang chấp nhận những rủi ro không cần thiết hay không.

Thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn đang trên đà tăng mạnh trong năm 2021, trong khi trái phiếu gần như vẫn đi ngang. Nếu danh mục mục tiêu của bạn là 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu, thì với đà tăng mạnh của thị trường cổ phiếu hiện nay, tỷ trọng của bạn sẽ thay đổi: Có khả năng tỷ trọng cổ phiếu đã tăng lên 55% (vì giá cổ phiếu tăng) và trái phiếu chỉ còn 45%. Cho dù không thực hiện động thái nào, bạn vẫn đang nhận thêm rủi ro vì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn.

Để trở lại mục tiêu 50/50, hãy bán một chút cổ phiếu, mua thêm trái phiếu hoặc cả hai.

Bạn cũng phải tự hỏi rằng: Đây liệu có phải là rủi ro mà mình cần phải nhận hay không? Hãy thử tưởng tượng nếu có lãi gấp 10 lần khoản đầu tư ban đầu, liệu cuộc đời của bạn có khác hơn không? Nếu câu trả lời là không thì rủi ro đó không cần thiết. Còn giờ hãy đặt vào trường hợp thua lỗ toàn bộ, liệu giao dịch đó có đáng thực hiện hay không?

Cuối cùng là bạn có hiểu rủi ro đó hay không. Ai là người ở phía bên kia của giao dịch này và nếu đây là một món hời, tại sao họ sẵn lòng bán cho bạn? Trong một thị trường con gấu, bạn thường giao dịch với một ai đó bị buộc phải bán và nhờ đó bạn sẽ dễ có lợi thế hơn. Nhưng trong một thị trường con bò, mọi thứ lại khác, thường có một ai đó biết nhiều hơn bạn.

Đầu tư đúng là phải chấp nhận rủi ro, nhưng bạn không buộc phải tìm kiếm chúng, nhất là khi đà tăng mạnh khiến thị trường trở nên rủi ro hơn những gì bạn nghĩ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Jason Zweig, người biên tập cuốn sách Nhà đầu tư Thông Minh

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI