Một quý đáng quên của ngành săm lốp

Một quý đáng quên của ngành săm lốp

“Phủ bóng” bởi những tác động tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19, các doanh nghiệp săm lốp đã trải qua một quý 3 đáng quên nhất từ trước đến nay.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, 03 doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết trên sàn chứng khoán gồm CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, HOSE: CSM), CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) có tổng doanh thu thuần trong quý 3/2021 đạt gần 2,152 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.

Do Casumina báo lỗ, lợi nhuận ròng của cả 03 công ty chỉ ghi nhận gần 16 tỷ đồng, giảm 86%.

Tổng hợp kết quả kinh doanh quý 3/2021 của ba doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC của DRC, CSM, SRC

Một trong những lý do khiến kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp săm lốp sụt giảm mạnh là do sản lượng tiêu thụ giảm.

Ở thị trường nội địa, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, dẫn đến cầu về lốp xe sụt giảm.

Do đẩy mạnh đầu tư vào thị trường nội địa kể từ đầu năm, Casumina là doanh nghiệp săm lốp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chiến lược của Casumina ở thị trường nội địa là đẩy mạnh dòng lốp xe mang thương hiệu Advenza thông qua các đại lý độc quyền. Tuy nhiên, khi các cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa để thực hiện giãn cách, chiến lược kinh doanh này có lẽ đã phản tác dụng khi Công ty vẫn phải trả phí mặt bằng và phí duy trì độc quyền dù không tiêu thụ được sản phẩm.

Không chỉ thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu của Casumina cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Công ty phải chịu thêm mức thuế suất xấp xỉ 29% khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Nguyên nhân là do sản phẩm của Công ty thuộc diện áp thuế của Bộ thương mại Mỹ (DOC) khi cơ quan này kết luận rằng lốp xe xuất khẩu của Việt Nam được trợ cấp và bán phá giá.

Bất lợi ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa đã khiến doanh thu thuần của Casumina trong quý 3 giảm 21% so với cùng kỳ, còn gần 1,012 tỷ đồng.

Đối với thị trường xuất khẩu, không chỉ phải chịu thêm thuế suất, các doanh nghiệp săm lốp còn phải đối mặt với chi phí vận tải tăng cao.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, vào thời điểm tháng 5/2021, cước vận tải từ cảng Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ chỉ rơi vào khoảng 6,000 USD/container. Tuy nhiên, đến tháng 8/2021, giá cước đã tăng lên 9,000-15,000 USD/container (tùy từng tuyến).

Do tập trung vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, giá cước vận tải đã khiến chi phí bán hàng của DRC trong quý 3 tăng 88% so với cùng kỳ, vượt mức 77 tỷ đồng. Vì nguyên nhân này, dù doanh thu thuần của Công ty không thay đổi nhiều so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng lại giảm đến 45%, còn gần 34 tỷ đồng.

Không chỉ khó khăn ở đầu ra sản phẩm, chi phí đầu vào cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất săm lốp phải đau đầu trong quý 3.

Theo CTCP Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) - một công ty chuyên khai thác cao su, giá bán mủ cao su trong quý 3 tăng hơn 28% so với cùng kỳ, đạt hơn 38 triệu đồng/tấn. Với việc cao su là nguyên liệu chính để sản xuất lốp xe, giá cao su tăng cao sẽ “bào mòn” biên lợi nhuận của các doanh nghiệp săm lốp, đó là chưa kể chi phí vận tải để nhập khẩu nguyên vật liệu về Việt Nam.

Ngoài chi phí nguyên liệu, nhằm duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện “3 tại chỗ”, điều này càng làm tăng giá vốn sản xuất trên mỗi sản phẩm.

Nguồn: VietstockFinance

Điểm sáng hiếm hoi của các doanh nghiệp săm lốp trong quý vừa qua đến từ doanh thu tài chính. Nhờ khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá, doanh thu tài chính của 03 doanh nghiệp săm lốp đều tăng bằng lần so với quý 3 năm trước. Doanh thu tài chính của DRC, Casumina và SRC lần lượt gấp 2.4 lần, 21.7 lần và 3.4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm sáng này lại không đủ để vực dậy lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý nữa ở các doanh nghiệp săm lốp là lượng hàng tồn kho tại thời điểm cuối tháng 9 tăng lên đáng kể so với đầu năm. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho của DRC tăng 77%, trong khi ở CSM là 22% và SRC là 52%. Phần lớn hàng tồn kho tăng thêm chủ yếu là thành phẩm cùng nguyên vật liệu. Trong bối cảnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế, hàng tồn kho tăng cũng là điều dễ hiểu.

Mặt khác, theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tổng cầu thế giới về cao su thiên nhiên trong năm 2021 là khoảng 14.1 triệu tấn nhưng sản lượng dự kiến chỉ ở mức 13.86 triệu tấn, nên có khả năng giá cao su thiên nhiên sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Việc tăng tồn kho nguyên vật liệu sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện cải thiện biên lợi nhuận khi giá cao su tăng cao, qua đó, tạo đà phục hồi cho kết quả kinh doanh trong các quý tiếp theo.

Tuy nhiên, nợ vay hiện tại của 03 doanh nghiệp săm lốp đã tăng đáng kể so với đầu năm, đặc biệt là Casumina. Chi phí lãi vay sẽ khiến đà phục hồi của các doanh nghiệp này bị chậm lại.

Nguồn: VietstockFinance

Hà Lễ

FILI