Góc nhìn 14/10: Nhóm bluechip sẽ dẫn dắt VN-Index?

Góc nhìn 14/10: Nhóm bluechip sẽ dẫn dắt VN-Index?

Theo một số công ty chứng khoán (CTCK), phiên giảm điểm 13/10 không đáng lo ngại. Tuy nhiên, để VN-Index có thể tiếp tục đà tăng, chỉ số cần có sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm ngân hàng và “họ Vin”.

Đà tăng điểm của VN-Index phụ thuộc vào nhóm ngân hàng và “họ Vin”

CTCK Asean (Aseansc): Aseansc nhận định phiên giảm điểm nhẹ 13/10 đã chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index, trong bối cảnh khối lượng giao dịch ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy bên bán vẫn chưa quyết liệt ra hàng, trong khi bên mua đang chờ đợi điểm mua tốt hơn.

Dự báo trong phiên giao dịch 14/10, sự giằng co có thể sẽ diễn ra trong phiên sáng, giữa lực mua tại vùng hỗ trợ gần 1,385 – 1,390 điểm và lực bán tại vùng kháng cự gần 1,395 – 1,400 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Động lực tăng điểm của VN-Index sắp tới được dự báo sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và họ Vingroup, do 2 nhóm này có tỷ lệ ảnh hưởng khá lớn đối với chỉ số, và đều đã có mức điều chỉnh tương đối kể từ vùng đỉnh.

Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm giá ‘Tweezer top’ tại vùng kháng cự 1,395 – 1,400 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày cho thấy độ tin cậy của cây nến này là chưa cao.

Lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

CTCK MB (MBS): MBS cho rằng việc VN-Index thất bại trong việc duy trì ngưỡng 1,400 điểm trong phiên 13/10 là do thanh khoản không được duy trì như ở 2 phiên đầu tuần, bên cạnh đó là việc nhóm cổ phiếu bluechip suy yếu.

Dòng tiền tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi cả 2 nhóm này đều vượt đỉnh lịch sử. Xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn không thay đổi, việc thanh khoản giảm cũng là tín hiệu tích cực cho thấy áp lực bán không mạnh khi chỉ số tiệm cận ngưỡng tâm lý 1,400 điểm, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa, năng lượng, chuỗi cung ứng, xuất khẩu,…hoặc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng,…

VN-Index sẽ sớm có lực đỡ quanh 1,380 điểm

CTCK KB Việt Nam (KBSV): KBSV đánh giá áp lực điều chỉnh tại quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1,400 điểm sẽ tiếp tục cản trở đà hồi phục của chỉ số trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, cơ hội duy trì xu hướng tăng điểm vẫn đang được đánh giá cao và VN-Index sẽ sớm nhận được lực đỡ tại vùng hỗ trợ gần quanh 1,380 điểm trong các phiên tới.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ các vị thế trung hạn ở mức trung bình và trải lệnh mua tại từng phần vị thế trading ngắn hạn tại các vùng hỗ trợ.

Áp lực bán đang lớn dần

CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): VCBS nhận định áp lực bán có xu hướng gia tăng trong những phiên gần đây khi mà VN-Index tiệm cận ngưỡng 1,400 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã chững lại đà tăng dù vẫn nằm trong xu hướng đi lên cũng cho thấy áp lực điều chỉnh lớn hơn. Mặc dù vậy, các đường trung bình động 50 và 100 ngày (tương ứng vùng điểm 1,345 – 1,350 điểm) tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho chỉ số trong ngắn hạn.

Với việc chỉ số đang tiệm cận ngưỡng kháng cự khá “cứng” là 1,400 điểm, VCBS cho rằng nên cân nhắc tạm thời quan sát trong một vài phiên sắp tới - nhất là những nhà đầu tư đã giải ngân trong các phiên trước - để chờ đợi diễn biến bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự này với sự củng cố của khối lượng giao dịch trước khi tiếp tục giải ngân thêm hoặc chốt lời danh mục.

Hỗ trợ ngắn hạn ở vùng 1,380 điểm

CTCK Đông Á (DAS): DAS cho rằng VN-Index có phiên điều chỉnh nhẹ với thanh khoản thấp cho thấy bên mua không vội vàng đẩy giá còn bên bán vẫn kỳ vọng chốt lời ở vùng giá tốt hơn. Các cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch trong biên độ nhỏ, trong khi đó, dòng tiền hoạt động trong nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và một số cổ phiếu có dự báo lợi nhuận quý 3 tăng trưởng vượt bậc như phân bón, hóa chất, vận tải biển,... Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đang theo dõi thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết và có xu hướng giao dịch ngắn hạn theo tin tức.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có sự hỗ trợ ngắn hạn ở vùng 1,380 điểm, bên cạnh đó là vùng kháng cự ở đỉnh cũ 1,420 điểm. Chỉ số sẽ cần có thêm những phiên giao dịch tích lũy với khối lượng tích cực hơn trước khi hướng lên đỉnh cũ.

Trung tính trong ngắn hạn

CTCK Mirae Asset: Nhóm cổ phiếu ngân hàng và vốn hóa lớn có phần điều chỉnh nhẹ sau nhịp tăng trước đó. Cụ thể, TCB, BID, STB, TPB, MBBCTG đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm từ 0.3%-1.3%. Trái ngược, nhóm cổ phiếu phân bón đã quay lại với đường đua xanh với nhiều mã tăng mạnh thậm chí tăng trần như là DCM, DPM, BFC, LAS

Khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng với giá trị hơn 511 tỷ trên cả 2 sàn HNXHOSE. HPGSSI là 2 cái tên đứng đầu trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại với giá trị lần lượt là 149 tỷ và 69 tỷ đồng. Còn ở chiều ngược lại, HAHVRE thu hút mua ròng của khối ngoại với giá trị lần lượt đạt 84 tỷ và 44 tỷ đồng. Đóng cửa trong sắc đỏ đã khiến cho điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index điều chỉnh giảm từ mức +7 điểm (Khả quan) xuống mức đánh giá +2 điểm, tương ứng mức đánh giá ngắn hạn (Trung tính).

Gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường có thể sẽ nhanh chóng quay lại đà tăng trong phiên kế tiếp. Điểm tích cực là khối lượng giao dịch giảm nhẹ ở những nhịp điều chỉnh của thị trường cho thấy áp lực bán không quá lớn và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhẹ. Đồng thời, độ rộng thị trường vẫn ở mức tích cực, đặc biệt cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp vẫn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Hạn chế giao dịch

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường giao dịch giằng co trong gần hết phiên giao dịch nhưng đã đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên 13/10. Dòng tiền đầu tư co cụm vào 1 số ngành nhất định khi có 10/19 ngành tăng điểm. Các nhóm đóng góp vào đà tăng điểm của thị trường là: Hóa chất, Ô tô và phụ tùng và Bán lẻ.

Thanh khoản thị trường suy giảm và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy đà tăng đã suy yếu. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng tại sàn HNX. Với xu hướng tích lũy trong vùng 1,380-1,400 điểm tiếp tục, BSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và có thể cân nhắc chốt lãi 1 số cổ phiếu đã tăng giá tốt trong thời gian qua.

Có thể hồi phục trở lại

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường điều chỉnh nhẹ (giảm 0.21%) trong phiên 13/10 với thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. Tuy nhiên, việc VN-Index gặp khó trước ngưỡng 1,400 điểm hai phiên liên tiếp cho thấy đây là ngưỡng kháng cự không đễ để vượt quan. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 500 tỷ đồng trên hai sàn cũng tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường chung. Trên góc nhìn kỹ thuật, tuy giảm nhẹ nhưng VN-Index vẫn đóng cửa trên vùng hỗ trợ 1,375-1,380 điểm nên cơ hội để tiếp tục đi lên ngưỡng tâm lý 1,400 điểm trong đợt này là vẫn còn nếu lực cầu tốt hơn quay trở lại.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 14/10, VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự tâm lý 1,400 điểm.

Thượng Ngọc

FILI