3 người bạn đại học gầy dựng nên doanh nghiệp tỷ đô

3 người bạn đại học gầy dựng nên doanh nghiệp tỷ đô

Aaron Tan, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty Carro, một unicorn mới nổi và cũng là một trong những công ty start-up phát triển nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện tại đang bận rộn đi nhiều nơi để chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng của Carro.

Các nhà đầu tư như Softbank cũng đã vào cuộc cho nên anh bắt buộc phải nhanh chóng tiến về phía trước.

“Hiện tại chúng tôi đã đạt mốc 1 tỷ USD, câu hỏi đặt ra là làm sao để tiếp tục đạt 10 tỷ và 100 tỷ USD?”, Tan trao đổi với chuyên mục CNBC Make It.

Carro, cách nói chơi chữ của từ “car hero”, là một thị trường xe hơi online cho khu vực Đông Nam Á, mục đích của công ty là để đơn giản hóa việc mua bán xe hơi bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Được thành lập vào năm 2015 bởi Tan và những người bạn đại học của anh, Aditya Lesmana và Kelvin Chng, Carro đã cán mốc 1 tỷ USD trong tháng 6 sau khi nhận khoản đầu tư 360 triệu USD. Thương vụ này đã đem tổng số vốn đầu tư kêu gọi được lên hơn nửa tỷ đô và đưa Carro lên sánh ngang tầm với những đối thủ trọng yếu như Carsome của Malaysia và Carmudi của Đức trong một thị trường trị giá 50 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Tan, để có được như ngày hôm nay là cả một hành trình.

Nguồn cảm hứng của sự thành công

Câu chuyện kinh doanh của anh bắt đầu từ khi mới 13 tuổi. Khi còn là một thiếu niên trưởng thành ở đất nước Singapore, bản thân Tan đã dùng tài năng tin học của mình để kiếm thêm tiền bằng việc thiết kế và bán website.

Thời gian sau này anh qua Mỹ, làm một nhà đầu tư mạo hiểm, tại nơi đây anh đã thấy được cơ hội kết hợp kỹ năng kinh doanh với niềm đam mê của mình, đó là mua bán xe hơi.

Aaron Tan

“Khi còn ở Mỹ và làm công việc đầu tư mạo hiểm được vài năm, tôi nhớ rất rõ là mình đã từng gặp qua nhiều thể loại công ty xe hơi khác nhau như Beepi, Uber, DriveShift. Nhờ đó mà tôi tìm được động lực cho mình”, Tan chia sẻ.

Khi thị trường xe hơi bán lại đang nở rộ ở Mỹ, thì ở Đông Nam Á chưa phát triển được như thế. Khi đó, việc kinh doanh xe hơi cũ tại khu vực này nổi tiếng là không thuận lợi do có nhiều trung gian khiến cho người bán và người mua khó có được giao dịch tốt.

Tan muốn thay đổi điều đó. Vào năm 2015, anh đã trở về Singapore cùng với hai người bạn đại học cùng Trường Khoa học Máy tính Carnegie Mellon của mình bắt đầu lập trình để thực thi ý tưởng đó.

“Bạn không thể nói là tôi đã dụ họ cùng tôi mở công ty, nhưng tôi nghĩ là tôi đã bán cho họ một cơ hội hấp dẫn hơn những gì họ đang làm”, Tan nói.

Xâm nhập vào một thị trường đang lên

Ba người họ đã khám phá ra được đặc điểm của thị trường Đông Nam Á. Đây là một khu vực có rất nhiều người tiêu dùng trung lưu, quan tâm giá cả, rành về công nghệ, hiển nhiên nhu cầu sở hữu những mẫu xe đời mới “second hand” cũng ngày một gia tăng.

“Tầng lớp trung lưu ngày càng đông kết hợp tỷ lệ sở hữu xe hơi thấp tại khu vực Đông Nam Á thật sự là những nhân tố chính thúc đẩy việc kinh doanh xe hơi mới, và đồng thời cũng tạo đà cho thị trường xe hơi cũ phát triển sôi nổi”, Justinas Liuima, nhà tư vấn cao cấp của Euromonitor chia sẻ với chuyên mục CNBC Make It.

Carro đã nắm bắt nhu cầu đó, đưa ra nền tảng giao dịch online cho những khách hàng cá nhân và các đại lí bán sỉ khắp Indonesia, Thái Lan và Malaysia trong nhiều năm về sau. Đồng thời, công ty cũng bổ sung thêm các dịch vụ tài chính như cho vay, bảo hiểm và chăm sóc hậu mãi.

Đến năm 2019, được truyền cảm hứng bởi Netflix và Spotify, công ty đã tung ra dịch vụ đăng ký xe hơi đầu tiên tại Singapore, cho phép người dùng cho thuê xe với mức phí hàng tháng bao gồm thuế, bảo hành và bảo trì.

“Chúng tôi đã nhìn ra nhu cầu thay đổi của chủ sở hữu xe. Trên thực tế, thị trường có nhu cầu như thế chính là mong muốn tìm những người cũng thích sự linh hoạt. Và quan trọng hơn, họ thực sự muốn thử lái xe mới”, Tan nói.

Lèo lái trong đại dịch

Đến năm 2020 thì đại dịch ập đến. Nhưng khi nhiều công ty start-up khác khó khăn chồng chất thì đó lại là cơ hội cho công ty của Tan.

Lo ngại về an toàn cá nhân và vệ sinh làm dấy lên nhu cầu cho việc lựa chọn di chuyển riêng tư. Bên cạnh đó, do đường biên giới đóng và thiếu nguồn chip nên việc sản xuất xe hơi mới bị hạn chế, nhưng thị trường mua bán xe cũ lại phát triển mạnh mẽ.

“Dịch Covid thật sự đã giúp thúc đẩy việc số hóa thị trường kinh doanh xe cũ cả trong lẫn ngoài đến với cộng đồng”, Tan chia sẻ.

Một trong nhiều ý tưởng tiên phong công ty đưa ra chính là “Showroom Anywhere”, cho phép người mua tiềm năng xem và lái thử mà không cần tương tác trực tiếp. Thay vào đó, họ có thể tiếp cận chiếc xe tại bãi đỗ xe công cộng sử dụng mã QR không cần liên hệ.

Tới tháng 3/2021, công ty Carro ghi nhận doanh số 300 triệu USD, tăng 2.5 lần so với năm ngoái. Sau 6 năm khởi nghiệp, công ty này cho hay hiện tại đã có lãi.

Hành trình đến lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng

Tuy nhiên, công ty của Tan lại đang tăng trưởng trong bối cảnh lĩnh vực xe hơi đang được giám sát gắt gao.

Các phương tiện giao thông đóng góp gần một phần tư (24%) lượng khí thải carbon toàn cầu, trong đó các phương tiện đường bộ chiếm 75%. Thậm chí khi nhiều chính phủ và các công ty sản xuất xe hơi lên kế hoạch để tăng tốc chuyển đổi xe hơi động cơ đốt trong truyền thống bằng xe điện, thì những chiếc xe hiện hữu đơn giản là được xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Carro đang đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tiếp sang một phương thức giao thông thân thiện hơn với môi trường.

“Công việc của chúng tôi chính là thúc đẩy việc tái sử dụng những phương tiện đó trong thời gian ngắn nhất. Tiếp nữa, xe điện về bản chất là đang hỗ trợ mạnh mẽ cho chúng tôi, bởi vì nó khuyến khích bạn đổi xe. Đối với một platform như của chúng tôi, nơi nào có thay đổi thì chúng tôi có thể phát triển”, Tan chia sẻ.

Bền vững chính là một trong nhiều mục tiêu mà Tan đề ra cho công ty trong vòng 18 đến 24 tháng tới. Với tiềm năng mở rộng của khu vực, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thị trường xe cũ sẽ phát triển sôi nổi là một điều chắc chắn.

“Từ bây giờ cho tới lúc đó, công ty chúng tôi cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ từ nhân sự, điều hành cho đến quy trình”, Tan chia sẻ. “Khi mọi thứ ổn rồi thì chúng tôi mới an tâm chuẩn bị niêm yết trong vòng 12 đến 18 tháng tới”.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI