Tỷ giá, lãi suất và câu chuyện thừa vốn ngoại tệ của ngân hàng

Tỷ giá, lãi suất và câu chuyện thừa vốn ngoại tệ của ngân hàng

Chính sách giảm mạnh giá mua đô la Mỹ và sau đó là giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc dường như cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa vốn ngoại tệ, trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại bị ảnh hưởng tiêu cực hơn 4 tháng qua.

Tín hiệu từ chính sách

Cách đây 3 tháng, ngày 08/06/2021, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ giảm 150 đồng giá mua đô la Mỹ kỳ hạn 6 tháng xuống còn 22,975 đồng. Đúng 2 tháng sau đó, cơ quan này tiếp tục giảm mạnh 225 đồng giá mua USD xuống chỉ còn 22,750 đồng, cùng với việc chuyển trở lại cơ chế mua giao ngay. 

Động thái này được giới phân tích nhìn nhận như là hệ quả của thỏa thuận tiền tệ mà Việt Nam đã đạt được với Mỹ, theo đó nới lỏng việc can thiệp lên thị trường ngoại hối trong nước nhưng đồng thời nhà điều hành cũng phải chấp nhận để đồng nội tệ tăng giá. Cụ thể, nếu so với thời điểm đầu năm nay, tỷ giá trung tâm USD/VND đang giảm 0.1% so với đầu năm, còn giá mua vào USD đang giảm đến 1.6% so với đầu năm.

Trong một động thái mới đây, khi mà thị trường vẫn đang kỳ vọng vào một chính sách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) như là một công cụ tăng cường mức độ nới lỏng tiền tệ, NHNN lại có thay đổi mới về lãi suất áp dụng cho DTBB thông qua Quyết định 1349/QĐ-NHNN, với sự điều chỉnh duy nhất là giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ vượt DTBB từ 0.05%/ năm xuống còn 0%/năm. 

Diễn biến mới này phát tín hiệu rằng có vẻ như các nhà băng đang có lượng tiền gửi ngoại tệ quá lớn tại NHNN, vượt mức tỷ lệ DTBB đang áp dụng theo quy định hiện nay là 8% đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng và 6% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, do đó thúc đẩy nhà điều hành có chính sách quản lý phù hợp hơn.

Kết nối các chính sách trên cũng cho thấy dường như có mối quan hệ qua lại, khi đồng USD mất giá so với tiền đồng cùng với lãi suất áp dụng cho đồng USD cũng giảm xuống là điều tất yếu. Trong bối cảnh trần lãi suất tiền gửi USD đã về 0% từ cuối năm 2015, lãi suất áp dụng cho DTBB ngoại tệ cũng đã về 0% từ lâu, thì chỉ còn có thể đánh vào mức lãi suất đối với tiền gửi ngoại tệ vượt DTBB vẫn đang ở mức dương trước thời điểm ngày 01/09/2021.

Ngân hàng thừa vốn ngoại tệ?

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng suốt từ cuối tháng 4 đến nay vì tình hình dịch bệnh, với các chính sách giãn cách xã hội ngày càng thắt chặt hơn, khiến hoạt động sản xuất trong nước của các doanh nghiệp trở nên trì trệ, kéo theo các hoạt động thương mại cũng bị tác động tiêu cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4.2% so với tháng trước và giảm 7.4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) khu vực sản xuất chìm sâu dưới mốc 50 điểm, chỉ còn 40.2 điểm.

Rõ ràng khi không thể giữ vững công suất hoạt động, không chỉ hàng hóa xuất khẩu mà nhu cầu nhập khẩu các nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất cũng giảm sút là đương nhiên. Dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 6% so với tháng trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 5.5% so với tháng trước.

Trong khi đó, sức cầu tiêu dùng suy yếu cũng khiến các thành phẩm, hàng hóa từ kênh nhập khẩu cũng khó có thể duy trì được công suất tiêu thụ như trước đây. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10.5% so với tháng trước và giảm 33.7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, con số giảm sút là 4.7% so với cùng kỳ năm trước.

Khi các hoạt động xuất nhập khẩu bị suy giảm như thế, nhu cầu vay vốn ngoại tệ cũng khó có thể tăng trưởng mạnh như giai đoạn trước. Vì vậy, không loại trừ khả năng dòng vốn ngoại tệ tại các ngân hàng đang bị thừa ra, theo đó làm tăng số dư gửi tại NHNN dẫn đến vượt xa tỷ lệ DTBB theo quy định như đã nói ở trên.

Theo dõi lãi suất vay mượn USD giữa các nhà băng trên thị trường liên ngân hàng cũng cho thấy các kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng có xu hướng đi xuống, phản ánh nguồn vốn USD nhàn rỗi đang khá dồi dào. Tính đến thời điểm cuối tháng 8, lãi suất vay USD kỳ hạn 3 tháng giảm 7 điểm cơ bản so với đầu tháng, trong khi kỳ hạn 6 tháng giảm 16 điểm cơ bản.

Ngoài ra, trong bối cảnh không thể sản xuất kinh doanh, không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang thừa vốn ngoại tệ cũng có thể chuyển sang tiền đồng tạm gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn. Điều này càng khiến nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại có được từ quan hệ mua bán tăng lên. Thực tế số liệu thống kê tăng trưởng huy động vốn tại khu vực TP. Hồ Chí Minh cho thấy trong khi tăng trưởng tiền gửi VNĐ trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 9%, thì tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ chưa đến 1%.

Để tránh vi phạm các trạng thái về ngoại hối, các nhà băng buộc phải bán ngoại tệ lại cho NHNN. Chính vậy, dù những tháng gần đây chứng kiến nhập siêu hàng hóa trở lại, dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chậm lại, nhưng nhà điều hành vẫn có động thái giảm mạnh giá mua USD đến 2 lần chỉ trong vòng 2 tháng, đồng thời giá mua USD của các ngân hàng cũng giảm đáng kể. Đơn cử như tại Vietcombank, giá mua USD đang giảm đến 365 đồng, tương đương 1.58% so với thời điều đầu năm nay.

Chính sách giảm lãi suất tiền gửi DTBB vượt mức mới đây, sẽ tiếp tục kích thích các nhà băng thừa nguồn ngoại tệ thay vì gửi tại NHNN sẽ chọn giải pháp bán lại cho NHNN, theo đó không loại trừ khả năng tỷ giá mua bán USD tại NHNN có thể chứng kiến mức giảm thêm trong giai đoạn tới. Điều này nếu xảy ra sẽ càng củng cố giá trị tiền đồng, tạo điều kiện để giữ ổn định lãi suất VNĐ ở mức thấp.

Trong bối cảnh không thể sản xuất kinh doanh, không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang thừa vốn ngoại tệ cũng có thể chuyển sang tiền đồng tạm gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn. Điều này càng khiến nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại có được từ quan hệ mua bán tăng lên.

Nhung Võ

FILI